Thói quen truy xuất nguồn gốc sản phẩm nói chung, sản phẩm nông nghiệp nói riêng đã dần hình thành ở người tiêu dùng và là yêu cầu bắt buộc đối với nhiều thị trường. Tại Quảng Nam, trong vài năm gần đây, tiêu chí minh bạch sản phẩm nông nghiệp thông qua truy xuất nguồn gốc, nhận diện thương hiệu ngày càng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, quá trình của một sản phẩm an toàn “từ đồng ruộng đến bàn ăn” phải qua những đoạn gập ghềnh.
LỢI THẾ CỦA SỰ MINH BẠCH
Xuất phát từ yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, các chủ thể sản phẩm nông nghiệp đã đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất gắn với chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã, đảm bảo thông tin nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin khách hàng qua truy xuất nguồn gốc.
Gầy dựng thương hiệu
Câu chuyện bánh chưng “bà Ba Hội” (TP.Tam Kỳ) là dẫn chứng sinh động về quá trình nâng tầm, gây dựng thương hiệu sản phẩm. Bà Huỳnh Thị Thu Thủy, người phát triển thương hiệu này cho biết, từ một sản phẩm bánh chưng bình thường, chủ yếu bán ở các chợ nội thị Tam Kỳ, đến nay đã có mặt khắp cả nước với kênh tiêu thụ và khách hàng đa dạng.
Năm 2020, sản phẩm bánh chưng xanh “bà Ba Hội” được công nhận OCOP 4 sao và năm 2021 trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Đó là thành quả của gần 4 năm nỗ lực gầy dựng, nâng tầm thương hiệu bánh chưng trên thị trường.
Bà Thủy cho biết đến nay sản phẩm đảm bảo quy định về tính pháp lý như các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc (TXNG)… Việc hoàn thiện theo tiêu chuẩn nói trên tiêu tốn khá nhiều thời gian, kinh phí cho chủ thể, tuy nhiên muốn phát triển, mở rộng thì không còn cách nào khác là phải chấp nhận đầu tư.
“Đó là điều tất yếu phải làm trong điều kiện nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng cao. Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, làm cho khách hàng tin tưởng, yên tâm sử dụng là đòi hỏi bắt buộc với nhà sản xuất trong thời buổi hiện nay” - bà Thủy nhấn mạnh.
Lợi thế cạnh tranh của bánh chưng “bà Ba Hội” nằm ở việc lựa chọn nguyên liệu, không ngừng thay đổi mẫu mã, kích thước sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Nguyên liệu làm bánh được sử dụng từ loại nếp bầu đặc trưng ở vùng Tam Mỹ (huyện Núi Thành) cộng với các loại đậu xanh, thịt heo… đảm bảo chất lượng, an toàn.
Chủ cơ sở còn đầu tư thêm nhiều loại máy móc hiện đại; phối hợp với Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công Thương) xây dựng quy trình chuẩn về chế biến nhằm tăng hạn sử dụng và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Một trường hợp khác là sản phẩm gạo sạch và “bánh tráng nhúng Đại Lộc”. Ông Trương Cảm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc) cho biết, từ năm 2016 đến nay đơn vị liên kết với hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn Đại Lộc sản xuất mỗi vụ 50ha lúa thơm TBR225 theo phương thức HTX chịu trách nhiệm chuyển giao quy trình kỹ thuật; hỗ trợ, cung ứng hạt giống, các loại vật tư phân bón đầu vào; bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Trong quá trình canh tác, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và chuyển từ sử dụng phân bón vô cơ sang phân bón hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm gạo an toàn. Sau mỗi kỳ thu hoạch, ngoài việc sơ chế, đóng gói, cung ứng gạo sạch thương phẩm ra thị trường thì HTX cũng dự trữ một sản lượng tương đối nhiều để chế biến sản phẩm bánh tráng nhúng.
“Nhờ chất lượng đảm bảo và thực hiện bài bản việc đăng ký thương hiệu, thiết lập nhãn mác bao bì, tem TXNG sản phẩm..., năm 2018 “bánh tráng nhúng Đại Lộc” đạt chuẩn OCOP 4 sao và năm 2019 gạo an toàn Ái Nghĩa đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Khi được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, sản lượng tiêu thụ sản phẩm tăng lên từng ngày. Năm 2021 vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 nhưng HTX vẫn đưa ra thị trường tiêu thụ 20 tấn bánh tráng nhúng và 200 tấn gạo sạch, đạt doanh thu 3,4 tỷ đồng” - ông Trương Cảm chia sẻ.
Minh bạch - Chìa khóa niềm tin
Những nỗ lực thay đổi để nâng cao chất lượng sản phẩm của chủ thể sẽ không có tác dụng nếu như thiếu cầu nối để giới thiệu, thông tin đến khách hàng. Chính vì vậy, vấn đề minh bạch thông tin sản phẩm thông qua hệ thống TXNG sản phẩm là hết sức quan trọng.
Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào cho biết, nhờ tham gia Chương trình OCOP nên năm 2019 HTX được các ngành liên quan ở tỉnh và chính quyền huyện Thăng Bình quan tâm hỗ trợ 25 triệu đồng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thiết lập bao bì mẫu mã, tem TXNG sản phẩm.
Khi có mã số, mã vạch thì việc TXNG sản phẩm khá đơn giản. Chỉ cần dùng chiếc smartphone quét mã QR thì người tiêu dùng sẽ biết địa chỉ, số điện thoại của HTX và đặc biệt là nắm rõ câu chuyện sản phẩm.
“Trong câu chuyện sản phẩm, chúng tôi thông tin khá chi tiết về thời gian gieo trồng, phương thức chăm sóc, thu hoạch, chế biến, đóng gói và đóng chai sản phẩm. Thông tin minh bạch, chắc hẳn người tiêu dùng sẽ yên tâm khi sử dụng sản phẩm” - ông Sanh nói.
Được biết, sau khi thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói, đóng chai, bình quân hằng năm HTX Nông nghiệp Bình Đào cung ứng ra thị trường khoảng 17 tấn gạo sạch ST24, gần 30 tấn nếp Hương Lân Trường Giang, 1.100 lít dầu mè đen nguyên chất và đạt tổng doanh thu hơn 1,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Thu Thủy cho biết người tiêu dùng hiện dễ dàng TXNG sản phẩm bánh chưng “bà Ba Hội” qua website, mã vạch và mã QR. Toàn bộ thông tin về chủ thể, nguyên liệu đầu vào và việc chế biến, đóng gói… đều được minh bạch. Nhờ đó, nhiều năm qua, chủ cơ sở thường xuyên nhận được những phản ảnh, trao đổi tích cực từ khách hàng.
Minh bạch thông tin sản phẩm thông qua hệ thống TXNG là cách tốt nhất để sản phẩm đến nhanh, gắn bó lâu dài với khách hàng. Việc này giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận được các thông tin từ khâu đầu vào; khâu sơ chế, chế biến; khâu phân phối, bán buôn đến khâu tiêu dùng, bán lẻ. Đây vừa là xu thế tất yếu trong sản xuất, kinh doanh vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, vừa thực hiện các quy định, pháp luật.
Khâu chế biến và tiêu thụ quyết định sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Lê Muộn - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nêu quan điểm, vấn đề của nông nghiệp bền vững cần tách rõ sản xuất hàng hóa và ngược lại.
Với sản xuất hàng hóa thì khâu chế biến và lưu thông rất quan trọng. Phải làm sao để người sản xuất biết nhắm đến thị trường nào. Đồng thời thương mại nông sản phải được chú ý, gồm cả sản phẩm chưa chế biến và qua chế biến.
Câu chuyện sản xuất hàng hóa ở Quảng Nam, có thể lấy dưa hấu để nói về sự thiếu bền vững. Dù được xem là cây hàng hóa, mỗi năm sản xuất khoảng hơn 900ha, nhưng dưa hấu lại thiếu bền vững vì không có doanh nghiệp tại chỗ tham gia tiêu thụ.
“Ở mình chỉ mấy ông buôn dưa tại chỗ làm khâu trung gian, gom dưa bốc lên xe cho mấy doanh nghiệp lớn ở nơi khác. Khi kiểm tra thì mã số vùng trồng của dưa hấu Quảng Nam cũng mượn ở đâu đâu. Họ mượn mã số đóng gói nên dưa Quảng Nam vẫn không có mã số vùng trồng” - ông Muộn chia sẻ.
TRÁCH NHIỆM VỚI SẢN PHẨM AN TOÀN
Thương hiệu sản phẩm được xác nhận phải gắn với tiêu chí an toàn thực phẩm. Đây là yếu tố ràng buộc để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải có trách nhiệm truy xuất nguồn gốc khi muốn sản phẩm gắn tem nhận diện thương hiệu...
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe SAPHRATON của Công ty TNHH Sâm Sâm vừa được công nhận là sản phẩm thủ công nghiệp tiêu biểu năm 2021 của Quảng Nam. Vì là sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người, mọi khâu kiểm định được doanh nghiệp này thực hiện nghiêm.
“Từ việc lựa chọn nguồn nguyên liệu ban đầu đến khâu chế biến, đóng gói, chúng tôi đều giám sát kỹ càng. Sau mỗi công đoạn, sản phẩm phải được mã hóa, nhận diện bằng phương thức thích hợp để phục vụ truy xuất nguồn gốc (TXNG)” - đại diện Công ty TNHH Sâm Sâm nói.
Theo đó, một cơ sở được cấp giấy chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn gồm thực hành sản xuất tốt, có chứng nhận về hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm hoặc tương đương.
Theo Luật An toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm thực hiện TXNG. Tại Quảng Nam, hiện nhiều doanh nghiệp, nhà vườn đã quan tâm đến dán tem nhận diện thương hiệu. Việc gắn tem điện tử này phải được thiết lập theo hệ thống, gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm và có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Huỳnh Đức Tường - Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Toàn Cầu cho biết, tem TXNG là phương thức đầu tiên để loại bỏ những thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc. Tem QR truy xuất cho nông sản góp phần minh bạch hóa nguồn gốc, nâng cao giá trị cạnh tranh cho nông sản. Theo ông Tường, việc cần thiết hiện nay là phải siết chặt khâu dán tem TXNG. Có như vậy mới loại bỏ được những sản phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn.
Thiết lập hệ thống truy xuất
Hiện có hai hình thức truy xuất, gồm chứng minh nguồn gốc xuất xứ qua tài liệu hồ sơ giấy tờ và TXNG bằng mã QR hay mã vạch. Đây là việc hết sức cần thiết, tạo ra dòng chảy thông tin từ người sản xuất đến người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, hiện vẫn có một bộ phận người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận trước mắt mà chưa tự giác chấp hành quy định an toàn thực phẩm và thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng.
Nhiều người tiêu dùng còn dễ dãi trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm. Đáng nói là đa số người tiêu dùng chưa biết hoặc không thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh để kiểm chứng nguồn gốc thực phẩm.
Quảng Nam đã liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành với hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các địa phương về bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời đã xử lý hành chính nhiều vụ.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng mua bán, sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục cho phép sử dụng. Việc chấp hành các quy định về thời gian cách ly trong sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y... chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm từ ngoài tỉnh đưa vào trong tỉnh, thực phẩm kinh doanh tại chợ còn rất hạn chế...
Việc đảm bảo hàng hóa có chất lượng tốt là điều rất quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Minh bạch thông tin về hàng hóa từ lúc sản xuất đến khi tới tay người tiêu dùng là điều cần thiết.
Người tiêu dùng cần biết rõ về quy trình, nguồn gốc sản phẩm, tức họ cần có thông tin TXNG tất cả chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để biết liệu đơn vị cung cấp sản phẩm có nỗ lực tối đa trong vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm hay không, sản phẩm có được kiểm soát chất lượng một cách nghiêm túc trong toàn bộ chuỗi cung ứng hay không.
Hiện nay, nhìn ở nhu cầu về an toàn thực phẩm, nhóm các sản phẩm rau quả, thịt heo, gia cầm nên được khuyến khích là lựa chọn ưu tiên trong việc dán tem TXNG tại Quảng Nam.
HOÀN THIỆN HỆ THỐNG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC
Hoạt động truy xuất nguồn gốc (TXNG) diễn ra nhiều năm nay với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp cung cấp giải pháp. Tuy nhiên, các hệ thống TXNG hiện tại chưa kết nối và chưa chia sẻ dữ liệu với nhau để tạo nên một hệ sinh thái về TXNG.
Đứng trước bối cảnh nhiều thị trường bắt đầu siết chặt quản lý chất lượng hàng hóa, thì yêu cầu thay đổi đối với ngành sản xuất nói chung, ngành công nghiệp thực phẩm nói riêng là rất cấp thiết. Lấy ví dụ thị trường Trung Quốc.
Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết từ đầu năm 2019, Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát thương mại biên mậu và kiểm tra an toàn thực phẩm. Trong đó, việc TXNG là bắt buộc đối với mặt hàng thực phẩm và thông tin TXNG phải kê khai trên hệ thống TXNG quốc gia của Trung Quốc.
Qua khảo sát, thống kê của Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia, hiện nay trên địa bàn Quảng Nam có 452 doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số, mã vạch; 75% chủ thể có sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao đăng ký sử dụng mã số, mã vạch; 84 sản phẩm “Sâm Ngọc Linh” được kê khai thông tin trên hệ thống quản lý mã số, mã vạch.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã rất tích cực áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, mã vạch QR dưới dạng tem truy xuất trong TXNG, tuy nhiên, các hệ thống TXNG hiện nay vẫn còn tương đối mới mẻ.
Tem truy xuất chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức. Các hệ thống TXNG thường sử dụng hệ thống mã nội bộ, chỉ có khả năng truy xuất trong cùng hệ thống; thiếu tính trao đổi, liên kết, chia sẻ và sử dụng dữ liệu TXNG lẫn nhau.
Việc khai báo, cập nhật thông tin truy xuất, in và dán tem chưa được kiểm soát. Đặc biệt chưa có cơ quan đánh giá chứng nhận các hệ thống TXNG mang tính khách quan để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, người sử dụng.
Theo bà Trinh, xuất phát từ tình trạng “loạn” tem TXNG trên thị trường, ngày 19.1.2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 100 phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG quốc gia với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để hướng tới xây dựng một hệ thống TXNG thống nhất.
Ngày 5.1.2021, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 31 thực hiện Quyết định số 100 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Kế hoạch tập trung vào 4 nội dung chính, đó là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về TXNG sản phẩm, hàng hóa; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa của tỉnh; tuyên truyền nâng cao nhận thức về áp dụng công nghệ TXNG; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TXNG.
Ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia cho rằng, hiện có hơn 50 tỉnh thành phố ban hành kế hoạch triển khai đề án 100 của Thủ tướng Chính phủ.
Quảng Nam đang phối hợp với Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia để thực hiện việc tuyên truyền, quảng bá, đào tạo nhận thức cho người dân; tham mưu UBND tỉnh xây dựng các công cụ để người dân tham gia số hóa thông tin trong chuỗi cung ứng.
Khi có cơ sở dữ liệu trong chuỗi cung ứng thì sẽ xây dựng được chuỗi TXNG sản phẩm hàng hóa. Đó là mục tiêu cuối cùng để xây dựng nên thông tin chuỗi sản phẩm hàng hóa và kết nối với cổng quốc gia, sau này hướng tới kết nối với các hệ thống quốc tế phục vụ việc đưa sản phẩm ra thị trường.
KHÓ QUẢN LÝ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP
Khác với một số loại hàng hóa tiêu dùng, việc kiểm tra kiểm soát sản phẩm nông nghiệp trên thị trường luôn khó khăn do liên quan đến nhiều yếu tố tác động cũng như sự chồng chéo quản lý của các cấp ngành liên quan.
Nhiều trở ngại
Chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn) có quy mô lớn với hơn 200 tiểu thương kinh doanh buôn bán. Mỗi ngày nơi đây tiêu thụ hàng tấn thịt, cá và rau củ quả các loại. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuất - Trưởng ban Quản lý chợ Vĩnh Điện, khó thể kiểm tra, quản lý được nguồn gốc hàng hóa, bởi hầu hết được đưa đến từ nhiều nơi khác nhau.
“Thỉnh thoảng các cơ quan chức năng cũng có kiểm tra chất lượng thịt cá, xem sản phẩm có đảm bảo an toàn hay không, còn việc sản phẩm đó lấy từ lò mổ nào, vệ sinh có đảm bảo hay không thì mình chịu” - ông Tuất nói.
Nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nông nghiệp được xem là yếu tố quan trọng giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm, nhưng thực tế cho thấy nhiều mặt hàng nông sản vận chuyển, tiêu thụ trên thị trường không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhất là các sản phẩm chăn nuôi như gia súc, gia cầm.
Đã từng diễn ra tình trạng thịt cá, hàng nông sản không rõ nguồn gốc, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc tồn dư lượng hóa chất gây ảnh hưởng sức khỏe người dân nhưng việc phát hiện, thanh tra kiểm tra chưa đạt hiệu quả.
Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam khẳng định, không thể kiểm soát hết các mặt hàng nông nghiệp do đa số sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, tự do, không tuân thủ sự quản lý nào, mặc dù quy định đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ phải có địa phương nơi xuất xứ sản phẩm xác nhận.
“Quản lý thị trường chủ yếu liên quan đến mua và bán nên rất khó, nếu như với mặt hàng tiêu dùng bình thường có địa chỉ cụ thể, có nơi sản xuất thì mình dễ làm chứ hàng nông sản thì chịu. Chúng tôi chỉ vào cuộc kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Với một số mặt hàng thực phẩm còn liên quan đến nhiều cơ quan ban ngành khác như nông nghiệp, y tế… mới có thể kiểm tra kiểm định” - ông Sơn nói.
Giải pháp “Chỉ dẫn địa lý”
Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết sẽ nộp hồ sơ về Sở KH&CN đăng ký “Chỉ dẫn địa lý” cho sản phẩm ớt. Đây được xem là tiền đề xác lập nguồn gốc, thương hiệu cho nông sản địa phương bước ra thị trường lớn, điều tưởng chừng hiển nhiên nhưng bao năm nay vẫn chưa thực hiện được.
So với các địa phương khác trong tỉnh, Điện Bàn là một trong ít nơi có vùng nguyên liệu ớt dồi dào. Tính đến năm 2022 diện tích ớt nơi đây ước đạt khoảng 300ha. Mặc dù ớt trái trở thành nông sản chủ lực nhưng do chưa có “Chỉ dẫn địa lý” nên không chỉ giá bán thấp mà sản phẩm ớt của Điện Bàn còn bị lẫn lộn với nhiều loại ớt khác trên thị trường.
“Chỉ dẫn địa lý” đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm và xác lập thương hiệu hàng hóa, tuy vậy thời gian qua số lượng sản phẩm được quan tâm đăng ký ở các địa phương không nhiều.
Tại huyện Đại Lộc, dù diện tích hoa màu lớn (gần 2.400ha), mỗi năm thu hoạch hàng trăm nghìn tấn nông sản các loại nhưng việc đăng ký “Chỉ dẫn địa lý” cho sản phẩm nông sản còn khá hạn hẹp.
Theo ông Trần Viết Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, ngoại trừ một số sản phẩm OCOP nguồn gốc nông nghiệp (gạo, bột ngũ cốc, bánh tráng…) thì hầu như quá trình canh tác sản xuất các sản phẩm khác của người dân còn theo thói quen, chưa đảm bảo tiêu chí an toàn, kể cả những mặt hàng xuất khẩu.
“Bên cạnh khuyến cáo các hợp tác xã, cá nhân sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ…, sắp tới chúng tôi cũng tiến hành triển khai các hướng dẫn đăng ký mã vạch vùng trồng, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc” - ông Phương cho biết.
Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, việc đăng ký “Chỉ dẫn địa lý” cho hàng hóa sẽ giúp công tác quản lý sản phẩm hiệu quả, tránh tình trạng hàng nhái, mạo danh, đặc biệt cơ quan quản lý cũng dễ dàng kiểm tra, kiểm soát, qua đó tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng cũng như mang đến sự minh bạch cho thị trường.
XU THẾ TIÊU DÙNG THÔNG MINH
Người tiêu dùng xứ Quảng đang dần hình thành thói quen truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhưng không phải mặt hàng nào cũng dễ dàng truy xuất và không phải ai cũng quan tâm đến vấn đề này.
Dễ dàng truy xuất
Chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối internet và cài đặt các ứng dụng hỗ trợ quét mã, người tiêu dùng hoàn toàn có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc (TXNG) cũng như nắm được thông tin của hàng hóa và nhà sản xuất bằng cách quét mã vạch, mã số, mã QR trên bao bì.
Thậm chí nếu không có điện thoại thông minh, người mua hàng vẫn có thể tra cứu thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất bằng cách gửi tin nhắn SMS theo cú pháp hướng dẫn, nếu sản phẩm có tem chống hàng giả.
Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, tất cả sản phẩm Co.op (hàng nhãn riêng Co.opMart) đều có thể TXNG, kể cả thực phẩm tươi sống, rau củ quả, trái cây...
Riêng với các mặt hàng “made in Quảng Nam” được phân phối tại đây, ngoài các sản phẩm OCOP còn có nhiều sản phẩm chất lượng khác có thể TXNG. Trên thị trường hiện nay, sản phẩm có thể TXNG thường có giá bán cao hơn sản phẩm cùng loại nhưng không dán tem truy xuất.
Chị Nguyễn Thị Hà Thương (phường Hòa Thuận, Tam Kỳ) cho biết, chị thường chọn mua sản phẩm có thể TXNG và tìm hiểu thông tin kỹ càng trước khi mua, nhất là sản phẩm dành cho trẻ em, vì chị muốn con mình được dùng sản phẩm an toàn nhất có thể. Đối với các sản phẩm không thể truy xuất, chị chọn mua của những người bán hàng mà chị tin tưởng.
Mua hàng bằng… niềm tin
Nhiều sản phẩm bán ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị có mã vạch, mã QR để khách hàng TXNG nhưng không phải khách hàng nào cũng quan tâm đến vấn đề này. Theo quan sát, khách hàng của Co.opMart chủ yếu TXNG sản phẩm làm đẹp, đồ uống..., còn các mặt hàng thuộc công nghệ hóa phẩm như nước rửa chén, xà phòng, nước giặt... khách hàng ít quan tâm hơn.
“Mua hàng ở siêu thị hay cửa hàng có uy tín, thương hiệu thì tôi tin tưởng vào chất lượng và xuất xứ hàng hóa nên ít khi kiểm tra thông tin. Trong khi đó, mua ở chợ thì nhiều loại hàng hóa lại không có mã để mình kiểm tra” - chị Thái Thị T. (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) lý giải về việc không kiểm tra thông tin về nguồn gốc khi mua hàng.
Ngược lại, trên thị trường hiện nay, nhất là tại các chợ truyền thống, hầu như rau củ quả, trái cây, thịt cá, thực phẩm tươi sống nói chung hoặc các sản phẩm khác không có bao bì... thì rất khó hoặc không thể TXNG.
Do vậy, người tiêu dùng chủ yếu mua bằng niềm tin, nhất là đối với những món hàng được rao là “đồ nhà trồng, nhà làm, nhà nuôi...”. Nhiều người sẵn sàng mua hàng “nhà làm” với giá cao hơn dù không thể biết mức độ an toàn thực phẩm.
Trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, mua hàng online là xu hướng được nhiều người lựa chọn, nhưng vấn đề TXNG hàng online tương đối khó. Chị Nguyễn Thị Thanh (xã Đại An, huyện Đại Lộc) cho biết, mua hàng online rất khó TXNG nên chị thường chọn mua hàng ở những sàn thương mại điện tử có uy tín, đọ giá và xem đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm mà mình định mua.
Tiêu dùng thông minh là một xu thế. Tuy nhiên, trước mắt, yếu tố “thông minh” ở đây không có nghĩa là chỉ dựa vào, phụ thuộc các ứng dụng công nghệ số. Tiêu dùng “thông minh” còn bao gồm cả sự cẩn trọng của người tiêu dùng và xa hơn, căn cơ hơn là phải tạo ra được một cộng đồng sản xuất và phân phối hàng hóa đúng pháp luật và có lương tâm.