(QNO) - Chiều 17/5, tại hội trường Huyện ủy Thăng Bình, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn và Cục Đường bộ Việt Nam, Ban quản lý dự án 4 về tiến độ GPMB dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E (đoạn lý trình km15+270 - km89+700).
Tham gia đoàn công tác có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Trần Xuân Vinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Thu Lan - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đại diện chủ đầu tư dự án có ông Nguyễn Xuân Ảnh - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam.
Báo cáo tiến độ GPMB và tồn tại, vướng mắc công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E qua 3 huyện nêu trên, Phó Giám đốc Sở TN&MT - ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, tại huyện Thăng Bình, đơn vị tư vấn đo đạc đang triển khai công tác đo đạc địa chính; riêng địa bàn xã Bình Lãnh đã hoàn thiện hồ sơ đo đạc gửi lại Chi cục Quản lý đất đai tỉnh thẩm định.
Thăng Bình đã chỉ đạo đơn vị bồi thường tiến hành mời dân, thu thập hồ sơ pháp lý về đất, nhân khẩu, căn cước công dân và tiến hành kiểm kê song song với đất nông nghiệp.
Cũng tại Thăng Bình, đơn vị bồi thường và xã Bình Định Bắc đã mời dân thống nhất trả lại đất 5% do địa phương quản lý và nhận tiền hỗ trợ hoa màu, cây cối trên đất. Nhờ vậy, địa phương bàn giao được 1.090m bên trái tuyến cho Ban quản lý dự án 4 và đơn vị thi công đang thi công trên hiện trường. Việc di dời hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đang trong quá trình hoàn thiện phương án, hoặc thỏa thuận phương án di dời.
Với huyện Hiệp Đức, công tác đo đạc địa chính bản đồ đã hoàn thành, đang trình Sở TM-MT thẩm định; triển khai xác định giá đất cụ thể tại 4 xã trên địa bàn để làm cơ sở áp giá bồi thường, GPMB.
Phối hợp với Điện lực Hiệp Đức, các đơn vị viễn thông để thống kê, lên phương án di dời trụ, đường dây bị ảnh hưởng. Huyện đã bàn giao đoạn lý trình km44+744-km44+969 (dài 225m) để làm lễ triển khai thi công dự án, bàn giao cầu Hiệp Đức. Họp dân thống nhất và hoàn thành kiểm đếm trước đối với 7 hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực cầu Bà Huỳnh, cầu Xe Con có tổng chiều dài khoảng 1km tại thôn Trà Huỳnh (xã Sông Trà).
Tại huyện Phước Sơn, hồ sơ trích đo địa chính đoạn qua xã Phước Hiệp đã được Sở TN-MT phê duyệt. Đoạn qua xã Phước Hòa và Phước Xuân, đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ theo đề nghị của ngành chức năng, cuối tháng 5/2023 sẽ hoàn thành trình phê duyệt. Địa phương cũng đã tiến hành rà soát cụ thể các trường hợp thuộc giải tỏa trắng, hoặc bị ảnh hưởng một phần ngôi nhà nhưng khi dự án hoàn thành không thể xây dựng để ở lại do yếu tố khách quan, đồng thời lấy ý kiến nhân dân về phương án tái định cư. Vận động được 9 hộ gia đình, cá nhân thống nhất ký cam kết bàn giao trước 1,2km đoạn lý trình km62+926-km64+200.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Thăng Bình kiến nghị lãnh đạo tỉnh cho chủ trương về phê duyệt dự toán kinh phí thuê tư vấn xác định giá đất và phê duyệt giá đất cụ thể theo từng xã. Đồng thời, kiến nghị liên quan đến di dời hệ thống điện; cho chủ trương để huyện tạm di dời hệ thống điện chiếu sáng hiện có ra khỏi phạm vi dự án, tiếp tục chiếu sáng đảm bảo cho nhân dân đi lại trong quá trình thi công đường. Huyện Hiệp Đức kiến nghị Sở TM-MT quan tâm hỗ trợ, sớm phê duyệt bản trích đo địa chính bản đồ của các xã còn lại để huyện có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Phước Sơn kiến nghị thống nhất chủ trương cho huyện lập dự toán di dời Trường Mẫu giáo Sơn Ca - điểm trường thôn Lao Mưng (xã Phước Xuân), tổng hợp đưa vào phương án bồi thường để có kinh phí di dời, xây dựng lại. Cho huyện giải tỏa, di dời toàn bộ đất và nhà ở, tài sản trên đất của 5 hộ dân bị ảnh hưởng một phần ngôi nhà tại xã Phước Hiệp, vì diện tích còn lại nằm sát bờ sông Trường Giang đã sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ sạt lở tiếp; sau khi dự án hoàn thành thì hành lang an toàn đường bộ đã gần như chiếm hết chiều sâu các thửa đất.
Đại diện Ban quản lý dự án 4 kiến nghị 3 huyện cần đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn GPMB, bởi từ tháng 1 đến nay, các huyện đăng ký giải ngân tổng số 44 tỷ đồng nhưng hiện mới giải ngân được tiền ứng 1,1 tỷ đồng. Cho phép di dời từng đoạn ảnh hưởng đến công trình điện, nước, viễn thông theo thứ tự ưu tiên.
Các ngành, các đơn vị hạ tầng kỹ thuật cũng đã có ý kiến giải trình, giải thích liên quan đến kiến nghị của các địa phương, đơn vị liên quan. Thành viên ban chỉ đạo cũng đã nêu ý kiến, cách thức tháo gỡ vướng mắc GPMB của dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Dũng cho biết đây là cuộc họp lần thứ 2 của ban chỉ đạo cấp tỉnh liên quan công tác bồi thường, GPMB dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E.
Đồng chí Lê Văn Dũng yêu cầu các địa phương phải thống nhất phương thức GPMB bằng cách dễ làm trước, khó làm sau; GPMB đến đâu thì bàn giao đến đấy để thi công công trình.
Đồng chí Lê Văn Dũng yêu cầu các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết liệt. Không được ai có liên quan bàn ra, đứng ngoài cuộc; nếu có tư tưởng như vậy thì phải kiểm điểm, xử lý nghiêm bởi đây là công trình trọng điểm quốc gia. Người có trách nhiệm phải nắm chắc được việc, tiến độ triển khai ở địa phương mình. Các ngành liên quan của tỉnh phải hết sức quan tâm, sâu sát hỗ trợ, hướng dẫn cho các địa phương để tháo gỡ vướng mắc bồi thường, GPMB của dự án.