Vì sức khỏe người dân vùng cao - Bài cuối: Quyết sách nhân văn

DIỄM LỆ 22/04/2022 07:55

Khi các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh không còn được hưởng chính sách từ Trung ương, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04 ngày 12.1.2022, tiếp tục hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân giai đoạn 2022 - 2025. Đây là quyết sách nhân văn và vô cùng ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Khi người dân vùng cao được cấp thẻ BHYT thì việc chăm sóc sức khỏe sẽ tốt hơn. Ảnh: D.L
Khi người dân vùng cao được cấp thẻ BHYT thì việc chăm sóc sức khỏe sẽ tốt hơn. Ảnh: D.L

Hợp lòng dân

Chúng tôi đến thăm nhà ông A Lăng Ngay (thôn Ahu, xã A Tiêng, huyện Tây Giang) vào cuối tháng 3.2021. Đã gần 1 năm kể từ ngày không còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), ông Ngay cũng như người nhà không còn đến Trạm Y tế xã hay Trung tâm Y tế huyện khi có bệnh.

Ông Ngay nói: “Không có thẻ BHYT đi viện tốn tiền lắm, mà tiền thì không có. Khi không còn được cấp thẻ BHYT, cán bộ xã có tuyên truyền gia đình tiết kiệm để mua thẻ mà dùng, khi ốm đau đỡ tốn tiền. Nhưng nhà tôi đông người, không đủ tiền mua cùng lúc 5 thẻ BHYT.

Tôi mới được cán bộ thôn thông báo Nhà nước sẽ cấp lại thẻ BHYT cho cả nhà, tôi mừng lắm. Có thẻ BHYT đau ốm mới dám đi bệnh viện. Gia đình sẽ cố gắng làm ăn, sau này nếu Nhà nước không cấp nữa thì có tiền mua thẻ BHYT để dùng”.

Hơn 48,8 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết 04

Nghị quyết số 04 ngày 12.1.2022 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, người dân được tiếp tục hỗ trợ thẻ BHYT theo quy định gồm xã khu vực III, khu vực II giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 đạt chuẩn nông thôn mới; xã khu vực III, khu vực II giai đoạn 2016 - 2020, nay không còn xã khu vực III, khu vực II theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; xã, thị trấn khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg. Theo Nghị quyết 04, toàn tỉnh sẽ có 22.380 người được cấp thẻ BHYT.

Nhóm người dân được cấp thẻ gồm đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và xã khu vực I thuộc phạm vi vùng dân tộc thiểu số và miền núi (14.015 người); đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã không thuộc phạm vi vùng dân tộc thiểu số và miền núi (168 người); đồng bào dân tộc thiểu số các xã khu vực III khi đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (8.197 người). Tổng kinh phí thực hiện hơn 48,8 tỷ đồng, từ ngân sách tỉnh.

Theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, xã A Tiêng không còn nằm trong danh sách các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Toàn thôn Ahu có 93 hộ dân với 386 nhân khẩu; khi xã A Tiêng thành xã nông thôn mới, thôn Ahu được chọn xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, chính sách BHYT cũng không còn. Vì vậy, xã, thôn phải vào cuộc tuyên truyền để người dân hiểu và mua thẻ BHYT đề phòng khi ốm đau, bệnh tật.

Ông Hốih Deng - Trưởng thôn Ahu thông tin: “Người dân dù được tuyên truyền, hiểu rõ quyền lợi khi mua thẻ BHYT nhưng không đủ khả năng. Năm qua lại dịch bệnh, thiên tai, mất mùa, bỏ ra số tiền lớn để mua cho cả gia đình là rất khó. Nay được tỉnh hỗ trợ cấp thẻ BHYT lại, cả thôn ai cũng mừng. Không có thẻ BHYT, nếu đi bệnh viện thì sợ rằng không ai đóng nổi tiền viện phí”.

Ngay khi Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh có hiệu lực thi hành, UBND xã A Tiêng nhanh chóng phối hợp với cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện, Bảo hiểm Xã hội huyện Tây Giang thống kê, rà soát, chấm trùng để lập danh sách cấp thẻ BHYT cho người dân.

Bà P’long Thị Hênh - Phó Chủ tịch UBND xã A Tiêng nói, chính sách cấp thẻ BHYT cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết. Ngay trong thời điểm ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, chính sách BHYT bị cắt đi sẽ khiến người dân thêm phần khó nếu ốm đau, bệnh tật. Vì vậy, Nghị quyết 04 đã khẳng định sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đến người dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Quảng Nam tiên phong

Có thể thấy, khi không còn thuộc khu vực được hưởng chính sách trợ cấp BHYT, người dân, chính quyền xã, huyện ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số hết sức lo lắng. Nghị quyết 04 của tỉnh ra đời đã kịp thời trấn an nhân dân, giúp chính quyền địa phương trút được gánh nặng.

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, khi Nghị quyết 04 ra đời, người dân hết sức vui mừng. Bởi trong 2 năm qua, dịch bệnh phức tạp, người dân mất việc làm, thiên tai liên tục xảy ra khiến đời sống người dân rất khó khăn. Ngay trong thời điểm đó, nếu một gia đình có 5 - 6 người phải mua thẻ BHYT thì khó kham nổi.

Ngành BHXH huyện Tây Giang cùng cán bộ xã A Tiêng và thôn Ahu rà soát danh sách người dân của thôn được cấp lại thẻ BHYT theo Nghị quyết 04. Ảnh: D.L
Ngành BHXH huyện Tây Giang cùng cán bộ xã A Tiêng và thôn Ahu rà soát danh sách người dân của thôn được cấp lại thẻ BHYT theo Nghị quyết 04. Ảnh: D.L

“Theo Nghị quyết 04, huyện Tây Giang có 2.903 người được cấp lại thẻ BHYT giai đoạn 2022 - 2025, thuộc 3 xã: Lăng, A Nông, A Tiêng. Khi được cấp thẻ BHYT, người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế. Từ đó tác động tích cực tới việc đảm bảo an sinh xã hội cũng như giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, về lâu dài huyện Tây Giang cũng như các xã cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân bớt trông chờ vào chính sách của Nhà nước, đến khi chính sách kết thúc có thể tham gia BHYT theo hình thức tự nguyện để bảo vệ sức khỏe bản thân” - ông Arất Blúi nói.

Sớm đưa Nghị quyết 04 vào đời sống, với vai trò là cơ quan tham mưu, thực hiện chính sách, ngành BHXH tích cực phối hợp cùng các địa phương lập danh sách, chấm trùng để cấp thẻ BHYT cho người dân kịp thời nhất. Việc khảo sát đang được thực hiện ở cơ sở, khi có danh sách được phê duyệt từ UBND huyện, ngành BHXH sẽ in, cấp thẻ BHYT cho nhân dân. Trong thời gian này, người dân ở các xã, thôn đã được quy định trong Nghị quyết 04 vẫn được hỗ trợ khám chữa bệnh BHYT.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh khẳng định, sau khi Quyết định 861 được ban hành, việc phối hợp từ tỉnh đến huyện, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh có một nghị quyết tiếp tục hỗ trợ người dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách BHYT là điều hết sức cần thiết. Ngành BHXH đã phối hợp cùng các địa phương và sở, ngành của tỉnh khảo sát, đề xuất ban hành chính sách nhân văn này kịp thời.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, khu vực miền núi của tỉnh hiện có hơn 330 nghìn người dân đang sinh sống, trong đó có 136 nghìn người đồng bào dân tộc thiểu số. Ông A Lăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, việc cấp thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số là chính sách hết sức nhân văn.

Quảng Nam là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện được chính sách này, góp phần quan trọng cho mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với Nghị quyết 88 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, chính sách BHYT miễn phí cho người dân góp phần cho sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững ở miền núi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì sức khỏe người dân vùng cao - Bài cuối: Quyết sách nhân văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO