(QNO) - Việc hướng dẫn địa phương, các tổ nghiệp vụ cài đặt, sử dụng Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách giúp Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Tây Giang nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn.
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, chị Râl Thị Kiều - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Pơ’Ning (xã Lăng, Tây Giang) không chỉ giới thiệu chi tiết về các chương trình tín dụng chính sách, mà còn hỗ trợ hội viên làm thủ tục vay vốn nhanh chóng, thuận tiện thay vì mang theo các tài liệu, giấy tờ như trước.
“Do đặc thù hoạt động vay vốn cần nhiều loại giấy tờ phải lưu trữ, văn bản chính sách nên khi làm việc với các hộ, nhất là hộ ở địa bàn xa xôi thì "tay xách, nách mang" rất vất vả. Với việc ra đời của Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, các chính sách, thông tin, dữ liệu liên quan đã được cập nhật đầy đủ, liên tục nên thuận tiện rất nhiều. Chúng tôi có thể quản lý hội viên, số dư nợ, số lãi phải thanh toán, cung cấp thông tin cho hội viên ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào” – chị Kiều chia sẻ.
[VIDEO] - Hướng dẫn sử dụng Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách ở Tây Giang:
Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách là một phần mềm do Ngân hàng CSXH Việt Nam triển khai, có thể dễ dàng sử dụng trên điện thoại thông minh. Ứng dụng này cung cấp thông tin về các phương án tín dụng CSXH, cơ sở dữ liệu cho vay, trả lãi và gốc của khách hàng, kết quả kiểm tra đối chiếu cho vay và các văn bản hướng dẫn tín dụng… Qua thời gian vận hành, ứng dụng được người dùng đánh giá đáp ứng các yêu cầu về bảo mật, tiện lợi và hiệu quả.
Hiện, trong số 104 Tổ tiết kiệm và vay vốn của Tây Giang, chỉ còn 3 tổ chưa thể cài đặt, sử dụng tính năng hữu ích của ứng dụng nói trên do sóng 4G, 5G không đảm bảo.
Ông Võ Trung Dũng - Tổ trưởng tổ Kế hoạch - nghiệp vụ (Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang) cho biết, với đặc thù huyện vùng cao, trình độ công nghệ thông tin của phần lớn người dân còn hạn chế, nhiều tổ trưởng tuổi đã cao hoặc không có điện thoại thông minh nên gặp khó khăn khi tiếp cận ứng dụng công nghệ số. Đơn vị đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để người dùng có thể tiếp cận, sử dụng hiệu quả các tính năng trong ứng dụng này.
“Khi cài đặt, sử dụng Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, Ban đại diện huyện, lãnh đạo xã sẽ theo dõi được số liệu về kết quả giao dịch trong tháng, tổng dư nợ của từng địa bàn, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác; dư nợ của từng Tổ tiết kiệm và vay vốn, doanh số cho vay, thu nợ; theo dõi và quản lý được chất lượng tín dụng như lãi tồn, nợ quá hạn, các khoản vay nhiều tháng chưa trả lãi…” – ông Dũng cho biết.
Ông Vũ Định - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang nói: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn khi sử dụng ứng dụng công nghệ này, nhất là trong quản lý, điều hành vay vốn. Phấn đấu đến hết năm 2025, 100% Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện có thể thành thạo sử dụng các tính năng, tiện ích trên Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách. Đây là nền tảng để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, giao dịch số trong hoạt động tín dụng chính sách.”
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang đã cho 1.641 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn; qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân trên địa bàn để phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa nhà tạm, giảm nghèo bền vững.
[VIDEO] - Ông Võ Trung Dũng - Tổ trưởng tổ Kế hoạch - nghiệp vụ (Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang) chia sẻ về hiệu quả triển khai Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách: