Nhờ chú trọng quảng bá, nhiều sản phẩm, hàng hóa “made in Quảng Nam” đã vươn xa trên thị trường.
Đầu tư bài bản
Khuyến khích tiêu dùng hàng hóa Quảng Nam
Để thúc đẩy lưu thông, cung ứng hàng hóa “made in Quảng Nam” đến người tiêu dùng, UBND tỉnh đã định hướng ưu tiên sử dụng hàng Việt, khuyến khích sử dụng các hàng hóa nông sản, sản phẩm chế biến, đặc sắc tại địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất đẩy mạnh sản xuất, chế biến, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng qua các hội chợ thương mại, chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại. Ở các phiên chợ, hội chợ, nhất là tại vùng cao, dễ nhận thấy sự háo hức mua sắm của người dân. Nhờ đó, tâm lý tiêu dùng hàng nội trở thành thói quen của người dân.
Bánh tổ là món ăn truyền thống của người Việt, nhất là các dịp giỗ chạp, lễ tết. “Hiền Phạm” (khối phố Đoan Trai, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) là một trong những cơ sở sản xuất, chế biến bánh tổ đã khẳng định vị thế trên thị trường. Người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng bánh tổ “Hiền Phạm” nhờ có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo lại thêm mẫu mã, bao bì bắt mắt.
Bà Phạm Thị Thu Hiền - chủ cơ sở bánh tổ “Hiền Phạm” cho biết, sản phẩm ra đời trên cơ sở kế thừa danh tiếng của bánh tổ “bà Ba Hội” vừa mạnh dạn tìm hướng đi khác với quyết tâm chinh phục thị trường bằng ý tưởng sáng tạo mới. Cuối năm, dịp tết, bánh tổ “Hiền Phạm” cung cấp ra thị trường lượng sản phẩm gấp 3 lần ngày thường, từ 1.500 bánh lên gần 5.000 bánh, ở khắp thị trường Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Nhờ đăng ký mã vạch, mã QR Code nên bánh tổ “Hiền Phạm” giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
“Thị trường rất khắt khe nên muốn sản phẩm có chỗ đứng vững chắc, chúng tôi đã thận trọng lựa chọn nguyên liệu là nếp bầu Tam Mỹ (Núi Thành). Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất nên sản phẩm có thời hạn sử dụng đến 30 ngày. Đó là cơ sở để chúng tôi đưa bánh tổ “Hiền Phạm” vươn đến các thị trường trong phạm vi cả nước” - bà Hiền nói.
Thịt heo dầm nước mắm là món ăn quen thuộc của người dân xứ Quảng, nhất là vào dịp tết. Bởi vậy, vào những ngày này, cơ sở chế biến thịt heo dầm nước mắm “Bà Ba Thê” (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) khẩn trương chế biến sản phẩm để đáp ứng các đơn hàng trong và ngoài tỉnh.
Bà Đoàn Thị Hà - chủ cơ sở chế biến thịt heo dầm nước mắm “Bà Ba Thê” cho biết, để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, cơ sở đã chọn nguồn nguyên liệu thịt heo thảo mộc được người dân nuôi trên địa bàn tỉnh kết hợp với thương hiệu nước mắm Ngọc Lan (xã Tam Thanh, Tam Kỳ). Khi chế biến, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, vừa khẳng định chất lượng sản phẩm vừa không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Mong muốn của cơ sở là tạo ra chuỗi liên kết sản xuất từ nguyên liệu đến chế biến, kết hợp với các dịch vụ bán hàng và tạo điểm đến tham quan kết hợp thưởng thức ẩm thực.
Chú trọng quảng bá
Thế mạnh của các sản phẩm, hàng hóa “made in Quảng Nam” là tiếp cận nhanh các nhà phân phối, chủ động về thị trường, nhất là ở các siêu thị. Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, đơn vị sẵn sàng làm “bệ đỡ” cho tất cả sản phẩm, hàng hóa “made in Quảng Nam” đảm bảo chất lượng, có hình thức đẹp, và nhất là truy xuất nguồn gốc. Vào dịp cuối năm, ngoài khuyến mãi, tri ân khách hàng, Co.opMart Tam Kỳ dành nhiều khu vực dễ nhìn trong siêu thị để quảng bá sản phẩm, hàng hóa đặc trưng xứ Quảng như bánh tổ, thịt heo, nước mắm, dầu phụng, thịt gà, trứng gà, bột ngũ cốc, phở sắn, bánh chưng, rau sạch...
Một ưu điểm khác của các sản phẩm, hàng hóa đặc trưng xứ Quảng là được tiếp sức quảng bá giới thiệu của nhiều ngành như nông nghiệp, công thương. Sau hội chợ cho các sản phẩm OCOP được Hội Nông dân Quảng Nam tổ chức ở Trung tâm Văn hóa tỉnh, đến lượt Sở Công Thương tổ chức bài bản, quy mô ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ với sự có mặt của hàng loạt nhà phân phối lớn như Big C, VinMart... Hiệu quả mang lại không chỉ là trưng bày, giới thiệu sản phẩm mà còn bán hàng, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các trung tâm phân phối hàng hóa ở nhiều tỉnh, thành cả nước.
Thời gian đến, Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) sẽ tổ chức, quy tụ các sản phẩm, hàng hóa xứ Quảng để tham gia nhiều hội chợ lớn trên phạm vi cả nước, như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế...
Ông Đinh Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu cho biết, bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng hóa đặc trưng của tỉnh là sau khi đầu tư lớn cho chất lượng thì chú trọng vào quảng bá sản phẩm, tạo thuận lợi nhất để tiếp cận khách hàng, người tiêu dùng. Bởi vậy, từ nay đến cuối năm, sẽ tổ chức nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo để người dân mua sắm, sử dụng hàng hóa “made in Quảng Nam” với giá phải chăng.