Nông thôn mới

Triển vọng mô hình nuôi dúi ở xã La Êê

VĂN THỦY 25/08/2024 14:37

(QNO) - Những năm gần đây, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế vườn, trang trại hay chăn nuôi gia súc, xã La Êê, huyện Nam Giang còn đẩy mạnh chủ trương phát triển mô hình nuôi dúi và bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương.

NUOI DUI
Dúi loại động vật dễ nuôi và dễ chăm sóc, phù hợp với địa bàn miền núi. Ảnh: VĂN THỦY

Cũng như nhiều hộ gia đình trên địa bàn, ông Zơ Râm Huấn, thôn Đắc Ngol, xã La Êê gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn mô hình phát triển kinh tế gia đình, ông Huấn chia sẻ, mình ở vùng giáp biên giới với Lào, khí hậu có phần khắc nghiệt, nên khi chọn cây trồng, con vật nuôi phải phù hợp, thích nghi được khí hậu nơi đây thì mới phát triển được.

“Năm 2023, tình cờ đọc được bài báo về mô hình nuôi dúi nên tôi tìm hiểu và mua 5 con về nuôi thử. Mình tìm hiểu trên mạng internet và nắm được đặc tính của con dúi áp dụng vào nuôi thử, đến nay có thể nói mô hình đã dần thành công với con vật nuôi này. Hiện nay, gia đình tôi đã nhân giống lên với trên 20 con” - ông Huấn chia sẻ.

DUI LA
Ông Zơ Râm Huấn - người thành công trong việc nuôi dúi tại xã La Êê. Ảnh: VĂN THỦY

Theo ông Huấn, Dúi thuộc loại động vật hoang dã nên kỹ thuật nuôi phải thận trọng hơn các loại động vật khác, bởi vậy phải nắm chắc tập tính, thói quen của nó thì mới phát triển được.

“Dúi ưa bóng tối, không ưa ánh sáng trực tiếp và tiếng ồn. Ưu điểm lớn nhất là dúi không cần uống nước nên lượng chất thải thấp, do đó dễ chăm sóc, ít bệnh. Thức ăn ưa thích của nó là cây tre, lồ ô, rất dễ tìm ở địa phương, ngoài ra mình còn bổ sung bữa ăn cho dúi bằng mía, ngô. Mỗi năm dúi mẹ sinh sản 2 đến 3 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 3 con” - ông Huấn cho biết thêm.

THAM QUAN MO HINH
Thức ăn cho dúi đơn giản là những cây lồ ô, tre, mía sẵn có tại địa phương. Ảnh: VĂN THỦY

Khác với gia đình ông Huấn, năm 2023 Đoàn Kinh tế Quốc phòng 207 đã hỗ trợ cho gia đình anh A Lăng Bliêm, thôn Ba Lan 20 con dúi giống, cùng với đó, đơn vị còn hướng dẫn gia đình kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, phòng bệnh, nên đàn dúi của gia đình phát triển tốt, từ 20 con ban đầu, đến nay gia đình đã phát triển lên hơn 30 con.

Ông Bliêm tâm sự: "Ban đầu nuôi mình cũng không chắc chắn lắm, nhưng nhờ sự động viên của cán bộ kỹ thuật Đoàn Kinh tế Quốc phòng 207 nên thời gian qua mô hình của gia đình phát triển tương đối tốt, mình cũng mong muốn các cấp, ngành quan tâm đầu ra cho sản phẩm để nhân dân trong thôn, xã yên tâm nuôi và nhân rộng mô hình, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập”.

MÔ HÌNH DÚI
Mô hình nuôi dúi tại xã La Êê được đông đảo các địa phương trong huyện đến tham quan, học tập. Ảnh: VĂN THỦY

Theo ông A Lăng Đhép - Phó Chủ tịch UBND xã La Êê, hiện nay trên địa bàn xã có gần 30 hộ gia đình đang nuôi dúi. Đây là con vật dễ nuôi, ít bệnh, nguồn thức ăn dễ kiếm, phù hợp với địa phương nên xã chủ trương vận động nhân dân tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này.

“Từ con vật hoang dã với vốn đầu tư ban đầu không nhiều, nhưng nhờ mạnh dạn thử nghiệm và thuần dưỡng, hi vọng mô hình nuôi dúi của các hộ gia đình trên địa bàn sẽ là hướng đi phát triển kinh tế mới, giúp người dân trên địa bàn vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn có thêm thu nhập, góp phần thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo ở địa phương” - ông Đhép cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển vọng mô hình nuôi dúi ở xã La Êê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO