Nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn Đại Lộc đã tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chính sách xã hội để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn huyện Đại Lộc đã tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chính sách xã hội để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Anh Nguyễn Thành Đức (trú khu Nghĩa Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa) vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Đại Lộc để làm chuồng trại, trồng cỏ, mua bò giống về nuôi. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình anh từng bước thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Tương tự, gia đình anh Lê Văn Thạch (khu Nghĩa Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa) cũng là một điển hình về nỗ lực thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi. Gia đình anh Thạch thuộc hộ nghèo, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Khi được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách với lãi suất thấp, anh đầu tư vốn làm chuồng trại, trồng cỏ và mua bò giống thả nuôi. Từ một con bò giống ban đầu, đến nay anh Thạch đã duy trì được đàn bò 3 con, có sinh kế ổn định.
Không chỉ hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay chính sách để thoát nghèo, Ngân hàng CSXH huyện Đại Lộc còn hỗ trợ cho các cá nhân/hộ gia đình có điều kiện triển khai các mô hình/dự án phát triển sản xuất nhỏ và vừa từ “đòn bẫy” vốn vay chính sách.
Anh Võ Xuân Quâng (thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong) cũng được hỗ trợ vay gần 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH với nội dung hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để đầu tư sản xuất đũa ăn. Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ cung ứng tại địa phương, anh Quâng đã có điều kiện mua sắm thêm máy móc, nâng cao năng lực sản xuất đũa, tiến tới bỏ mối sỉ cho tiểu thương, đại lý tại các chợ trong và ngoài huyện Đại Lộc và TP. Đà Nẵng. Cơ sở của anh Quâng không ngừng phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương.
Bà Lê Thị Xuân Trang - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Đại Lộc chia sẻ, nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện là một trong những kênh tín dụng ưu đãi thiết thực, đa dạng với nhiều chương trình cho vay, đáp ứng cho nhiều đối tượng, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách.
Từ đó, giúp người dân có vốn để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Từ thực tiễn, nhiều mô hình kinh tế gia trại chăn nuôi, hộ chăn nuôi cá thể, hộ sản xuất kinh doanh… đã được hình thành từ “bệ đỡ” vốn vay chính sách.
Theo Ngân hàng CSXH huyện Đại Lộc, năm 2024, nguồn vốn tín dụng CSXH hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho 3.699 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngoài ra, hỗ trợ vay ưu đãi xây dựng, cải tạo gần 2.076 công trình nước sạch vệ sinh; xây dựng 2 ngôi nhà ở xã hội cho các đối tượng; tạo điều kiện cho 14 lao động tái hòa nhập cộng đồng... Năm 2024, doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH huyện Đại Lộc đạt hơn 176,3 tỷ đồng. Hiện tổng dư nợ đạt hơn 487,1 tỷ đồng, tăng hơn 42,3 tỷ đồng so đầu năm 2024.