Hơn 400 trang sách, gấp lại rồi mà bóng dáng ngọn linh sơn cùng những phận người trôi dạt vẫn không thôi ám ảnh. Đó là cảm giác của tôi khi đọc tiểu thuyết “Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng” của Hồ Tấn Vũ do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành mới đây.
Dù rằng trước đó tôi đã từng đọc những truyện ngắn của Hồ Tấn Vũ in rải rác trên các báo Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Lao Động… nhưng đến tiểu thuyết này tôi mới ngạc nhiên về đam mê và bút lực của anh.
Hóa vàng cho ký ức
Là nhà báo của báo Tuổi Trẻ, gánh vác trách nhiệm của Văn phòng đại diện tờ báo ở khu vực, vậy mà Hồ Tấn Vũ vẫn miệt mài đan chữ trên giấy trắng. Gần 1,4 vạn chữ cho một cuốn tiểu thuyết đầu tay là công việc chẳng phải dễ dàng, ngay cả đối với một nhà văn chuyên nghiệp. Vậy mà Vũ đã viết và có thể khẳng định, đã thành công bước đầu.
Hồ Tấn Vũ sinh năm 1978, tốt nghiệp đại học ngành kinh tế nhưng rồi đam mê viết lách đã dẫn lối anh sang nghề báo. Quê ở Nông Sơn, tuổi trẻ nghèo khó của anh gắn bó với ngọn núi Cà Tang huyền thoại.
Anh đã lăn lộn với những nghề nhọc nhằn như chăn trâu, làm rẫy, đãi vàng… để mưu sinh trước khi rời quê nhà bước chân ra chốn thị thành. Đó là vốn sống, trải nghiệm để Hồ Tấn Vũ nghiền ngẫm, nhận ra những “bài học nông thôn” (Nguyễn Huy Thiệp), đưa vào trang sách như một thực chứng của đời sống cá nhân.
Toàn bộ tiểu thuyết là sự xâu chuỗi các sự kiện, nhân vật bước ra từ làng Hạ, đan xen trong những không gian của núi rừng mờ sương, hầm vàng, phố thị, ra đến đại dương. Những nhân vật rất gần gũi như người đọc có thể nhìn thấy đâu đó, tưởng đã hiểu hết, nhưng hóa ra còn những ẩn chìm suy tư khiến người đọc phải giật mình.
Tôi quen và chơi với Hồ Tấn Vũ chưa lâu lắm nhưng đủ để nhận ra anh là người đa tài, đa mang. Cũng chưa thật thâm tình nhưng đủ để thấy Vũ là người theo đuổi những đam mê như hành trình đến với chữ nghĩa hay âm nhạc.
Và trên cả, Vũ luôn quay quắt với làng quê nghèo, với gia đình, dòng tộc, bà con láng giềng nơi anh sinh ra. Thì vậy, nên ở đâu, Vũ cũng nghiêng phía tâm hồn của mình về ký ức, sẵn sàng vong thân và hóa vàng ký ức cho riêng mình.
Linh sơn huyền thoại
Gấp lại trang cuối cùng tiểu thuyết đầu tay “Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng” của Hồ Tấn Vũ, tôi hầu như đã quên đi tất cả. Không còn nhớ tới những cheo leo hải hồ chốn rừng sâu núi thẳm đến đại dương mênh mông; cũng không nhớ lắm cuộc đời của Tấn - nhân vật chính đã bươn bả phần đời tuổi trẻ trước khi tự mình giải thoát hay những số phận lạ lùng, cái chết ám ảnh của ông Liên, anh Hiệp, già Nhân…
Trải dài nhiều không gian, thời gian qua các phần: Gió qua làng Hạ (8 chương), Vũ điệu dưới hầm sâu (19 chương), Quần đảo lạc loài (5 chương), tôi chỉ kịp nhìn ra nhân ảnh của nhiều người với sự tồn tại hiển nhiên và vô lý, giữa tồn tại và ước vọng, giữa trần trụi và văn minh, giữa thong dong và nguy khốn.
Chơi và hiểu, tôi tin nhân vật chính trong tiểu thuyết tên Tấn chính là Vũ (một phần trong bút danh Hồ Tấn Vũ). Rồi tôi sẽ nhớ nhân vật này như là Vũ, sinh ra ở ngôi làng dưới chân núi Chúa, nơi anh nhìn lên đỉnh núi để thấy: Ngôi làng luôn bị lãng quên dù là ai cai quản.
Linh sơn có thật và cũng là ảo ảnh (theo cách nói của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) vì nó tượng trưng cho những gì thiêng liêng và bất khả, đầy dục vọng để rồi đánh mất chỉ dấu.
Việc nhìn thấy và tìm kiếm linh sơn cho mỗi người là hành trình đi ngang cõi nhân sinh để rồi nhận ra: Cũng như cánh rừng nó đi qua, có những mảng rừng xanh tốt và có những nơi còi cọc. Có những cây thuốc quý nhưng cũng có những loài độc dược chung sống. Có những con vật hiền lành, cũng có những loài hung dữ. Rắn rít sống chung cùng bầy chim công, chim chích. Cuộc sống là như vậy! (Trích tiểu thuyết).
Câu hỏi đầu tiên, cuối cùng và duy nhất của cuốn tiểu thuyết là tại sao nhân vật chính và kể cả chúng ta, không thể tìm thấy linh sơn huyền thoại của đời mình.
Hồ Tấn Vũ đã nói nhiều, bằng cách kể lại câu chuyện dài hàng trăm trang. Nhưng với tôi, tác giả đã mơ hồ trả lời ở cuối cuốn sách này, đó chính làn sương Vô minh: Ngôi làng xinh đẹp nép ven sông, nơi cánh đồng ngát hương lúa chạy dọc rồi ôm trọn đỉnh núi cao vờn mây. Lẽ ra nơi ấy hồn người phải thảnh thơi như sương núi kia và hiền hòa như hương lúa, nhưng tại sao? Tại sao những bước chân nơi này luôn chậm nhịp?
Có phải do tâm hồn họ không để ý đến bàn chân đi vào thời cuộc? “Mắt người làng cứ mãi ngắm đỉnh núi cao mờ sương phủ. Phải rồi, tất cả tại lớp sương che. Tại cái đỉnh núi xa mờ đầy huyền ảo đó. Nó là thủ phạm chứ không ai khác. Nó là tất cả những nguyên nhân của tai ương giáng xuống mảnh đất này. Tất cả tại lớp sương che. Đúng rồi, tại vì đỉnh núi mờ sương… (Trích tiểu thuyết).
Tôi đã may mắn về thăm quê hương của tác giả Hồ Tấn Vũ. Nâng chén rượu trên tay nhìn sông Thu phía thượng nguồn với thăm thẳm Hòn Kẽm Đá Dừng chất chứa linh thiêng, rồi ngẩng đầu thấy sương phủ mờ những cánh rừng và mây trắng vần vũ trên đỉnh ngọn Cà Tang mà lòng rưng rưng cảm khái. Bóng linh sơn tràn vào chén rượu trên tay tôi.
Nói gì thêm nữa cũng thừa. Tôi tin khi Hồ Tấn Vũ biết bóc tách cuộc sống theo các tầng nghĩa nhân sinh, theo những gì Vũ từng trải nghiệm thì tiểu thuyết đầu tay “Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng” đáng để bạn đọc hy vọng và chờ đợi một bút lực mạnh mẽ của dòng văn chương thế sự.