Văn hóa

Vòng tròn bản sắc Việt...

XUÂN HIỀN 14/09/2024 13:46

(VHQN) - Họ đã lựa chọn những gì đẹp nhất của đất mẹ để làm nghệ thuật. Có câu chuyện khởi đi từ những mất mát mơ hồ của nghề truyền thống. Cũng có những chuyện “tái sinh” từ hàng trăm cuộc giao thoa. Và điểm gặp nhau, luôn gọi tên bằng bản sắc Việt.

cac-dien-vien-nam-trinh-dien-mua-cung-trong-trong-mot-phan-doan-trong-vo-rom.-anh_-daingo-studio.jpg
Các diễn viên nam trình diễn múa cùng trống trong một phân đoạn của vở “Rơm”. Ảnh: DaiNgo Studio

Đồng hiện một cánh đồng xa

Vở múa đương đại “Rơm” vừa chính thức ra mắt tại Hội An với sự tròn đầy của cảm xúc và nghệ thuật, ghi dấu ấn cho cái tên Tấn Lộc, Đức Trí. Từ “Rơm”, công chúng Việt Nam biết đến những kết giao giữa nghệ thuật múa đương đại và thiên nhiên, với sân khấu là mênh mông đường chân trời giữa tiếng rì rào của sóng lúa.

“Rơm” - ngay từ tên gọi đã mộc mạc gợi thức lại trong hun hút đời sống một niềm suy tư về phận người. Ụ rơm sân nhà chưa bao giờ tách rời trong cảm thức về làng Việt. Có thể giữa trời lưu lạc nào đó, một ngọn khói chiều từ đồng xa đủ gợi những mất mát mơ hồ. Khói và rơm, như hai cặp phạm trù tương hỗ để tạo nên cuộc giao thoa chạm đến cảm xúc.

Xuyên suốt các vở múa đương đại từ biên đạo Nguyễn Tấn Lộc, là dòng chảy của văn hóa Việt. Hay đúng hơn, đó là cuộc “truy nguyên bản sắc” chưa bao giờ dừng lại ở những người luôn đau đáu tinh thần dân tộc. Nghệ thuật thị giác không chỉ khiến người ta xúc động bởi hình ảnh, âm thanh mà còn cả tầng nấc suy tư trong từng đường nét, thể điệu.

bien-dao-mua-tran-van-thinh-va-vai-dien-cua-anh-trong-rom.-anh_-daingo-studio.jpg
Biên đạo múa Trần Văn Thịnh và vai diễn của anh trong “Rơm”. Ảnh: DaiNgo Studio

Giữa cánh đồng với nắng chiều dần tắt, những sợi rơm quấn thành hình khối, khi mỏng manh, khi chặt cứng. Âm nhạc của Đức Trí bao giờ cũng mang màu sắc của dân gian, khi lạ khi quen nhưng chưa từng gây nhàm chán. Ở “Rơm”, anh thỏa sức mang theo đồng quê Việt trong ký ức của mình bằng những giai điệu của miền Trung, Nam Bộ hay phảng phất đồng bằng Bắc Bộ với tiếng trống, sáo, đàn cò...

Xem “Rơm”, đồng hiện trong mỗi người về một cánh đồng làng xa...

Cuộc trở về

Năm 2020, một nhóm người thợ đan lát tuổi ngoài 70 ở đầu nguồn Thu Bồn, có chuyến vào Sài Gòn. Lần đầu tiên, những lão nông - thợ rừng lịch thiệp áo quần đi dự triển lãm. Họ không được phong nghệ nhân, nhưng suốt 3 năm liền, họ cùng họa sĩ Trung Nghĩa chuyên chú sáng tạo để hoàn thành 10 tác phẩm nghệ thuật từ nan tre và dầu rái, trong bộ sưu tập mang tên “Nát giỏ còn bờ tre”. Trung Nghĩa đã mượn tre để nói về thiên nhiên, mượn những người thợ già để nói về con người. Tất cả như sự khơi mở về ký ức dân tộc, một suy tưởng về đời sống đương đại.

Bản sắc chính là ý tưởng mở đầu và sẽ không bao giờ khép lại với những đau đáu nghệ thuật từ mỗi con người yêu quê hương mình. Bằng phương thức nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ can dự vào đời sống xã hội, cất lên tiếng nói tự hào về dân tộc từ chính ngôn ngữ thế mạnh của mình. Trung Nghĩa, Nguyễn Tấn Lộc hay rất nhiều nghệ sĩ đương đại khác, họ đang làm theo điều tự nhiên nhất của lòng mình.

Trong vòng tròn bản sắc, cuộc tìm về giá trị dân tộc còn có những kiên định từ phía người làm nghề truyền thống. Nếu nghệ sĩ đọc vị đời sống bằng những mất mát của quá khứ và cố níu kéo chúng thì người sống bằng hơi thở của nghề truyền thống, từ trong vô thức, đã giữ nghề qua những rủi may của số phận. Tất nhiên, dù bao phen bị vùi dập, lớp con cháu nối tiếp cha ông cứ vậy theo nghề. Chính sợi dây ràng rịt vô hình từ nhịp sống ngàn đời đã khiến họ làm nghề như lẽ tự nhiên.

Người ta giải mã tinh thần văn hóa của những làng nghề truyền thống trăm năm của xứ Quảng, chính ở cái lẽ thuận tự nhiên của đó. Sử dụng nguyên liệu của tự nhiên, và “phải phép” với tự nhiên. Hơn thế, người ở làng nghề coi trọng tổ tiên, dòng họ. Giữa những cuộc “giao thoa văn hóa”, may thay, bản ngã của người làm nghề thủ công đủ mạnh để không bị chạm lấn quá nhiều.

Sự thuần khiết của gốm đỏ Thanh Hà hay cái cầu kỳ của màu men gốm mới từ những người trẻ tuổi làm nghề, chung quy lại, cũng đều để giữ cho con đất Thu Bồn tên gọi một làng gốm cổ. Những phù điêu chạm trổ tế vi từ phường thợ mộc Kim Bồng, mối kết giao duy nhất, cũng đều bắt nguồn từ nguyên tắc chạm tay vào những đầu hồi, trỏng bí... trong những công trình linh thiêng.

Tôi đã ngồi nghe hàng giờ liền câu chuyện của những nghệ nhân già lẫn trẻ. Luôn có tín hiệu cho một cuộc trở về, lạ thay!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vòng tròn bản sắc Việt...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO