Chiến trường Khu 5 - đặc biệt vùng đất Quảng Nam gắn với tên tuổi của nhiều nhà văn sống, chiến đấu cho công cuộc giải phóng đất nước; nhiều nhà văn đã ngã xuống nhưng tác phẩm văn học cách mạng vẫn còn mãi với thời gian…
Thôi thúc từ trái tim
Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, chiến trường Khu 5 - Quảng Nam hội tụ văn nghệ sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng.
Từ trong bom đạn, nhiều tác phẩm văn học đỉnh cao ra đời, được công chúng đón nhận. Cùng với đó, là lớp nhà văn chiến trường quen tên với độc giả cả nước, đó là Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Vũ Hạnh, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Khắc Phục, Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Cao Duy Thảo, Nguyễn Bảo, Trung Trung Đỉnh, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm… và còn nhiều nữa.
Trong số các nhà văn nêu trên, điều đặc biệt nhất, nhà văn Phan Tứ có đến hai lần đi B: tháng 5/1961 và tháng 12/1974. Với hai lần đi B, vùng văn học xứ Quảng in dấu sâu đậm trong sáng tác của ông với “Gia đình má Bảy”, “Mẫn và tôi”, “Về làng”…
Nhà văn Nguyên Ngọc trong “Chiến trường những năm ấy sống và viết” đã chia sẻ cảm xúc đi B: “Phan Tứ đi năm 1961, chúng tôi biết, tôi không còn nhớ rõ bằng nguồn nào. Cái tin ấy làm dấy lên trong chúng tôi nỗi thúc giục ghê gớm. Đối với riêng tôi, sự thúc giục ấy càng dữ dội hơn”.
Có lẽ, chính sự “thúc giục dữ dội” của tiếng gọi lên đường, năm 1962, Nguyên Ngọc trở lại chiến trường miền Nam, hoạt động chiến trường Liên khu 5, bút danh Nguyễn Trung Thành gắn với tác phẩm nổi tiếng “Rừng xà nu”, cùng nhiều tác phẩm “để đời” của ông như “Đất nước đứng lên”, “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”, “Mạch nước ngầm”…
Trong tập sách “Quảng Nam miền ký ức” của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nhà văn Nguyễn Bảo đã lý giải: Chính cái sự cam go ác liệt và cuộc chiến đấu oanh liệt của quân dân Quảng Nam là nguồn cảm hứng cho các nhà văn viết nên những tác phẩm nghệ thuật đầy hơi thở và sức sống của hiện thực.
Giai đoạn đầu là lớp nhà văn gạo cội, nổi tiếng cả nước gồm Nguyên Ngọc, Phan Tứ, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Vũ Hạnh… Lớp kế đến gồm nhà văn Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Khắc Phục… Những tác phẩm của Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ và Nguyễn Hồng chắc chắn sẽ là những đốm lửa tỏa sáng của nền văn học chiến tranh nước ta nếu bom đạm kẻ thù không lấy đi cả sinh mạng của họ…
“Vùng đất đã sinh ra tôi”…
Nhà văn Nguyễn Chí Trung đã nói như thế về những năm tháng ở chiến trường Khu 5 ác liệt. “Còn tôi, trong những năm tháng mới cầm bút, khi tôi về đất Quảng, tôi đã hiểu cuộc đời là thế nào, bởi vậy tôi cũng chưa hề có ý định lý giải về cuộc đời… Những trang viết đầu tiên của tôi là viết về nhân dân, người lính và nhân dân ở vùng đất Quảng này”.
“Bức thư làng Mực” nhà văn Nguyễn Chí Trung viết năm 1964 kể về ngôi làng của đồng bào dân tộc bên dòng sông A Vương kiên cường chống Mỹ: “Tiếng hú vang mãi như muốn nhờ cành cây, ngọn gió, nhờ con chim băng qua núi Giàng vượt qua dòng A Vương trả lời cái bức thư làng Mực vừa gửi đi tất cả mọi nơi… Ngày 25 tháng 5 năm 1962, làng Mực hạ được một chiếc máy bay Mỹ... Dân làng Mực báo tin cho các làng biết là: Bữa nay, dân làng Mực không sợ nữa”… Bức thư ấy đã để lại vết son trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Chí Trung, ghi dấu tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng bào vùng cao xứ Quảng.
Trong những năm tháng kháng chiến, điều kiện sáng tác vô cùng gian khó, hiểm nguy. Thế nhưng mỗi nhà văn chiến trường không vì thế mà gác bút, ngược lại cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị.
Lật giở từng trang nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong, càng khâm phục sức viết bền bỉ, không ngơi nghỉ, viết bất cứ khi nào có thể. “...Sắp đến mình sẽ đi công tác, mình nhận đi lại Quảng Đà, một nơi ác liệt nhất mình có thể hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm. Mình nghĩ đến điều này một cách nghiêm túc. Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý thì ba mình, nhất là mẹ sẽ đau khổ đến dường nào. Mình biết điều đó… Nhưng dầu thế nào mình cũng không xê dịch cái phương châm sống của mình. Dũng cảm, say sưa và quên mình như những chiến sĩ Cộng sản chân chính đi trước. Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ khi ta giành thắng lợi hoàn toàn, cũng hạnh phúc lắm thay!” (trích “Nhật ký Chu Cẩm Phong”).
Hẳn bạn đọc đều nghẹn lại khi đọc nhật ký của Anh hùng LLVT nhân dân Chu Cẩm Phong. Lý tưởng “dũng cảm - say sưa - quên mình” của chiến sĩ cộng sản lại được thắp lên khi quê hương tròn nửa thế kỷ độc lập. Suy cho cùng, dù thời chiến hay thời bình, ngọn lửa cách mạng phải được giữ ấm xuyên suốt, để lớp trẻ nhận chân giá trị của hòa bình, bước tiếp vào kỷ nguyên mới vươn mình. Giá trị của văn học cách mạng còn mãi với thời gian là vậy!