(VHQN) - Người Hội An đã lựa chọn sự biến đổi “khác biệt nhưng phù hợp” giữa văn hóa Việt với các nền văn hóa khác...
Dòng văn hóa cảng thị
Người Việt ở Hội An sống vùng cửa sông - ven biển chủ yếu trồng lúa nước, rau màu, làm nghề sông, biển. Lợi thế sống ở vùng cảng thị, cùng chính sách ngoại thương thoáng mở của các chúa Nguyễn, khiến nghề truyền thống của cư dân nông nghiệp đã có nhiều biến đổi.
Trước hết người Hội An học ở người Chăm cách làm mắm cá biển. Nghề đóng ghe thuyền đi biển cùng chiếc ghe bầu chở hàng hóa đi sông/biển là tiêu biểu. Ngay cả quan niệm “dĩ nông vi bản”(lấy nông làm gốc) cũng dần có ý “trọng thương” (chuộng buôn bán) của cư dân vùng văn hóa cảng thị.
Những đợt di dân lớn của người Nhật, người Hoa (hơn 1 nghìn người Nhật đầu thế kỷ 17 và 6 nghìn người Hoa vào cuối thế kỷ 17) cùng chính sách cho “lập làng, dựng phố”, định cư buôn bán của chúa Nguyễn khiến dòng văn hóa cảng thị của cư dân thương nghiệp dần lấn át dòng văn hóa cồn bàu của cư dân nông, ngư nghiệp, tiểu thủ công.
Văn hóa cảng thị trở thành dòng văn hóa chủ đạo suốt nhiều thế kỷ - biến Hội An thành nơi đô hội” bán mua trên bến dưới thuyền” mà các món “hàng gì cũng có” (Lê Quý Đôn). Mãi cho đến những năm 30 thế kỷ XX, Nguyễn Tuân còn ghi nhận bến Hội An có “một rừng cột buồm, ghe thuyền xúm xít” (bài tùy bút Cửa Đại).
Trục văn hóa Hội An - Dinh Chiêm còn ghi nhận là nơi cùng với Tourane (Đà Nẵng) - nơi mở đầu công cuộc truyền giáo - đạo Công giáo vào Việt Nam. Đồng thời đây là một trong những địa phương góp công hình thành chữ quốc ngữ với sự khơi mở của các giáo sĩ phương Tây…
Ngoài di sản văn hóa vật thể có được qua giao lưu với cư dân Champa như ghe bầu, giếng cổ, các di tích, di chỉ khảo cổ Champa…người Hội An đã lựa chọn sự biến đổi “khác biệt nhưng phù hợp” giữa văn hóa Việt với các nền văn hóa khác.
Với kiến trúc, ta có thể thấy tiêu biểu như căn nhà “3 gian 2 chái” của người Việt có thêm vì kèo “chồng rường giả thủ” theo phong cách Hoa Nam; trên lợp ngói âm dương thay ngói vảy cá hoặc ngói mũi hài, khu phố cổ có hệ nhà cổ “tổng hợp” đủ các phong cách Việt - Hoa - Nhật ở bố cục không gian, kiểu thức kiến trúc, thậm chí ở từng chi tiết chạm trổ nghệ thuật.
Theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu, vì kèo “cột trốn kẻ chuyền” (phong cách Việt) vẫn tồn tại hợp lý bên cạnh vì kèo “chồng rường giả thủ” (phong cách Hoa) và hệ ban công trang trí hình con tiện (phong cách Pháp) ngay trong một ngôi nhà…
Cả việc quy hoạch không gian đô thị Hội An thế kỷ 19 - lấy trục Lê Lợi làm trục chủ đạo để liên kết với các đường phố khác, trên một bình độ từ trên xuống để “thoát nước” ra sông cũng là một sự kết hợp hài hòa văn hóa Đông - Tây.
Phong cách Quảng ở người Hội An
Trong lịch sử, dù có một thời kỳ dài sử dụng chữ viết (chữ Hán) của người Hoa trong các văn bản hành chính, sử liệu (văn bia, văn cúng, văn bản thờ tự, khánh tiết…), người Hội An vẫn giữ nguyên “giọng Quảng” trong tiếng nói xuyên suốt nhiều thế kỷ. Hiện tại, ngay cả cộng đồng người Hoa trừ dịp lễ lạt cũng ít dùng tiếng Hoa trong giao tiếp.
Người Hội An có tố chất “cãi” hay tranh biện xã hội nhiều khi “mạnh hơn” một số địa phương “quê xứ” Quảng khác. Lý do có thể vì quá trình giao lưu văn hóa trực tiếp, sâu rộng với cư dân của các nền văn hóa khác - nên yếu tố “cởi mở, tự nhiên” chiếm nhiều hơn.
Ngay từ đầu thế kỷ 17, giáo sĩ người Ý Cristoforo Borri (1583-1632) trong tác phẩm “Xứ Đàng Trong”, đã nhận định: về tính cách “họ dịu dàng và lịch thiệp hơn khi đàm đạo, hơn tất cả dân phương Đông nào khác… Tóm lại họ rất xã giao, lịch sự và thân mật đối với chúng ta…” và “họ vừa trọng võ vừa trọng văn tùy theo cơ hội”.
Người Hội An với tính chất “năng động” cởi mở của dân “cảng thị” vì sớm tiếp xúc với phương Đông, phương Tây nên tự hào có nhiều nghệ sĩ mở đầu nền tân nhạc như La Hối với bản nhạc “Xuân và tuổi trẻ”; anh em nhóm “Tự Lực văn đoàn” (quê gốc Hội An) trong văn học trước 1945…
Quá trình giao lưu văn hóa đầy năng động đó cũng “ẩn tàng” một tác động ngược” - nói như nhà văn Nguyên Ngọc. Người Hội An vốn “ý thức về mức độ” để giữ được bản sắc văn hóa “chừng mực”/trung hòa của mình - nên phía khác - họ, vì quá chừng mực dẫn đến ngại rủi ro, bất cập - như trong làm ăn kinh tế họ ngại “làm ăn lớn”, làm ăn “trong lộng” không dám “ra khơi”, dần rơi vào tính chất “bảo thủ”.
Có nhà nghiên cứu cho rằng người Hội An thiên về lối ứng xử “duy tình”, rằng “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Do sống trong nếp ứng xử duy tình của cộng đồng có quá trình cộng cư quá lâu, tạo nên sức ỳ trong phát huy, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.
Trước sự biến đổi trong nếp ứng xử truyền thống, người Hội An vẫn kế thừa lối ứng xử năng động, cởi mở, thân thiện, dám nghĩ, dám nói, dám làm của người Quảng Nam. Nhưng đặc điểm “ý thức về mức độ” phía khác lại cho họ một ý thức mới - ý thức về “sự biến đổi phù hợp”. Đó có lẽ là căn nguyên để Hội An giữ và phát triển các sản phẩm du lịch từ nghề thủ công, nghệ thuật dân gian, đồng thời trở thành thành phố sáng tạo của thế giới.