Quy hoạch - Đầu tư

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Quảng Nam đủ tiền đề phát triển đô thị đặc thù, đô thị có bản sắc

HOÀNG DIỄM (thực hiện) 16/03/2024 06:40

Làm thế nào để định vị bản sắc cho đô thị mới dựa trên các điều kiện về địa thế, địa hình? Việc kết nối liên vùng, tổ chức đô thị hài hòa với thiên nhiên, giảm “phát triển nóng” cần những hành động ra sao? TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn đã dành cho Báo Quảng Nam cuộc trò chuyện xoay quanh việc phát triển đô thị trong tương lai, từ bản quy hoạch chung vừa công bố của Quảng Nam.

tskh-kts.-ngo-viet-nam-son-1920-x-980-px-1-.png

Làm thế nào để định vị bản sắc cho đô thị mới dựa trên các điều kiện về địa thế, địa hình? Việc kết nối liên vùng, tổ chức đô thị hài hòa với thiên nhiên, giảm “phát triển nóng” cần những hành động ra sao? TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn đã dành cho Báo Quảng Nam cuộc trò chuyện xoay quanh việc phát triển đô thị trong tương lai, từ bản quy hoạch chung vừa công bố của Quảng Nam.

nvns(1).jpg
TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn.
8(1).jpg
z5251554861123_5a9c15c09582d78ae5ed75e2a0af2efd(1).jpg
pc(1).jpg
z5251554918900_b9bba44453b0fd51fa5d762961ca941d.jpg
z5251554942070_232d7ed87933ed85c741bc49160fa5f6.jpg

HÌNH THÀNH NHỮNG ĐÔ THỊ ĐẶC THÙ

Thưa TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn, theo quy hoạch, Quảng Nam sẽ hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò. Ông có gợi ý gì để Quảng Nam định hình bản sắc khi xây dựng hệ thống đô thị ở đây?

Về địa thế, Quảng Nam khá đặc biệt. Sông ở trong đi song song với biển, là hình thái mà tỉnh có thể tận dụng để tạo nên những khu đô thị đặc trưng, với một mặt hướng sông và một mặt hướng biển.

Lâu nay, Quảng Nam chỉ tập trung khu vực Tam Kỳ, Hội An. Sau này có thêm Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Quảng Nam cũng đã có một số định hướng phát triển theo trục từ Hội An - Tam Kỳ - Núi Thành. Song, địa phương cần có kết nối hạ tầng tốt hơn, nhất là những khu chuyển tiếp đô thị. Có như vậy mới tận dụng địa thế hướng sông hướng biển phát triển chuỗi đô thị phù hợp.

Cần phát triển hệ thống giao thông thuận tiện hơn. Ít nhất phải có sự kết nối tuyến giao thông ven biển và tuyến giao thông ở phía quốc lộ và cao tốc. Những trục nối giữa các tuyến này còn khá mỏng.

Với sự kết nối các tuyến, Quảng Nam sẽ tận dụng vị trí đặc biệt để tạo nên những đô thị chuyển tiếp. Đây chính là cách định vị bản sắc cho đô thị mới. Đó là các khu vực đô thị có chỗ hướng ra sông, có chỗ hướng ra biển, có khu vực giữa sông và biển.

Vùng ngoại vi Khu kinh tế mở Chu Lai có tiềm năng khá lớn để phát triển đô thị sân bay. Theo tôi với sân bay Chu Lai, quy hoạch của tỉnh đã khá sát. Xác định phát triển ở đây không chỉ cảng hàng không quốc tế mà còn là cảng hàng hóa, vì hiện tại Cảng hàng không Đà Nẵng đã quá chật hẹp, không mở rộng được nhiều.

Khi đã xác định hướng phát triển đó, cần đầu tư hơn cho các tuyến giao thông khớp nối với hệ thống cảng biển. Chúng ta cần hệ thống hạ tầng hiệu quả hơn, kết nối các hướng Đông Tây - Bắc Nam, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển lượng hàng hóa lớn qua các cảng này. Đó cũng là tiền đề để phát triển các đô thị đặc thù như đô thị sân bay, đô thị cảng biển.

Không thể đi một mình, Quảng Nam cần liên kết tốt với Đà Nẵng. Cả hai địa phương cần phát triển trong tương quan và hợp tác thật sự với nhau.

Về quy hoạch, như ông đã từng bàn: cần đáp ứng các nhu cầu, lợi ích chính đáng và rất riêng của mọi tầng lớp dân cư, từ dân địa phương cho đến dân nhập cư... trong một tổng thể hài hòa và cung cấp nhiều cơ hội phát triển cho mọi người. Vậy với bản quy hoạch mới, Quảng Nam làm gì để đáp ứng điều này?

Phía đông Quảng Nam nên phát triển theo từng cụm dự án hoàn chỉnh. Nghĩa là có làm cụm dự án ở đâu thì cũng nên hướng đến việc giúp người dân an cư lạc nghiệp.

Ví dụ khi hình thành khu đô thị đại học nằm giữa Tam Kỳ và Núi Thành, cần phải có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội, giao thông đi lại thuận tiện, tiện ích kỹ thuật kết nối mạng thông minh và điện nước đầy đủ, có trường học, bệnh viện, chợ...

Khu vực đồi núi phía tây của tỉnh cũng cần quan tâm, vì có thể là khu vực phát triển nông nghiệp rất tốt để phụ trợ cho khu đô thị ven biển, giúp mức sống cao hơn, không để cho chênh lệch giàu nghèo nhiều quá so với khu ven biển. Nên đảm bảo kết nối Đông - Tây thuận tiện, để tạo điều kiện cho vùng đồi núi phát triển, và để người dân phía tây vẫn có thể chia sẻ việc thụ hưởng các giá trị hạ tầng tập trung nhiều ở phía đông.

ĐÔ THỊ CẦN TỔ CHỨC HÀI HÒA VỚI THIÊN NHIÊN

Tôi rất tâm đắc với nhận định của ông, rằng “Đô thị thông minh” không nhất thiết phải trang bị nhiều công nghệ hiện đại. Theo ông, Quảng Nam nên chọn gì cho các đô thị thông minh sẽ hình thành trong thời gian tới?

Phát triển đô thị thông minh thì nên tập trung vào khu vực trọng điểm chứ không nên dàn trải, vì thật ra đầu tư hạ tầng cho đô thị thông minh rất tốn kém, và các đô thị của Quảng Nam dân cư ở mức vừa phải chứ không phải quá đông. Chúng ta nên chọn cách phù hợp, chỉ ưu tiên tập trung hạ tầng thông minh cho một số khu vực trọng điểm, thay vì tốn kém dàn trải ra toàn tỉnh.

Khu vực trục giữa Thăng Bình - Tam Kỳ nối đến Chu Lai đang bắt đầu phát triển mạnh các khu công nghiệp, nên trong tương lai có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực. Vậy chúng ta có nên tính sớm hơn khả năng xây dựng khu đô thị đại học ở khu vực này.

Chúng ta nên chọn cách phù hợp, chỉ ưu tiên tập trung hạ tầng thông minh cho một số khu vực trọng điểm, thay vì tốn kém dàn trải ra toàn tỉnh

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn

Trong tình hình khu Làng đại học ở Đà Nẵng khó tháo gỡ những vướng mắc kéo dài 25 năm qua, thì Quảng Nam nên cân nhắc việc đầu tư xây dựng ngay một khu đô thị đại học ở khu vực gần Tam Kỳ nối đến Núi Thành và Chu Lai - nơi có nhu cầu lớn về nhân lực trong công nghiệp công nghệ cao như khu silica chẳng hạn hay công nghiệp sản xuất điện tử.

Chúng ta tập trung mũi nhọn đào tạo theo hướng chuyên gia về kỹ thuật, chuyên gia về kinh tế. Gắn liền phát triển đại học với nhu cầu liên kết doanh nghiệp. Đó là cách đầu tư thông minh cho đô thị đại học đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển xanh.

Trong Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lộ trình từ nay đến năm 2030, huyện Núi Thành sáp nhập với TP.Tam Kỳ trở thành đô thị loại 1. Với phương án này, Tam Kỳ sẽ có thêm nhiều đô thị mới và nhiều vùng ngoại ô được đô thị hóa. Vậy vùng ngoại ô nên chọn cách nào để phát triển?

Tôi nghĩ Tam Kỳ nên tập trung mạnh vào việc phát triển tuyến đô thị Tam Kỳ nối đến Núi Thành và Chu Lai. Các vùng đất đẹp ven biển và ven sông thì phát triển các khu đô thị du lịch, tận dụng giá trị cảnh quan còn khá hoang sơ và rất đẹp.

Các khu vực này có quỹ đất rộng, nhiều dư địa phát triển, cần được đẩy mạnh đầu tư để hạ tầng khung được hoàn chỉnh, với những tuyến huyết mạch quan trọng theo hướng Bắc - Nam cũng như theo hướng Đông - Tây cho Quảng Nam. Thông qua đó, tạo cơ hội phát triển các quỹ đất tiềm năng dọc theo hạ tầng trọng điểm, tạo nguồn thu quan trọng cho ngân sách địa phương trong tương lai!

Đô thị cần tổ chức hài hòa với thiên nhiên, không nên bê tông hóa nhiều

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn

Vậy theo ông, phát triển các đô thị ven biển Quảng Nam với quy mô thế nào là phù hợp? Thực tế cho thấy các đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay, hễ mưa lũ là ngập nước, TP.Tam Kỳ cũng đã bắt đầu ngập nhiều trong những năm gần đây.

Tam Kỳ cũng như các đô thị ở Quảng Nam, trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nền tảng cho quy hoạch phải xây dựng trên kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Tức là phải thiết lập quy hoạch bền vững, đảm bảo chống ngập và thoát lũ tốt, trên nền bản đồ các khu vực có nguy cơ ngập kèm theo các kịch bản ứng phó phù hợp.

Đô thị cần tổ chức hài hòa với thiên nhiên, không nên bê tông hóa nhiều. Cần có những khu vực không gian dành cho nước - là nơi hấp thụ nước khi có mưa cực đoan, sau đó mới từ từ chảy ra sông ra biển, giúp chống ngập hiệu quả. Khu đô thị cần nâng nền cao để đảm bảo không bị ngập trong mọi tình huống.

Cảm ơn ông đã dành cho Báo Quảng Nam cuộc trao đổi này!

Với Hội An, phải phát triển trong mối liên kết với Điện Bàn và Đà Nẵng. Trước hết là phải kiện toàn hệ thống giao thông công cộng tiện lợi kết nối với nhau. Hệ thống giao thông công cộng liên vùng này có thể là đường sắt nhẹ hoặc xe buýt nhanh, chứ tôi không cho là làm metro sẽ hiệu quả với khu vực này ít ra trong vài thập niên tới. Thứ hai, là không nên tham quá, chồng chất khách sạn vào Hội An nhiều quá, mà nên hình thành một chuỗi đô thị du lịch biển chạy dài từ phía nam Đà Nẵng vào Hội An. Thứ ba, nên tạo điều kiện cho người dân có thể phát triển doanh nghiệp trong mối liên kết Hội An với Điện Bàn và Đà Nẵng, giải quyết nhu cầu ở của khách du lịch, gắn với việc tổ chức liên kết du lịch giữa các vùng miền, tạo thêm nhiều nguồn việc làm mới.

TSKH-KTS.Ngô Viết Nam Sơn

Nội dung: HOÀNG DIỄM

Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG, LÊ TRỌNG KHANG

Đồ họa: MINH TẠO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Quảng Nam đủ tiền đề phát triển đô thị đặc thù, đô thị có bản sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO