Rồi Tâm cũng dứt áo ra đi.
Đêm ấy mưa lộp bộp không dứt trên mái tôn. Từng hạt mưa trĩu nặng dường như rơi không đều nhau ngầm báo hiệu cho mọi người thức giấc để nghe ngày đông đang đến gần. Họ là hai mẹ con đứng bên nhau trước ngọn đèn dầu bị gió luồn qua khe cửa tung tẩy.
Người mẹ ôm chầm lấy con trai với tiếng nấc đè nén phát ra thanh âm “ức... ức”. Nước mắt mẹ lặng lẽ rơi trên tay anh hôi hổi nóng: “Con đi bình an! Nhớ viết thư về cho mẹ!”. Giọng nói thì thào, cử chỉ vội vã của hai người diễn ra chóng vánh. Biết đâu ngoài kia đôi mắt cú vọ của gã liên gia trưởng đang săm soi. Chàng trai gỡ bàn tay mẹ đặt vào đó một gói giấy: “Đây là một phần mái tóc của Thoa tặng con làm tin, mẹ giữ giùm con! Con đi đây!”. Tâm không còn cách nào nán lại dù chỉ một ngày. Anh không thể trốn tránh khi cái tuổi thanh niên cận kề giữa hai con đường anh phải chọn một: Nhảy lên căn cứ X hoặc cầm súng chống lại cách mạng.
Quê Tâm là vùng mất an ninh. Sáng. Lính tráng với súng ống nghênh ngang. Tối. Quân giải phóng làm chủ bắc loa tay kêu gọi mọi người chống lại sự đàn áp của quân lính chế độ Sài Gòn.
Vùng căn cứ cách mạng chỉ cách làng Nhum một cánh đồng và con sông rộng nước lênh láng từ thượng nguồn đổ về. Biết bao lần lính Mỹ và bọn biệt động quân đổ bộ càn quét căn cứ X nhưng đều chuốc lấy sự thảm bại.
Bọn thám sát, nhảy toán thu thập tin tức như vào chỗ không người. Chúng đâu hiểu có những đôi mắt tinh anh của trinh sát đặc công dõi theo chúng từ lúc xâm nhập căn cứ cách mạng cho đến khi rời đi với gương mặt hoan hỉ. Và sau đó những cái bẫy lớn thường được giăng ra bằng bãi mìn kích hoạt chính xác hốt gọn kẻ thù. Căn cứ X từng bị B52 dội bom nhiều lần nhưng không làm quân giải phóng nao núng. Hang đá trùng trùng, lớp lớp chịu được bom tấn, bom khoan nối liền những ngóc ngách như bát quái trận đồ làm khiếp đảm, nản lòng quân xâm lược.
Ba từ “mất an ninh” là sự khẳng định của Quận trưởng Ngô Tùng Châu trong một lần họp dân làng Hạ. Mà mất an ninh thiệt chứ chẳng nói chơi. Hoàng hôn chưa kịp buông xuống đã thấy quân nhà ta khoác súng AK đi trong đường làng miệng nghêu ngao hát “Chiến sĩ ta dầm mưa dãi nắng. Mưa rét run người nắng sẫm màu da…”. Họ như những Phù Đổng Thiên Vương mọc lên từ lòng đất, lòng dân kiên trung.
Làng Hạ tre ken dày. Phía dưới các lũy tre từ lâu đời là hầm bí mật thông với nhau khiến cho cảnh sát đặc biệt, trinh sát địa phương quân chùn bước.
Ban đêm ông Hai Kèn bắc loa làm bằng tole cuốn lại như bông hoa loa kèn đi từ đầu làng, cuối xóm cất giọng lanh lảnh: “A lô! A lô! Bà con làng Hạ nghe đây! Nghe đây! Quân giải phóng mời bà con ngay lúc bây giờ mang cuốc, xẻng, xà beng tập trung tại ngã ba chòi Mồng để đào đường cái quan. A lô! A lô!”.
Sáng hôm sau, cũng chính ông Hai Kèn bắc loa giọng sang sảng: “A lô! A lô! Bà con làng Hạ nghe đây! Nghe đây! Đại diện xã và ấp trưởng ấp Hiệp Phú mời bà con ngay lúc bây giờ mang cuốc, xẻng khẩn trương tập trung tại ngã ba chòi Mồng để lấp đường cái quan do cộng sản đào ngăn xe nhà binh tiến vào chiến khu X. A lô! A lô!”.
*
* *
Chưa có đêm nào ngớt tiếng súng dội vào làng Hạ kèm theo tiếng chó sủa dai dẳng từ phía sông. Bà Mùi khắc khoải nhớ về đứa con trai nghe nói đã vào bộ đội chủ lực quân khu. Chồng bà là xã đội trưởng trong một lần về làng bị địch phục kích hy sinh. Bà lặng lẽ nhận xác chồng mà không dám rơi nước mắt. Bàn thờ chồng được lập trong một góc phòng ngủ tránh sự soi mói của quân thù.
Những tưởng chồng hy sinh, bà được yên ổn nuôi con, nào ngờ mỗi khi bộ đội về làng đốt đèn phổ biến chính sách của Mặt trận cho dân hiểu, sáng hôm sau cảnh sát dã chiến đến tận nhà thúc súng vào lưng bắt bà đưa về xã giam lỏng. Cái cách bố ráp, đàn áp của chính quyền càng thúc bách nam nữ thanh niên bỏ nhà thoát ly lên căn cứ X.
Cảnh sát đặc biệt quận Y đánh hơi giỏi như giống chó săn cáo Mỹ. Đặc biệt là gã Năm Rô quê gốc làng Hạ. Rô được thượng cấp biệt phái nắm tình hình hoạt động của cán bộ cách mạng nằm vùng vì gã thông thạo từng đường đi nước bước làng Hạ. Trung úy Rô còn được quan thầy đánh giá cao về sự chống cộng quyết liệt và có nhiều mưu mẹo tung gián điệp, mật báo viên vào hàng ngũ cách mạng.
Tâm nhảy núi ngày trước là ngày sau Năm Rô dẫn lính đến nhà bà Mùi (mẹ Tâm) sục sạo, phá nát đồ vật trong nhà và tái hiện chiêu thức cũ, thúc súng vào lưng đưa bà Mùi về giam ở xã để tra khảo.
Gã dí điếu thuốc lá đang hút vào cổ người đàn bà yếu đuối, rít qua kẽ răng: “Thằng con mụ lên căn cứ X với ai? Ai xúi giục mụ cho nó theo cộng sản?”. Bà Mùi cắn răng chịu đựng đốm lửa nóng cháy thịt da, trước sau chỉ trả lời một câu: “Tôi không biết nó bỏ nhà đi đâu!”. Suốt một tuần lễ thằng Rô và đám thuộc hạ thay nhau tra khảo bà Mùi không được gì, chúng đành thả bà ra.
Hôm sau đi thăm ruộng, Thoa gặp bà Mùi ngoài đồng mon men lại gần: “Anh Tâm chiến đấu cừ lắm bác ạ! Ta chuẩn bị đánh lớn.”. Bà Mùi mắt sáng lên: “Thằng nhỏ gan lì giống cha. Nó có nhắn gì cho bác không con?”. Cô gái nhoẻn miệng cười: “Tình cờ con biết được thôi bác. Bác hãy yên tâm! Có tin gì sốt dẻo, con lại báo cho bác biết.”.
Năm Rô biết Thoa là người yêu của Tâm nên mọi nhất cử nhất động của cô đều trong tầm ngắm. Từ lâu rồi gã thầm thương trộm nhớ người con gái có mái tóc dài đen nhánh, làn da nõn nà, vóc dáng cao ráo với nụ cười đẹp mê hồn. Gã nhiều lần đến nhà Thoa tìm cách tán tỉnh. Thoa khéo léo chối từ nhưng gã thì chưa bao giờ sờn lòng chinh phục. Dẫu là vùng mất an ninh nhưng Năm Rô vẫn bí mật cử người thường xuyên phục kích gần nhà Thoa với hy vọng sẽ diệt được Tâm tình địch.
Chiến trường ngày càng diễn ra ác liệt. Lâu rồi Thoa không còn nhận được tin tức gì về Tâm. Bà Mùi thì đêm nào cũng thắp nhang khấn vái chồng phù hộ cho con trai luôn được bình yên. Năm Rô lại tiếp tục gây tội ác với nhân dân làng Hạ.
Trong khi lính tráng không dám đến gần những nơi có thể có hầm bí mật thì sáng nào gã cũng súng ngắn lận lưng với mấy quả lựu đạn mini như trái bóng gôn bỏ trong túi quần lom khom đi quanh lũy tre và săm soi mấy cái ao làng có dấu đất mới đổ xuống hay không. Người đào hầm bí mật chọn cách đổ đất xuống ao để phi tang là tốt nhất. Năm Rô mật phục bắt được một số cơ sở cách mạng đem về quận tra tấn. Người còn sống không chịu nổi cực hình dã man thì thực hiện khổ nhục kế, làm việc cho Năm Rô.
*
* *
Ngày giải phóng, bà Mùi nhận giấy báo tử Tâm hy sinh chưa tìm được hài cốt. Tấm bằng “TỔ QUỐC GHI CÔNG” treo trên vách tường cạnh tấm ảnh của Tâm tặng cho Thoa ngày hai người yêu nhau được phóng to.
Năm tháng dần dà trôi, bà Mùi vẫn nuôi hy vọng con bà đánh trận bị thương mất trí nhớ lưu lạc ở đâu đó được người dân cưu mang. Rồi có một ngày Tâm phục hồi sức khỏe chợt trở về. Bà thường gặp con trong giấc mơ. Nó rắn rỏi, mắt nhìn cương nghị khẽ nói với bà: “Nay mai con sẽ về với mẹ, với Thoa. Con nhớ mẹ và cô ấy nhiều lắm! Mẹ ráng chờ con, mẹ nhé!”.
Đôi lần bà Mùi giật mình choàng dậy nhìn lên di ảnh, nước mắt như hạt thủy tinh lăn xuống đôi gò má hóp háp, nhăn nheo. Thoa giờ đã là gái lỡ thì trên năm mươi hễ rảnh việc là đến thăm bà Mùi. Một hôm bà Mùi cầm gói giấy trao cho Thoa, giọng trầm đục: “Thằng Tâm giao cho bác giữ cái này, giờ bác trả lại cho con. Con coi ai vừa ý thì lấy làm chồng đi chứ thằng Tâm chắc không trở về đâu con!”. Bàn tay Thoa run run mở từng lớp giấy. Lọn tóc còn xanh hiện ra. Cô bật khóc. Bà Mùi khóc theo. Hai người đàn bà ôm nhau khóc.
*
* *
Chiếc xe ô tô hiệu Mercedes màu đen bóng lộn từ từ dừng lại ở ngã tư. Từ trên xe bước xuống là người đàn ông luống tuổi mặc bộ comple trắng, tóc chải ngược ra sau ót, để lộ vầng trán cao đảo mắt một vòng như muốn kiếm tìm cái gì đó hồi lâu. Ông ta nói nhỏ với gã tài xế: “Cháu bước qua phía bên kia đường hỏi người đàn bà bán hàng tạp hóa xem chỗ này có phải là ngã tư chòi Mồng không nhé!”.
Người đàn ông châm lửa đốt thuốc lá rít một hơi dài phả khói thành những ngụm nhỏ ra chiều suy nghĩ mông lung. Tích tắc gã tài xế quay lại với vẻ mặt cau có: “Đúng là ngã tư chòi Mồng chú ạ! Cháu hỏi thăm chút xíu mà cô bán hàng cứ nhìn cháu chòng chọc thật khó chịu!”. Gã đàn ông cười khinh khỉnh: “Biết được đây là ngã tư chòi Mồng là vui rồi, hơi đâu để ý đến thái độ bà ta làm gì.”.
Vài người nhà ở gần đó bước ra ngõ nhìn kẻ lạ. Có một người tỏ ra thạo tin: “Ông Năm Rô về thăm quê. Ngày xưa ông ta làm mưa làm gió ở cái làng Hạ này, giờ trở lại không biết tìm ai”. Ngay khi ấy bà Mùi và chị Thoa từ quán tạp hóa bước về phía chiếc Mercedes. Gã đàn ông nhìn sững sờ, hấp tấp bước vào xe dập cửa hối tài xế phóng như ma đuổi.