Tuổi già nhưng chí không già

HUY HOÀNG 03/01/2024 08:40

(QNO) - Với tinh thần “còn sức khỏe, còn làm kinh tế”, hội viên Hội Người cao tuổi thị xã Điện Bàn đã đóng góp tích cực cho công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Đam mê nghề truyền thống

Sinh năm 1954, tại thôn Bằng An Trung (phường Điện An, thị xã Điện Bàn), dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” song ông Lê Viết Tới rất dẻo dai và chăm chỉ làm kinh tế.

Ông Lê Viết Tới phường Điện An với nghề truyền thống.
Ông Lê Viết Tới phường Điện An với nghề truyền thống.

Ông Tới kể, gia đình ông làm nghề đan đát bằng tre cũng hơn 40 năm. Trước đây cha ông chỉ làm những sản phẩm đơn giản như đan rổ rá, thúng mủng, đóng giường, làm nôi trẻ em bán ra thị trường, năng suất thấp, kinh tế gia đình khi đó cũng chỉ đủ ăn.

Năm 1999, có một người khách ở miền Nam về Đà Nẵng mở nhà hàng theo phong cách cổ xưa bằng mây tre lá, ông khách đến làng Trung Hòa này tìm người làm nghề tre và cơ duyên đã đưa ông Tới gặp người đó. Nhận hợp đồng làm nhà hàng bằng mây tre lá tại Đà Nẵng, ban đầu ông cũng bỡ ngỡ nhưng khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, thực khách đến ăn uống, tìm hiểu và chủ nhà hàng giới thiệu đến ông. Từ đó nghề trang trí nội thất bằng tre của ông nổi tiếng khắp Quảng Nam - Đà Nẵng.

Khi đô thị cổ Hội An phát triển mạnh về du lịch, cơ sở của ông ngày nào cũng tấp nập khách đến đặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng tre. Các mặt hàng khách đặt chủ yếu dùng để trang trí các quán cà phê, các vật dụng tại nhà hàng, khách sạn hay các quầy hàng lưu niệm. Mẫu mã sản phẩm rất đa dạng, phần lớn là do ông tự thiết kế, lên khuôn và giới thiệu, đôi khi có những hợp đồng khách hàng đem mẫu đến ông cũng mày mò nghiên cứu và gia công sản phẩm đúng như yêu cầu của khách.

Những sản phẩm làm bằng tre của cơ sở sản xuất mây tre Lê Viết Tới (Điện An)
Những sản phẩm làm bằng tre của cơ sở sản xuất mây tre Lê Viết Tới (Điện An).

Hiện nay, nhân công thường trực tại xưởng 10 người, mức tiền công trả cho mỗi nhân công 10 triệu đồng/tháng, chưa kể ăn trưa, nửa buổi và xế. Ông Tới có ba người con, hai con trai, một con gái, hiện nay hai con trai hỗ trợ ông vừa làm vừa quản lý nhà xưởng lớn, con rể thành lập cơ sở riêng ở Vĩnh Điện. Cơ sở ông có tiếng nên lượng hàng có thường xuyên, kể cả hai năm dịch Covid-19, khoảng 5 - 7 nhân công vẫn  túc trực gia công hàng theo hợp đồng.

Ở cái tuổi được nghỉ ngơi nhưng ông Tới vẫn cần mẫn, tìm tòi, nghiên cứu. Ông cho biết, hàng làm thủ công giá thành cao hơn nên phải tính toán mặt hàng nào nên làm thủ công, mặt hàng nào nên làm bằng máy móc để giá thành thấp nhất có thể. Ông chia sẻ rằng được lao động là niềm vui của tuổi già, lao động không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cho lớp thanh niên trong làng và cũng để trao truyền cái nghề truyền thống của cha ông để lại.

Với những đóng góp của ông Lê Viết Tới cho địa phương, ông được Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tôn vinh Người cao tuổi làm kinh tế giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2018-2023.

Làm giàu bền vững

Dù tuổi đã cao nhưng hằng ngày ông Nguyễn Văn Sáu (thôn Hà Đông, xã Điện Hòa) cùng với gia đình tích cực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu với nghề trồng hoa cúc ngay chính trên mảnh đất quê hương. Mỗi năm vườn hoa của ông sau khi trừ chi phí cho doanh thu từ 500 đến 600 triệu đồng.

Ông chia sẻ rằng để có được thành quả như hôm nay ông đã bỏ công học hỏi kinh nghiệm và nghiên cứu tỉ mỉ các loại cây hoa giống, sau đó trồng và tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật, hoa cúc lên bông rất đẹp, giá bán ra thị trường cũng cao, đem lại thu nhập rất lớn cho gia đình. Năm nay 68 tuổi, ông có thâm niên trồng hoa cúc gần 20 năm.

Lễ ra mắt câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thôn Châu Lâu xã Điện Thọ.
Lễ ra mắt câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thôn Châu Lâu (xã Điện Thọ).

Đến khối phố Hà Dừa (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) hỏi bà Phan Thị Hải (65 tuổi) ai cũng biết. Nhà bà Hải có 2 trang trại nuôi gà và 1 trang trại nuôi heo, một năm chăn nuôi nếu không có dịch bệnh xảy ra, trung bình mỗi trang trại gà xuất ba lứa, trang trại heo xuất hai lứa, thu nhập hằng năm trên 5 tỉ đồng, trừ các khoản chi phí lãi ròng hơn 1 tỷ đồng/năm.

Với việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn thị xã Điện Bàn cũng thu hút rất nhiều người cao tuổi tham gia sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu như các hộ ông Dương Ngọc Thắng, Lê Đức Hạ (Điện Phương) sản xuất và kinh doanh các sản phẩm bằng đồng, đất nung; ông Lê Viết Tới (Điện An) sản xuất hàng mây tre; ông Trần Văn Chung (Điện Nam Đông) sản xuất đồ gỗ dân dụng. Ngoài việc phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ còn truyền nghề cho lớp trẻ.

Ông Nguyễn Phước Mười - Trưởng ban đại diện người cao tuổi thị xã Điện Bàn cho biết tỷ lệ hội viên người cao tuổi trên địa bàn thị xã tăng dần mỗi năm, cùng với đó là số lượng người cao tuổi làm kinh tế giỏi cũng tăng lên, ngoài làm kinh tế giỏi người cao tuổi còn tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Toàn thị xã có 34.531 hội viên người cao tuổi sinh hoạt ở 20 tổ chức hội xã, phường, chiếm 13,8% dân số; có 140 chi hội thôn, khối phố; 834 tổ hội.

Hội Người cao tuổi các cấp của thị xã đã tổ chức 121 câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, thơ ca, văn nghệ; 5 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Có hơn 22.000 hội viên tham gia lao động, sản xuất - kinh doanh trên các lĩnh vực.

Giai đoạn từ 2018-2023, toàn thị xã có 1.167 hội viên người cao tuổi làm kinh tế giỏi, trong đó cấp trung ương 1 hội viên, cấp tỉnh 42 hội viên, cấp thị xã 300 hội viên, cấp xã, phường 824 hội viên.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tuổi già nhưng chí không già
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO