Vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ Phượng: Do nhiễm khuẩn Salmonella và Bacillus cereus

XUÂN HIỀN 21/09/2023 18:12

(QNO) - Chiều 21/9, ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, Viện Pasteur Nha Trang đã có kết quả kiểm nghiệm 12 mẫu thực phẩm và 1 mẫu phân liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tập thể sau khi ăn bánh mỳ Phượng Hội An. 

Trong số 12 mẫu thực phẩm, có đến 7 mẫu thực phẩm nhiễm các vi khuẩn gây ngộ độc. Ảnh; Sở Y tế cung cấp.
Trong số 12 mẫu thực phẩm, có đến 7 mẫu thực phẩm nhiễm các vi khuẩn gây ngộ độc. Ảnh: Sở Y tế cung cấp.

Kết quả từ Viện Pasteur cho thấy, cả mẫu phân và một số mẫu thực phẩm bao gồm thịt heo xíu (hai mẫu được lấy trong 2 ngày 11 và 12/9), rau xà lách, rau hành dưa leo, xíu mại đều phát hiện dương tính với vi khuẩn Salmonella.

Cùng với vi khuẩn Salmonella, trong số 12 mẫu thực phẩm được đưa đi kiểm nghiệm thì có đến 7 mẫu thực phẩm nhiễm thêm vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm khác là Bacillus cereus..

Cụ thể: trong mẫu chả heo phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE và HBL; trong mẫu rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo, phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE. Mẫu xíu mại phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE; thịt heo, xíu mại phát hiện Salmonella.

Theo các bác sĩ, vi khuẩn Bacillus cereus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, xếp sau Salmonella. Bacillus cereus phổ biến trong môi trường, trong phân, đất nên dễ bị nhiễm vào thực phẩm. Khuẩn này có khả năng tồn tại ở dạng bào tử và đề kháng với nhiệt cao. 

Thực phẩm chứa độc tố của vi khuẩn này thường gây hai dạng ngộ độc. Dạng thứ nhất, độc tố gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khởi phát nhanh trong vòng 6 giờ sau khi ăn. Dạng thứ hai xảy ra chậm hơn, từ 6 đến 15 giờ, gây tiêu chảy khi vi khuẩn ở trong đường ruột.

Bên cạnh đó, vi khuẩn Salmonella là loại vi khuẩn gây tiêu chảy cấp tính có liên quan đến ngộ độc thực phẩm. Tác nhân gây ngộ độc thực phẩm Salmonella thường là do gà hoặc gia cầm khác chưa nấu chín; trứng chưa nấu chín; sữa hoặc nước trái cây không tiệt khuẩn; trái cây, rau quả bị ô nhiễm.

Được biết, khuẩn Salmonella được tìm thấy ở nhiều loại thực phẩm, bao gồm thịt gà, gà tây, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau mầm, các loại rau khác và thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như bơ hạt, bánh nướng đông lạnh...

Bất cứ nguồn thực phẩm tươi sống nào có nguồn gốc động vật như thịt gia súc, gia cầm, các sản phẩm bơ sữa, trứng và hải sản và một số loại trái cây, rau quả đều có thể bị nhiễm Salmonella. Do vậy, ngành y tế khuyến cáo người dân nên tránh ăn những loại thịt gia súc, gia cầm hay trứng sống hoặc chưa được nấu chín, các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ Phượng: Do nhiễm khuẩn Salmonella và Bacillus cereus
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO