Giáo dục - Việc làm

Trường học Thanh Minh làng Cẩm Sa ngày ấy

PHẠM NGỌC SINH 19/11/2024 08:00

Chiến tranh ác liệt, quê hương giải tỏa trắng, nhà cửa và ngôi trường bị san bằng, tan nát. Cả vùng quê tản cư, lánh nạn cho đến ngày giải phóng năm 1975. Song, trong ký ức của nhân dân làng Cẩm Sa (Điện Bàn), trường làng - nơi gieo những con chữ đầu tiên cho bao lứa học trò vùng cát ngày ấy vẫn luôn sâu đậm.

image003(1).jpg
Thầy và trò Trường Thanh Minh những năm 1960. Ảnh tư liệu của Phạm Đức Nam

Trường học giữa làng

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lớp học tại làng Cẩm Sa là những cô cậu con nhà khá giả học chữ Quốc ngữ, chữ Nho và Pháp văn, do thầy giáo Phạm Đức Thành giảng dạy.

Theo lời kể của ông Phan Minh Tâm (Cẩm Sa), cựu học sinh, năm 1957, qua những mối thân quen, nhà chức trách và nhân dân cùng xây dựng Trường Thanh Minh. Trường có 4 phòng học, mỗi phòng 1 lớp với 40-50 học sinh. Để có đủ bàn ghế cho học sinh, người dân chặt một nhánh cây da gần chợ Cẩm Sa để lấy gỗ.

Trường học kiên cố tại chính giữa làng, trở thành trường duy nhất vùng cát Điện Bàn lúc bấy giờ. Học trò là những cô cậu nhà nghèo từ các vùng quanh khắp 5 xã về đây theo học: từ xã xa xôi Cẩm Hải (Điện Dương), Thanh Phong (Điện An), Thanh Trường (Điện Thắng), Thanh Thủy (Điện Ngọc). Mỗi khi băng cát đi học phải cầm theo chiếc mo nang, đi một đoạn để xuống nghỉ chân vì cát nóng.

Ngày hai buổi, thầy cô thay nhau dạy các môn Toán, Văn, Sử, Địa, Tiếng Pháp… Các em học sinh ở xa thường được cha mẹ “cơm đùm cơm vắt” mang theo để ăn trưa. Giáo viên được Ty Giáo dục cử về dạy, các thầy thường sống ở Vĩnh Điện hoặc Đà Nẵng, như thầy Nguyễn Hữu Trân, Nguyễn Văn Lang.

Từ năm học đầu tiên đến khoảng năm học thứ 5, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Trân chuyển ra dạy tại Quốc học Huế. Thầy hiệu trưởng tiếp theo là một ông giáo đáng kính người Hội An, tận tụy trồng người cho đến khi trường tan nát vì chiến tranh.

Đến năm 1967, chiến tranh ác liệt lan rộng khắp vùng quê Điện Bàn, làng Cẩm Sa thanh bình cùng cả vùng cát bị bom đạn tàn phá không còn một nóc nhà. Trường Thanh Minh đổ nát.

Băng qua bom đạn, lửa cháy, dân làng bồng bế, gồng gánh nhau tản cư, nương tựa khắp các nơi, từ Đà Nẵng đến Vĩnh Điện, Hội An và các xã Thanh Phong, Thanh Trường và làng quê Thanh Thủy, phía bên kia sông Vĩnh Điện Hà.

Cuộc tản cư, sơ tán ấy theo suốt chiến tranh, mãi đến năm 1975, trở về quê xưa, làng Cẩm Sa xây trường nơi khác. Trường học Thanh Minh chỉ còn trong nỗi nhớ và luyến tiếc bao lớp thầy, trò.

Luôn khắc ghi công ơn thầy cô

Hơn nửa thế kỷ, lứa học trò ngày ấy đã thành ông, thành bà, có người không còn nữa, có người già yếu không đi được… Xuân Đinh Dậu 2019, những học sinh của ngôi trường Thanh Minh tìm về ôn lại những bài học đầu tiên. Học trò cũng ra tận Huế để thăm thầy hiệu trưởng mẫu mực. Kỷ niệm xưa ùa về, thương nhất là những khi bước vào mưa gió, học trò nghèo ở xa rủ nhau ăn vội nắm cơm vắt, rồi co ro nơi góc lớp để tránh cơn lạnh.

image001.jpg
Thầy giáo Phạm Đức Thành với học trò Cẩm Sa trước năm 1945. Ảnh tư liệu của Phạm Đức Nam

Các thầy ở tận Vĩnh Điện băng qua đường quê, bờ ruộng, có đoạn phải người cõng xe đến trường. Buổi trưa của các thầy ăn vội cơm chợ hoặc gởi tiền ăn nhờ nhà dân khấm khá tí, như nhà bà Phấn gần trường.

Cực khổ là thế, thầy thương trò, trò kính thầy, dân yêu mến, nể trọng… như là ngọn lửa sưởi ấm trên con đường gian nan ươm mầm chữ trên cát bỏng. Nhiều học sinh xưa nay đã ông, bà vẫn thuộc những bài học đầu tiên.

Ngày họp mặt, ai cũng vui khôn xiết, ôm chầm lấy nhau, nước mắt đỏ hoe. Thầy cô mỗi người mỗi ngã, tuổi cao, chỉ có thầy Thi về được cùng lũ học trò. Cả hai thế hệ tóc đã pha sương, song nhắc tên ai thầy cũng nhớ. Còn những người học trò lớn tuổi không bao giờ quên sự mô phạm, nghiêm khắc của ông giáo làng mẫu mực và yêu thương học trò ngày nào.

Truyền thống “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” theo suốt cuộc đời và trở thành chuẩn mực để họ truyền lại con cháu. Cũng chính triết lý ấy, nhiều học trò sau này thành đạt, như: Thượng tướng Lê Thế Tiệm - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung Tướng Nguyễn Văn Thảng - nguyên Chính ủy Quân khu 5, anh phi công Phạm Đức Nam… đều nhắc nhớ công ơn thầy cô. Học trò xưa Đỗ Xuân Đồng, nước mắt đỏ hoe vẫn thốt lên đầy cảm xúc: “Rưng rưng vui hội ngộ/ Bỗng thấy mình trẻ ra/ Thầy bạn ơi nhớ mãi/ Ngày xưa bản tình ca”...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trường học Thanh Minh làng Cẩm Sa ngày ấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO