Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Thứ Hai, 24/02/2025
(QNO) - Nông thôn mới đã chạm đến từng nếp nhà ngõ xóm, làm khởi sắc diện mạo ở 7 xã vùng B Đại Lộc sau nửa thế kỷ xây dựng quê hương. Thành quả này có được từ những chủ trương sát đúng, được nhân dân đồng thuận cao.
Thênh thang đường mới
Tuyến đường ĐX2-ĐL dẫn vào thôn Phú Phước (xã Đại Minh) đã được bê tông hoá từ khá sớm, song mặt đường chỉ rộng 3 mét, không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, lại bị lũy tre làng che khuất tầm nhìn đến hàng chục mét. Vào mùa mưa, tre ngã đổ cản trở giao thông và nguy hiểm cho người đi đường.
Ông Võ Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết, những lũy tre này không có chức năng chống sạt lở ở khu vực này, song đã có tuổi đời vài chục năm, được người dân gìn giữ, bảo vệ, trở thành biểu tượng văn hoá của làng Phú Phước gắn với lịch sử địa phương. Trước yêu cầu phát triển, chính quyền địa phương quyết tâm phương phá tre để mở đường.
Bằng các giải pháp tuyên truyền, vận động linh hoạt, người dân không chỉ đồng thuận mà còn đóng góp thêm hàng chục ngày công để làm đường. Đáng chú ý, sau khi tuyến đường hoàn thiện, người dân tích cực xây dựng tường rào, cổng ngõ sạch đẹp khang trang. Đồng thời cùng tham gia dọn vệ sinh, chăm sóc, bảo vệ hàng hoa ban được trồng dọc tuyến đường, góp phần thay đổi diện mạo cho thôn Phú Phước.
Thấy hiệu quả của xây dựng nông thôn mới, người dân ở các tuyến đường ngang nối ĐX2-ĐL hưởng ứng chủ trương hiến đất mở đường từ 3 mét lên 5,5 mét. Tiên phong là gần 40 người dân thuộc tuyến đường số 9. Ông Đào Thanh Vân cho biết, đường bê tông số 9 này đã xây dựng hơn 10 năm, nhiều đoạn xuống cấp. Vào mùa mưa, phía đầu đường bị ngập úng do không có hệ thống thoát nước ảnh hưởng đi lại của người dân.
“Khi địa phương có chủ trương mở đường, gần 40 hộ dân tình nguyện tháo dỡ di dời tường rào cổng ngõ vào bên trong ít nhất 1 mét. Riêng nhà tôi tháo dỡ hàng rào, dời vào hơn 1,6 mét và đã xây dựng hàng rào mới cách đây vài tuần. Vui nhất là đường hoàn thiện trước tết, người dân đi lại thuận tiện, diện mạo khu dân cư thêm sạch đẹp khang trang, góp phần nâng cao tiêu chí xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến về đích xã nông thôn mới nâng cao” - ông Vân nói.
[VIDEO] - Người dân thôn Phú Phước, xã Đại Minh hiến đất, mở đường:
Với xã Đại Thắng, giai đoạn xây dựng xã nông thôn mới từ 2011-2017, người dân đã hiến 12.000m2 đất và di dời 75 tường rào, cổng ngõ để bê tông hoá các tuyến đường. Tiếp đó, giai đoạn xây dựng xã nông thôn mới nâng cao 2017-2023, chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân hiến hơn 10.0002 đất cùng hàng trăm tường rào, cổng ngõ, vật kiến trúc để mở rộng các tuyến đường, xây dựng các công trình dân sinh.
Ông Trần Công Phụng - Chủ tịch UBND xã Đại Thắng cho biết, với sự đồng thuận cao của người dân trong xây dựng nông thôn mới giúp địa phương đầu tư, hoàn thiện 27 tuyến ĐX và trục đường thôn với tổng chiều dài hơn 10,5km. Đáng chú ý, dọc tuyến ĐH chiều dài hơn 10km, người dân tình nguyện đóng kinh phí hằng tháng để nộp tiền điện đường sau khi UBND huyện đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng.
Việc đồng bộ hạ tầng giao thông trên địa bàn 2 xã trung tâm của vùng B là Đại Thắng và Đại Minh đã khớp nối với các tuyến ĐH, ĐT609C và các công trình cầu Sông Thu, cầu An Bình đang xây dựng, mở ra cơ hội kết nối liên vùng, tạo bước bức phá cho kinh tế - xã hội địa phương. Minh chứng là tỷ lệ thương mại dịch vụ của Đại Minh chiếm khoảng 45% tổng giá trị sản xuất.
Còn trên địa bàn xã Đại Thắng, năm 2024 tiếp tục hình thành gần 60 cơ sở thương mại, dịch vụ, đã kết hợp với công trình y tế, văn hoá, giáo dục do nhà nước đầu tư… hình thành khu vực sầm uất ngay trung tâm xã.
Người dân cao thu nhập
Trong lộ trình xây dựng huyện nông thôn Đại Lộc thì Đại Chánh và Đại Tân là 2 xã cuối cùng sắp cán đích nông thôn mới. Đến cuối năm 2024, Đại Chánh đã được công nhận xã nông thôn mới, còn Đại Tân cũng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Đây là nỗ lực rất lớn khi 2 địa phương này đều có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống người dân khó khăn, chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp.
Bắt tay từ tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân, xã Đại Chánh tập trung tạo việc làm tại chỗ, duy trì các cơ sở, ngành nghề sản xuất hiệu quả. Đồng thời định hướng người dân tham gia liên kết sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, phát triển trồng rừng kết hợp chăn nuôi... Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 35 mô hình kinh tế vườn và 8 mô hình chăn nuôi; tạo chuỗi liên kết sản xuất lúa giống với 300 hộ dân trên diện tích gieo trồng là 52ha. Đến cuối năm 2024, xã Đại Chánh không còn hộ nghèo (trừ đối tượng bảo trợ xã hội), thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 51 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thế Đức - Chủ tịch UBND xã Đại Tân cho biết, nông lâm nghiệp là kinh tế mũi nhọn, trong đó, keo là cây chủ lực với tổng diện tích 825ha. Để nâng cao giá trị cây trồng, địa phương đã vận động chuyển đổi cơ cấu 15ha cây trồng trên diện tích đất một vụ. Cạnh đó, vận động người dân tham gia xây dựng các mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh. Đến nay, thôn Nam Phước phát triển các mô hình trồng bưởi, vú sữa; thôn An Chánh hình thành nhiều vườn ổi, mít mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đáng chú ý, Đại Tân đã có 3 trang trại tổng hợp quy mô lớn và 1 hợp tác xã chủ trì liên kết sản xuất lúa giống với các doanh nghiệp, người dân. Đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 50 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,8%.
Ở vùng B Đại Lộc, điển hình trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân là xã Đại Thắng, với việc tạo liên kết sản xuất các loại cây trồng. Ông Hoàng Trung Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Thắng cho biết, đơn vị đã tạo liên kết sản xuất lúa giống với 1.000 hộ trên diện tích 175ha. Tham gia liên kết, HTX sẽ hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngay vào đầu vụ. Trong quá trình sản xuất, diện tích có sâu bệnh thì HTX sẽ hướng dẫn kỹ thuật để phòng trừ. Và vào cuối vụ, toàn bộ lúa của người dân sẽ được thu mua với giá ổn định. Ước tính, thu nhập trung bình mỗi năm tăng 1,4 lần trên cùng đơn vị diện tích so với trước khi liên kết.
[VIDEO] - Mô hình liên kết sản xuất của xã Đại Thắng:
Ngoài ra, HTX còn liên kết sản xuất 14ha ngô lai và 7ha đậu phụng, mè. Trong đó, diện tích liên kết trồng đậu phụng, mè đã đạt các chứng nhận hữu cơ quốc tế Mỹ, Liên minh EU, Nhật Bản. Điều quan trọng, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống sang sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ, an toàn và bền vững.
Thông qua liên kết chuỗi, thu nhập người dân tăng gấp 2, gấp 3 lần so với trước đây, thậm chí có hộ thu nhập trên 200 triệu đồng từ nông nghiệp. HTX đang định hướng vụ đông xuân sẽ sản xuất lúa giống, vụ hè thu sản xuất gạo an toàn và tiếp tục tăng diện tích liên kết trên đất màu. Qua đó, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Ông Hoàng Trung Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Thắng
Ông Trần Công Phụng - Chủ tịch UBND xã Đại Thắng cho biết, mục tiêu hướng đến của nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Khi dân giàu thì địa phương mạnh và phát triển. Rõ nhất, từ điểm xuất phát xây dựng nông thôn mới vào năm 2011 thì thu nhập bình quân đầu người chỉ 11,5 triệu đồng, đến nay đã tăng lên 60,5 triệu đồng. Đây là tiền đề quan trọng để Đại Thắng phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
* * *
Định hướng đúng, phát huy sức mạnh trong nhân dân, cùng sự đoàn kết, sáng tạo, cần mẫn, chính quyền và người dân các xã vùng B Đại Lộc đã đi lên bền vững, nâng cao thu nhập và mức sống. Hi vọng xứ Quảng ngày càng có nhiều vùng quê giàu đẹp như vùng B Đại Lộc.