Thế giới

Trường học hạnh phúc

QUỐC HƯNG 07/09/2024 07:49

Cách đây tròn 10 năm, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) phát động dự án “Happy Schools” (tạm dịch: Trường học hạnh phúc). Dự án góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo, trau dồi kỹ năng cho học sinh, bên cạnh kiến thức các em thu nạp mỗi ngày đến trường.

z5792769322809_e3f7ca47188f879ca244b32d4da1f2ac.jpg
Học sinh Phần Lan tham gia hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu thế giới chung quanh, tăng tính tương tác với bạn bè và giáo viên. Ảnh: Finlandeducationshop

Nhiều trường học trên thế giới đã chuyển đổi để trở thành môi trường an toàn cho học sinh phát huy tiềm năng và phát triển vượt ra ngoài những chữ cái và con số trên bảng điểm. Trung tâm nghiên cứu sức khỏe tại Đại học Oxford (Anh) nhận định rằng trẻ em hạnh phúc hơn sẽ học tập tốt hơn.

Nhiều năm qua, các báo cáo cho thấy học sinh Đan Mạch thuộc top hạnh phúc nhất thế giới nhờ vào khuôn khổ trường học hạnh phúc - nơi không quá chú trọng điểm số mà khuyến khích học sinh là chính mình, ưu tiên sức khỏe và hạnh phúc của học sinh, trao cho mọi người cơ hội bình đẳng.

Vì thế, trở thành người giỏi nhất không nhất thiết là mục tiêu chính của hệ thống giáo dục của Đan Mạch. Các trường học luôn cố gắng giúp học sinh hiểu rằng mỗi người đều có khả năng riêng, lợi thế riêng và tạo điều kiện phát huy sở trường của mỗi học sinh. Bất kể điểm số như thế nào, mỗi cá nhân đều có thể tìm thấy một vị trí trong xã hội và đóng góp vào đó.

Hệ thống giáo dục tiểu học Đan Mạch không chỉ cung cấp cho học sinh kiến ​​thức cơ bản mà còn giúp phát triển nhân cách cũng như trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết trước khi các em hòa nhập với xã hội.

Đan Mạch khuyến khích học sinh không học thuộc lòng. Các em tự tìm kiếm thông tin và tự tiến hành các thí nghiệm hoặc phân tích. Bằng cách đó, học sinh có thể hiểu rõ hơn về lòng tự trọng, tiếp thu kiến ​​thức sâu sắc hơn.

Trong khi đó, Hà Lan cũng đứng đầu các quốc gia Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về mức độ hài lòng với cuộc sống cao trong số người trẻ tuổi.

Tiến sĩ Simone de Roos - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu xã hội Hà Lan (SCP) giải thích: “Tôi nghĩ rằng trẻ em Hà Lan nhìn chung có tương tác tích cực trong mọi môi trường xã hội chung quanh gồm bạn bè và ở trường. Có một bầu không khí bình đẳng, giáo viên luôn tôn trọng cảm xúc của học sinh và học sinh tin tưởng, kính trọng thầy cô giáo”.

Tại Phần Lan - một trong những quốc gia có hệ thống giáo dục chất lượng cao nhất châu Âu trong suốt 18 năm qua, là nền tảng để trẻ em học tốt và luôn cảm thấy hạnh phúc.

Niềm vui ở trường được xây dựng nhiều năm trước khi trẻ chính thức đến trường ở tuổi lên 7. Ví như, trường mẫu giáo Phần Lan không chú trọng vào toán, đọc hoặc viết (chỉ dạy khi trẻ 7 tuổi, bắt đầu học lớp 1).

Cô Tiina Marjoniemi - Giám đốc Trung tâm Giáo dục mầm non Franzenia nói: “Chúng tôi tin rằng trẻ em dưới 7 tuổi chưa sẵn sàng để học. Các em cần thời gian để vui chơi, vận động”.

Những năm đầu đời của trẻ em ở Phần Lan chỉ là phát triển thể chất và tinh thần. Trường mẫu giáo sẽ dạy trẻ phát triển các thói quen xã hội tốt như học cách kết bạn và tôn trọng người khác, tự mặc quần áo và vệ sinh cá nhân, được bồi dưỡng kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp. Cùng với đó là tập trung vào hoạt động thể chất với ít nhất 90 phút vui chơi ngoài trời mỗi ngày.

Tờ The Guardian trích lời chuyên gia giáo dục Phần Lan Pasi Sahlberg: “Một trong những mục đích chính của chương trình giáo dục ở Phần Lan là đảm bảo trẻ em trở thành những công dân khỏe mạnh, hạnh phúc, có trách nhiệm và đóng góp vào phát triển đất nước”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trường học hạnh phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO