Trở lại chuyện "cư xá âm phủ"
“Cư xá âm phủ” liên quan đến quản lý đất đai, môi trường, xây dựng, tập quán tín ngưỡng… và là nỗi lo thường trực cho việc chuẩn bị mặt bằng sạch kêu gọi đầu tư phát triển...
Chuyện không mới bởi ngay từ năm đầu tái lập tỉnh, tôi đã có bài phóng sự trên Báo Quảng Nam nhận diện các vấn đề liên quan về “cư xá âm phủ”. Trong đó đã kể về những ngả đường mồ mả dồn lên gò cao, nổng cát, vườn tược, nhất là dải cát phía đông có nhiều nghĩa địa.
Người sống tồn tại trong một ngôi nhà chỉ một đời, còn cư xá âm phủ thì có nhiều đời, nhiều tầng chen chúc, trong khi tập quán địa táng chưa tìm được lối ra. Cư xá âm phủ càng trở nên chật chội vì mỗi năm lại có thêm lượng người chết được chôn cất.
Lo “nhà” cho người chết, nghĩa là phải lo đất đai để xây mồ mả, một quá trình phải mất nhiều năm tháng. Như ở Điện Bàn, giai đoạn 1975 - 1977 thực hiện quy hoạch cải tạo đồng ruộng, đã di chuyển 60 vạn ngôi mộ về vùng cát để tăng thêm diện tích đất canh tác lên 9 nghìn ha.
Tuy nhiên cho đến nay, các nghĩa trang ở vùng cát phía đông Điện Bàn cũng đã quá chật chội. Mà cũng không riêng Điện Bàn, cứ đi dọc dài từ cầu Cửa Đại vào Chu Lai, sẽ thấy nhiều mồ mả trong các nghĩa trang, chật quá thì ra chôn cất rải rác trên các nổng cát.
Trước yêu cầu quy hoạch quản lý nghĩa địa, nghĩa trang nhân dân, cách đây ba năm, Tỉnh ủy Quảng Nam đã có chỉ thị số 27 (ngày 8/4/2022) về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, sắp xếp và quản lý nghĩa trang nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện theo chỉ thị, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai Quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh, tăng cường quản lý quy hoạch theo định hướng sắp xếp, bố trí nghĩa trang nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh và theo từng khu vực.
Đồng thời tổ chức rà soát, cập nhật quy hoạch hệ thống mạng lưới nghĩa trang để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hướng dẫn các địa phương khi quy hoạch, bố trí, bổ sung các khu nghĩa trang nhân dân trên địa bàn phải được thể hiện trong các hồ sơ quy hoạch chung, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới; lập kế hoạch xây dựng, cải tạo, đóng cửa, di dời các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng không đảm bảo cách ly trong các khu dân cư, đô thị; hình thành các nghĩa trang tập trung đảm bảo khoảng cách theo quy định, khuyến khích xã hội hóa mô hình công viên nghĩa trang…
Thời kỳ quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định 13 danh mục nghĩa trang liên huyện với tổng diện tích khoảng 443,5 ha.
Rõ ràng câu chuyện quản lý “cư xá âm phủ” đã trở thành một vấn để cấp thiết, không những cần có quy hoạch mà còn xử lý hàng loạt yếu tố liên quan môi trường, xây dựng.
Đặc biệt khi cần mặt bằng cho các dự án đầu tư mà đụng vô mồ mả là sẽ trở nên phức tạp, bởi không đơn thuần là hỗ trợ di dời mà liên quan tín ngưỡng, tập quán địa táng đã tồn tại ngàn đời nay.
Nhận thức điều quan trọng ấy, nên thời gian qua, Quảng Nam đã tích cực cập nhật quy hoạch nghĩa trang nhân dân vào Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg, ngày 17/01/2024; các nghĩa trang vùng Đông của tỉnh đã, đang, chuẩn bị đầu tư xây dựng với số lượng khoảng 67.461 lô mộ, phục vụ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư động lực, trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường.
Xây dựng, phát triển diện mạo vùng đất tương lai, là vì người sống, cho người sống, nhưng cũng phải lo sắp xếp “cư xá âm phủ”. Chỉ khi nào việc hỏa táng phổ biến thì họa may mới giảm bớt áp lực đất đai để xây dựng các… cư xá ấy.