Giảm nghèo - An sinh

Cầu nối nguồn vốn chính sách ở Tây Giang

HIỀN THÚY 04/06/2024 07:40

Không có nợ quá hạn, không tồn đọng tiền lãi, không xâm tiêu và không vay ké là những tiêu chí mà các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện Tây Giang duy trì hiệu quả trong nhiều năm qua.

anh-alang-len-to-truong-to-tiet-kiem-va-vay-von-thon-arec-xa-a-vuong-tu-van-cho-hoi-vien-nhung-chuong-trinh-tin-dung-phu-hop-de-vay-von-lam-an-phat-trien-kinh-te.jpg
Anh Alăng Len - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Aréc (xã A Vương) tư vấn tín dụng cho người dân. Ảnh: HIỀN THÚY

Tận tâm với công việc

Anh Alăng Len ở thôn Aréc (xã A Vương) có hơn 12 năm gắn bó với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Tây Giang trong vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).

Từ sự tận tâm của anh, nhiều hộ nghèo, cận nghèo xã A Vương tiếp cận kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiện Tổ TK&VV do anh Len làm tổ trưởng có 54 hộ vay với dư nợ hơn 3,3 tỷ đồng. Anh chia sẻ: “Để người dân hiểu vai trò, ý nghĩa nguồn vốn tín dụng chính sách, tôi thường xuyên đi tận ngõ, gõ tận nhà tuyên truyền, vận động, nắm bắt kịp thời từng hoàn cảnh gia đình, nhu cầu vay vốn các thành viên trong tổ.

Từ đó hướng dẫn, tư vấn cho hội viên những chương trình tín dụng phù hợp để vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Đối với những hộ đi làm ăn xa, những hộ nợ đến hạn và lãi tồn đọng, tôi đề nghị những hộ vay này phải đi làm kiếm tiền để trả lãi”.

Ông Vũ Định - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang cho hay, hiện đơn vị có 106 tổ TK&VV; trong đó có 100 tổ xếp loại tốt, 6 tổ loại khá.

Riêng anh Alăng Len và chị Arâl Thị Kiều làm tốt vai trò cầu nối giữa Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Từ chỗ luôn nắm bắt được nguyện vọng các hộ vay, anh Len và chị Kiều tuyên truyền họ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, trả lãi hàng tháng đúng kỳ hạn. Khi có khó khăn, các tổ trưởng đều báo cáo với ngân hàng để giải quyết kịp thời, luôn đặt lợi ích người dân lên trên hết.

Từ những cách làm mạnh dạn, các tổ viên luôn chấp hành tốt nội quy hoạt động tổ, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, nhiều hộ vay vốn đã vươn lên thoát nghèo, giải quyết việc làm.

Như hộ ông Ating Quý vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo đã đầu tư mua 3 bò giống, trồng 1ha keo, 2ha quế. Hộ Ating Thị Vai, hộ Huynh Thị Aléo vay 50 triệu đồng để mua bò giống, trồng keo, buôn bán tạp hóa…

Hiện số tiền gửi tiết kiệm các tổ viên tại Tổ TK&VV do anh Alăng Len quản lý đạt trên 50 triệu đồng, với 100% tổ viên tham gia gửi tiền hàng tháng, số tiền gửi bình quân từ 100 - 200 nghìn đồng/người/tháng.

Dưới sự quản lý của anh, Tổ TK&VV luôn xếp loại tốt, không có lãi tồn đọng, không có nợ quá hạn, hộ vay chấp hành việc trả nợ đúng kỳ hạn.

Sáng tạo trong cách làm

Tương tự, chị Arâl Thị Kiều ở thôn Pơr’ning (xã Lăng) cũng là tấm gương sáng trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV.

chi-aral-thi-kieu-to-truong-to-tiet-kiem-va-vay-von-thon-por-ning-xa-lang-truc-tiep-den-nha-hoi-vien-thu-tien-lai-hang-thang..jpg
Chị Arâl Thị Kiều - Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Pơr’ning, xã Lăng đến nhà hội viên thu tiền lãi hằng tháng. Ảnh: HIỀN THÚY

Chị Kiều có cách làm sáng tạo, thêm sự nhiệt tình đã tạo niềm tin yêu, gắn kết giữa Tổ TK&VV với mọi thành viên, tạo nên “cầu nối” bền vững để đưa vốn chính sách đến với người nghèo.

Nhờ tham gia tổ TK&VV, các thành viên trong tổ không những thấy rõ lợi ích thiết thực do nguồn vốn ưu đãi mang lại, nâng cao nhận thức về chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, mà còn nỗ lực làm việc, có ý thức trả nợ, nộp lãi theo quy định. Hiện Tổ TK&VV do chị Kiều quản lý có 60 hộ vay với dư nợ hơn 4,4 tỷ đồng.

Chị Kiều cho hay thường xuyên đến từng nhà để kiểm tra tình hình sử dụng vốn, hoạt động làm ăn của người vay có ổn định hay không... Đồng thời chú trọng công tác giao ban tập huấn do Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, chính quyền, đoàn thể địa phương phối hợp tổ chức.

“Việc làm này giúp tôi nắm bắt kịp thời những công việc liên quan đến công tác giảm nghèo, chuyển đổi sản xuất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn và phong trào thi đua giúp nhau sử dụng vốn ưu đãi, sản xuất giỏi” - chị Kiều cho hay.

Theo hướng dẫn chị Kiều, chúng tôi đến thăm gia đình anh Zơrâm Kiều cùng thôn Pơr’ning. Trước đây gia đình anh thuộc diện hộ cận nghèo, sau khi tham gia sinh hoạt Tổ TK&VV, được chị Kiều hướng dẫn, giúp đỡ, năm 2020 anh đã mạnh dạn vay vốn chính sách 45 triệu đồng để mở rộng chăm sóc 1ha keo lá tràm, 1ha quế và 3 con bò giống.

Đến nay, anh bán keo lá tràm và có số tiền ổn định, từ 3 con bò giống đã sinh sản gần 10 con. Nhờ chăm chỉ làm việc, anh có nguồn thu ổn định nộp đủ lãi vay cho ngân hàng, mở rộng trồng trọt, chăn nuôi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cầu nối nguồn vốn chính sách ở Tây Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO