Phòng ngừa, giảm thiểu lao động sớm ở trẻ em

XUÂN HIỀN 14/07/2022 06:10

Một dự án nhằm giảm thiểu lao động sớm ở trẻ em cũng như bảo vệ trẻ khỏi các môi trường nguy hiểm, độc hại vừa khởi động tại TP.Tam Kỳ.

Tạo nhiều sân chơi lành mạnh sẽ góp phần bảo vệ trẻ thoát khỏi môi trường độc hại. TRONG ẢNH: Một cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi tổ chức tại làng sinh thái Hương Trà, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ. Ảnh: X.H
Tạo nhiều sân chơi lành mạnh sẽ góp phần bảo vệ trẻ thoát khỏi môi trường độc hại. TRONG ẢNH: Một cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi tổ chức tại làng sinh thái Hương Trà, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ. Ảnh: X.H

Dự án “Phòng chống các hình thức lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng, và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu” (gọi tắt Dự án ACE) do Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision International - WVI) tại Việt Nam tài trợ, với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Tại Quảng Nam, dự án chọn TP.Tam Kỳ để triển khai các hợp phần, bắt đầu từ tháng 4.2022 - 9.2024.

Cảnh báo gia tăng lao động trẻ em

Ông Doseba Tua Sinay - Trưởng đại diện Tổ chức WVI tại Việt Nam thông tin, trên toàn thế giới, năm 2020 có 160 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em và 79 triệu em đang làm những công việc nguy hiểm.

Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Tổ chức Lao động quốc tế cảnh báo ngay trong năm 2022, số lao động trẻ em trên toàn thế giới sẽ tăng lên thêm 8,9 triệu tức sẽ có 168,9 triệu trẻ em tham gia lao động.

Bộ LĐTB&XH vừa phát động triển khai “Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, Chương trình có 3 mục tiêu cốt lõi: ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp lao động trẻ em trái pháp luật và hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ; nâng cao nhận thức về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; nâng cao năng lực về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2018, cho thấy lao động trẻ em từ 5 - 17 tuổi là 1.031.944 em, chiếm 5,4% tổng dân số trẻ em từ 5 - 17 tuổi.

Trong số này, có đến 34,2% lao động trẻ em làm việc hơn 40 giờ một tuần và gần 50,4% lao động trẻ em phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Chưa kể, cuộc cách mạng công nghệ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam đã vô tình làm tăng tính dễ tổn thương của trẻ trước nguy cơ bị bóc lột và xâm hại trên không gian mạng.

Theo báo cáo của Bộ Công an, ở giai đoạn 2011 - 2015, có hơn 1.000 trẻ em trở thành nạn nhân của bóc lột tình dục.

Tại Quảng Nam, báo cáo từ Sở LĐTB&XH cho biết, toàn tỉnh có hơn 358 nghìn trẻ em, trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có khoảng hơn 17,8 nghìn trẻ em.

Số trẻ em này thường rơi vào những trường hợp là trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em sống trong các gia đình có vấn đề xã hội.

Ông Nguyễn Huy - Trưởng phòng Trẻ em và bình đẳng giới Sở LĐTBXH cho biết, dù đến nay Quảng Nam chưa phát hiện trẻ em tham gia lao động thuộc những ngành nghề trái với quy định của Luật Trẻ em, tuy nhiên nguy cơ vẫn hiển hiện.

Thời gian qua, tình hình tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn Quảng Nam vẫn rất phức tạp. Có thể kiểm đếm lại một vài con số, cụ thể trong năm 2021 Công an tỉnh đã khởi tố 37 vụ với 53 đối tượng, xử lý hành chính 137 vụ với 244 đối tượng, giao cho gia đình quản lý 62 em vì các hành vi cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy...

Số vụ việc vi phạm trong lứa tuổi trẻ chưa thành niên năm 2021 tăng 62 vụ so với năm 2020. Liên quan đến xâm hại trẻ em, năm 2021 lực lượng chức năng phát hiện 28 vụ với 39 đối tượng, có 35 trẻ em bị xâm hại...

Ngăn ngừa các hình thức lao động trẻ em

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Trưởng phòng LĐTB&XH TP.Tam Kỳ cho biết, thành phố có hơn 26 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 22% dân số. Trong số này, có 295 trẻ em thuộc diện hoàn cảnh đặc biệt và 1.186 em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Hầu hết số trẻ này đang học phổ thông, ngoài giờ học các em phụ giúp gia đình việc nhà, bán hàng tại gia đình, phụ quán cà phê, dệt chiếu, bán vé số trong dịp hè...

 

Ngoài ra, có một số trẻ em là người dân tộc thiểu số di cư cùng cha mẹ xuống Tam Kỳ đi làm tại khu công nghiệp. Theo bà Hiền, hiện nay TP.Tam Kỳ gặp khó ở việc quản lý, phát hiện, can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em lao động sớm chưa được rõ ràng.

Việc huy động nguồn lực và kinh phí đầu tư từ ngân sách cho công tác quản lý và bảo vệ trẻ em còn hạn chế cũng như đội ngũ cán bộ phụ trách công tác bảo vệ trẻ em ở cơ sở đều kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi. Ngoài ra, một số hộ gia đình ở địa phương khác đến tạm trú cho con em lang thang bán hàng rong làm ảnh hưởng đến công tác theo dõi, quản lý của địa phương.

Với mục tiêu tăng cường năng lực của tỉnh Quảng Nam nói chung và TP.Tam Kỳ nói riêng, dự án ACE kỳ vọng sẽ tăng cường việc thực thi các chính sách và khung pháp lý liên quan, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ cũng như tăng cường quan hệ đối tác để đẩy nhanh tiến độ xử lý và ngăn ngừa các hình thức lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu.

Bà Thân Thị Hà - Giám đốc Vận hành Tổ chức WVI chia sẻ, tổ chức này mong muốn tiếp tục chung tay cùng các đối tác để nỗ lực cải thiện hệ thống an sinh xã hội và bảo vệ trẻ em, giúp duy trì việc học của các em và đảm bảo sinh kế cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, hướng tới mục tiêu thoát nghèo.

Dự án sẽ triển khai 5 hợp phần bao gồm: nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, can thiệp tại cộng đồng, tăng cường quan hệ đối tác và tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em. Với việc xây dựng công cụ giám sát lao động trẻ em cũng như xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ cấp huyện... sẽ góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động sớm ở trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO