Văn hóa - Văn nghệ

Vị quê trong câu hát…

ĐẶNG TRƯƠNG 26/01/2025 08:45

(VHQN) - Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng tiết lộ rằng, ông viết “Quảng Nam yêu thương” một phần xuất phát từ “tự ái nghề nghiệp”. Nhưng ông cũng khẳng định nếu quê hương ấy không có “men của rượu hồng đào” dẫn dụ, không có “vị quê” nồng nàn như hương bưởi, hương cau, mía đường ngọt lịm… thì cũng khó có được tác phẩm âm nhạc đi vào lòng người.

DJI_0514_PHUONG THAO
Cảnh sắc làng quê xứ Quảng luôn là nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tác. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Có lẽ, bắt đầu từ “vị quê”, “Quảng Nam yêu thương” của Phan Huỳnh Điểu cùng hàng trăm ca khúc viết về mảnh đất “chưa mưa đà thấm” lan tỏa và miên viễn trong tâm hồn người yêu nhạc…

Chất men cho khúc nhạc, lời ca

Xứ Quảng là miền đất đẹp. Những làng quê yên ả, nằm nép mình bên dòng Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang với bãi dâu, nà bắp, đồng lúa…

Một vùng Tây bạt ngàn rừng núi, ngạt ngào hương quế, hương cau, lòn bon, dâu đất... Và, một dải bờ biển trải dài từ Cửa Đại đến Bàn Than đẹp như bức tranh. Tất cả tạo nên “chất men” quý báu, làm say đắm tâm hồn nhạc sĩ, để từ đó có những tác phẩm âm nhạc giàu có về giai điệu, tinh tế trong lời ca.

Có lần, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thổ lộ: Người nhạc sĩ như con ong, qua mỗi chuyến đi lại hút thêm mật ngọt để làm nên sắc hương cho đời... Phải vậy chăng, mà mỗi lần nghe được giai điệu âm nhạc viết về vùng đất, con người xứ Quảng, đặc biệt là những nhạc sĩ xa quê, lại có cảm giác như được bước đi trong không gian yên bình của sắc màu tươi xanh đồng bãi, non ngàn, của hương hoa trái ngọt lành, tình người nồng hậu, thủy chung.

Không kể “Quảng Nam yêu thương” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ăm ắp vị quê, hàng chục ca khúc của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, từ “Thu hát cho người”, “Bài thơ quê lụa”, “Phố giáng hương”, “Hương rừng Quảng Nam”, “Mời rượu hồng đào”… cho đến “Trên đồi xưa” đều ăm ắp hương men xứ Quảng.

Người yêu nhạc nhận ra hương quế ngạt ngào trong câu hát “Về đây trên đường Trường Sơn/ Nơi hồn cây dó hóa nên trầm/ Ta vượt qua núi biếc sông xanh/ Đi tìm hương quế rừng Quảng Nam” hay tìm chút men cay say đắm của rượu hồng đào với “Đất Quảng Nam có hương rượu nhiệm màu/Người Quảng Nam vốn chân tình thuần hậu/ Biển rộng trời cao và núi biếc sông sâu/ Từ ngàn năm kết tinh làm nên chất rượu hồng đào”.

Và, cũng trong mạch nguồn như thế, khi đang còn hoạt động âm nhạc ở TP.Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Trần Quế Sơn đã mang vào âm nhạc những yêu thương nồng nàn vị quê xứ Quảng. Đó là “Tình quê” đầy nhung nhớ với “tô mỳ gạo mới”, nải chuối ướm vàng và hương bưởi thơm tóc chị, tóc mẹ…

Hay như nhạc sĩ Từ Huy, ca khúc “Quê hương tuổi thơ tôi” của ông đã khiến bao con tim yêu âm nhạc say đắm. Những yêu thương bất tận được bày biện duyên dáng, gợi một khoảng trời tuổi thơ và hoa niên tươi đẹp của những người con xứ Quảng - những người được sinh ra và lớn lên từ lũy tre làng, từ đồng bãi, với trò chơi bắt dế, “bắt cá giữa đường”.

Và, đôi khi chỉ là “một nắm khoai chà, một niêu cơm tấm” mẹ đã nuôi anh, trong “Miền Trung quê mẹ” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm, cũng đủ làm bao trái tim xa quê rưng rưng nẻo về cố quận…

Thăng hoa từ ký ức

Với mỗi nhạc sĩ, ký ức là một thứ men đặc biệt để dệt nên giai điệu, thăng hoa trong lời ca và đắm say trong tình đất, tình người. Tôi muốn nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái, tuy không phải là người Quảng Nam nhưng từ lâu, ông đã xem đất này như quê hương thứ hai của mình.

hat-noi-mien-song-nuoc-que-huong.jpg
Hát nơi miền sông nước quê hương. Ảnh: P.V

Hẳn nhiên, một khi tình yêu nghệ sĩ đã gởi lại đâu đó trên dặm đường đời này, qua ca khúc, họ sẽ kịp ghi dấu ấn của mình. Đó là “Biết là chiều nay, trái tim tôi rơi rụng nơi này/ Khi tôi về quê hương em, đây miền quê tràn nụ biếc/ Là nơi tóc em bồng bềnh, thơm hoài hương bưởi hương ngâu…” (Tiên Phước xanh ngắt một miền quê - Nguyễn Duy Khoái).

Ký ức tươi xanh còn đong đầy thương nhớ quê xưa, nơi “Quê mẹ có nghèo đâu, có cả một đồi sim, mùa sim chín trái tròn như tuổi lớn, dỗ lòng tôi buổi biết nhớ người dưng. Quê mẹ có nghèo đâu, có cả mớ chè xanh, nấu nước giếng thơi rót vào lưng bát, dịu lòng tôi ngày khát dấu thương thầm… nên đói lòng thèm nửa trái sim, nhớ lưng bát nước đi tìm câu ca xưa”- “Đi tìm câu ca xưa”, nhạc sĩ Hồ Xuân Hương phổ thơ Nguyễn Mậu Hùng Kiệt.

Cũng vậy, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, viết “Thu hát cho người” từ năm 1968 với một chiều thu bên đồi sim chín. Để rồi mấy chục năm sau, lòng chưa nguôi ký ức mến thương thuở yêu người như mắt hồ thu ấy, ông lại ôm đàn trở về đồi xưa mà ngân vang câu hát “Sương trắng quê nhà những hoàng hôn/ Nơi ấy quê người em lạnh không/ Đàn ta reo đoản khúc Nam thương/ Một đời mong nhớ cố nhân thôi/ Sim chín trên đồi xưa, sim chín trong lòng ta…” (Trên đồi xưa).

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Vũ Đức Sao Biển, Từ Huy… giờ đã về miền mây trắng. Nhưng vị quê ăm ắp trong từng câu hát họ neo vào tác phẩm, mãi còn ở lại. Và, nó đã, đang được đắp bồi thêm men nồng bởi trái tim yêu đời, yêu quê xứ của những nhạc sĩ hôm nay.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vị quê trong câu hát…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO