Thiệt hại ban đầu sau khi bão số 4 đổ bộ vào Quảng Nam

PV - CTV 28/09/2022 08:40

(QNO) - Bão số 4 đi vào địa phận Quảng Nam đã gây ra những thiệt hại ban đầu về tài sản. Sáng nay 28.9, người dân và chính quyền các địa phương bắt đầu công tác khắc phục hậu quả của bão.

Hàng loạt cây xanh ở Tam Kỳ ngã đổ. Ảnh: VINH ANH
Hàng loạt cây xanh ở Tam Kỳ ngã đổ. Ảnh: XUÂN HIỀN

* Huyện Nông Sơn có 2 người bị thương nhẹ; 4 nhà thiệt hại 50-70%, 13 nhà thiệt hại 30-50% và 15 nhà thiệt hại dưới 30%. Toàn huyện có 1ha mía bị ngã đổ, 3 tấn cá mè tại hồ Phước Bình bị thiệt hại nặng.

Tuyến ĐT 611 từ Quế Lộc đi trung tâm huyện ngập sâu trong nước. Ảnh Minh Thông
Tuyến ĐT611 từ xã Quế Lộc đi trung tâm huyện Nông Sơn ngập sâu trong nước. Ảnh: MINH THÔNG

Bão kèm mưa to cũng gây sạt lở đất tại Gành Dinh (xã Quế Lâm) với khối lượng 10mđất đá, sạt lở 2 vị trí tại tuyến đường đầu cầu treo đi Tứ Nhũ (Quế Lâm) với tổng khối lượng đất đá 80m3; có 3 trụ điện tại xã Ninh Phước ngã gãy và 1 trụ điện trung thế tại xã Quế Lâm có nguy cơ ngã.

Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết, mực nước sông Thu Bồn đang lên nhanh do xả lũ từ thượng nguồn và mưa lớn khiến nhiều vùng bị ngập sâu, chia cắt toàn bộ. Nhiều tuyến đường qua cầu Khe Sé, cầu Bến Đình, cầu Nà Manh, cầu Bà Quỳnh... cũng bị ngập khiến giao thông tê liệt.

* Ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết, địa phương có khoảng 20 nhà bị tốc mái và 2 nhà dân bị cây ngã đổ đè. Một số vị trí trên tuyến đường đi xã Trà Bui bị sạt lở; đường đi xã Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka, Trà Kót, Trà Nú bị xói lở. Một số trường học bị tốc mái, đất đá tràn lấp.

Mực nước sông Trường dâng cao gây chia cắt giao thông. Ảnh: CTV
Mực nước sông Trường dâng cao gây chia cắt giao thông. Ảnh: CTV

Các lực lượng liên quan đang tiếp tục chốt chặn, cảnh báo nguy hiểm tại một số vị trí xung yếu. Hiện mực nước sông Trường cao 2m, sông Nước Oa cao 1m gây chia cắt cục bộ.

* Huyện Nam Trà My thống kê đến 10 giờ ngày 28.9 có 60 nhà bị tốc mái và 1 nhà bị sạt lở phải di dời, ngoài ra có 3 điểm trường và 2 nhà văn hóa thôn cũng bị tốc mái. Đường giao thông đi các xã, thôn lưu thông bình thường, chỉ có vài điểm sạt lở nhỏ, riêng có một điểm sạt lở đất đá tại thôn 2 (xã Trà Cang) phương tiện không qua lại được.

iểm sạt lớn tại suối Nước Biên (thôn 2 xã Trà Can
Điểm sạt lở lớn tại thôn 2 của xã Trà Cang. Ảnh: MINH TRANG

Ngay sau khi bão tan, các xã huy động lực lượng xung kích và dân quân giúp người dân khắc phục nhà cửa hư hại. Huy động các lực lượng dọn dẹp cây xanh ngã đổ; vận động nhân dân dọn vệ sinh đảm bảo môi trường, nhanh chóng ổn định đời sống.

* Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó bão nên xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, TP.Hội An) đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Thống kê ban đầu chỉ có khoảng 10 nhà bị tốc mái nhẹ, riêng cây xanh ngã đổ nhiều.

dọn dẹp cây cối ngã đổ. Ảnh: MINH QUÂN
Bộ đội dọn dẹp cây cối ngã đổ ở Cù Lao Chàm. Ảnh: MINH QUÂN

Bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, sau khi bão tan địa phương đã đi rà soát tất cả nhà ven biển, nếu bảo đảm an toàn mới để người dân đi sơ tán trở về. Đồng thời phối hợp các lực lượng vũ trang trên đảo hỗ trợ sửa chữa nhà bị tốc mái, dọn dẹp cây cối...

Theo ông Võ Hồng Nhân - Chủ tịch Hội đồng thành viên Cizidco, qua kiểm tra sơ bộ, trên tuyến đường Khu công nghiệp Tam Thăng có nhiều cây xanh ngã đổ, bể một số bóng đèn chiếu sáng. Trong Khu công nghiệp Tam Thăng có Công ty CTR và xưởng nhuộm của Công ty Panko Tam Thăng bị tốc mái.

Tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, hơn 100 cây xanh trên các tuyến đường nội bộ khu công nghiệp bị gãy ngã. Nhà xưởng doanh nghiệp cơ bản ổn định, chỉ bay tôn những vị trí không quan trọng. Nguyên liệu giấy của công ty làm giấy bị ướt khoảng 250 tấn bột làm viên nén. Nhà máy kính Ức Thịnh bị sự cố điện tụt áp dẫn đến ngừng sản suất, dự kiến thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.

* Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hiệp Đức, toàn huyện có khoảng 25 nhà bị tốc mái, trong đó 5 nhà tốc mái hoàn toàn; 8 nhà xưởng/nhà kho cũng bị tốc mái. Ngoài ra có khoảng 250ha keo, 16ha cao su tiểu điền bị ngã đổ; 8,7ha cây ăn quả bị xiêu vẹo, ngã đổ; 2 con bò, 2 con heo, 180 con gà bị chết cùng nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng...

Một nhà dân ở xã Quế Thọ bị tốc mái hoàn toàn. Ảnh: Hiệp Đức
Một nhà dân ở xã Quế Thọ bị tốc mái hoàn toàn. Ảnh: HIỆP ĐỨC

Địa phương bị thiệt hại khá nặng nề về cơ sở hạ tầng. Cụ thể, đường dẫn và cống từ cầu Khe Gió đi khu dân cư Nà Nổ bị sạt lở nghiêm trọng, khoét sâu vào chân công trình khoảng 15m. Sạt lở đất tại nhiều khu dân cư, tuyến ĐH2 (xã Phước Gia), ĐH5 (xã Hiệp Hòa), quốc lộ 14E (đoạn xã Sông Trà)... Có 2 trụ điện và 1 trụ cáp viễn thông bị ngã đổ; một số trường học bị tốc mái, sập cổng trường.

Đường vào khu dân cư Nà Nổ (xã Phước Gia) bị sạt lở nặng. Ảnh: Hiệp Đức
Đường vào khu dân cư Nà Nổ (xã Phước Gia) bị sạt lở nặng. Ảnh: HIỆP ĐỨC
Một điểm sạt lở trên đường Trường Sơn Đông qua địa bàn Hiệp Đức. Ảnh: Hiệp Đứ
Một điểm sạt lở trên đường Trường Sơn Đông qua địa bàn Hiệp Đức. Ảnh: HIỆP ĐỨC

Sau bão số 4, UBND huyện Hiệp Đức đã thành lập 3 tổ công tác trực tiếp kiểm tra tình hình thiệt hại và chỉ đạo các địa phương khắc phục.

* Sáng nay 28.9, UBND huyện Núi Thành tổ chức 3 đoàn công tác đi kiểm tra hậu quả do bão số 4 gây ra.

Nhà văn hóa thôn Tiến Thành (Tam Tiến) bị tốc mái hoàn toà
Nhà văn hóa thôn Tiến Thành (xã Tam Tiến) bị tốc mái hoàn toàn. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO

Tính đến 10 giờ cùng ngày, Núi Thành có 2 nhà sập, 85 nhà tốc mái, trong đó tốc mái hoàn toàn 17 nhà. Huyện có 10ha lúa bị ngập, 750ha rừng trồng và 30ha cao su bị ngã đổ, 200 con gia cầm bị chết. Hồ nuôi tôm bị sạt 200 nghìn mét khối đất; 100% diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, sạt lở bờ ao.

àu câu mực của ngư dân Nguyễn Văn Thịnh (thôn Hà Lộc, Tam Tiến) bị chìm
Tàu câu mực của ngư dân Nguyễn Văn Thịnh (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến) bị chìm. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO

Núi Thành còn có 4 tàu vận tải bị trôi dạt và mắc cạn, 2 tàu cá và 2 ghe bị chìm, 1 tàu va chạm hư hỏng. Ngoài ra, địa phương cũng ghi nhận tuyến ĐH9 bị xói lở mái taluy, ngã gãy 4 trụ điện, sạt lở các đoạn đê, kênh mương...

[VIDEO] - Tàu cá của ngư dân Núi Thành bị chìm do bão:

Cảnh sát biển giúp dân khắc phục hậu quả bão số 4

Sáng 28.9, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cùng chính quyền xã Tam Quang (Núi Thành) giúp 21 hộ gia đình có nhà bị tốc mái sửa chữa lại nhà ở. Cây xanh ngã đổ tại các tuyến đường cũng được thu dọn, khôi phục giao thông. Lực lượng Cảnh sát biển đang tiếp tục cơ động để hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại trên địa bàn.

* Theo chân lãnh đạo UBND huyện Duy Xuyên, phóng viên Báo Quảng Nam có mặt tại Trường THCS Nguyễn Thành Hãn, xã Duy Sơn. Theo quan sát, 12 phòng học bị gió thổi mạnh làm tốc mái hoàn toàn.

Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Duy Vinh) bị thiệt hại nặng. Ảnh: T.S
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Duy Vinh) bị thiệt hại nặng. Ảnh: THÀNH SỰ

Ông Nguyễn Phước Minh - Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết, hiện nay nhà trường huy động tối đa nhân lực khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 4 gây ra, nhất là sớm đảm bảo phục vụ cho công tác dạy học.

Trong khi đó, tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Duy Vinh, toàn bộ các dãy phòng học chính cũng đã bị tốc mái hoàn toàn.

Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm bị tốc mái. Ảnh: THÀNH SỰ

Theo số liệu thống kê mới nhất, toàn huyện Duy Xuyên có 11 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn, 144 nhà bị tốc mái một phần, 4 người bị té ngã, gãy chân khi chằng chống nhà cửa. Ngoài ra, nhà sinh hoạt văn hóa ở một số xã, thị trấn bị tốc mái. Trên tuyến quốc lộ 14H và các tuyến ĐH12, ĐH13, ĐX, cây cối ngã đổ làm cản trở giao thông; 1 chiếc thuyền của ngư dân neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa) bị chìm; hơn 100ha hoa màu bị hư hại.

Lực lượng dân quân thường trực xã Duy Sơn cưa dọn cây cối ngã đổ sau bão.
Lực lượng dân quân thường trực xã Duy Sơn cưa dọn cây cối ngã đổ sau bão. Ảnh: THÀNH SỰ

Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, ngay trong sáng nay 28.9, từng thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã đến 14 xã, thị trấn nắm bắt tình hình thiệt hại. Ngành điện cũng đang nỗ lực sớm cấp điện trở lại bình thường.

* Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết, qua thống kê sơ bộ, địa phương có 12 ngôi nhà trên tuyến đường số 1, thôn Agrồng (xã A Tiêng) bị ngập nước từ 0,5m - 1,8m; đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Cr’toonh (xã A Vương) bị ngập sâu 1m, giao thông vào huyện tạm thời bị chia cắt.

Nhà dân tại trung tâm huyện Tây Giang bị ngập, tài sản hư hỏng nặng
Nhà dân tại trung tâm huyện Tây Giang bị ngập, tài sản hư hỏng nặng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Ngoài ra, nhiều điểm sạt lở trên các tuyến đường; hoa màu bị hư hại, ngã đổ. Chính quyền địa phương đang huy động lực lượng giúp dân sau bão.

* Tại TP.Hội An, thống kê sơ bộ đến sáng nay 28.9 có 100 nhà và 1 trường học bị tốc mái, 2 nhà tạm bị sập, ăng ten của Trung tâm VH-TT&TT-TH thành phố bị gãy. Khoảng 100ha rau màu bị hư hại; 30 nghìn chậu hoa, cây cảnh bị ngã đổ. Thiệt hại về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước tính khoảng 150 triệu đồng.

Một số du khách quốc tế ghi lại cảnh nước sông Hoài dâng lên đường Bạch Đằng
Du khách quốc tế ghi lại cảnh nước sông Hoài dâng lên đường Bạch Đằng. Ảnh: QUỐC TUẤN
Nhiều cây xanh, cột điện trên tuyến đường Nguyễn Duy Hiệu, phường Cẩm Châu bị ngã đổ gây tắc nghẽn giao thông
Cột điện trên đường Nguyễn Duy Hiệu, phường Cẩm Châu ngã đổ gây tắc nghẽn giao thông. Ảnh: QUỐC TUẤN

Toàn thành phố có khoảng 400 cây xanh gãy và ngã đổ, trong đó hầu hết tuyến đường khu vực phố cổ đều có cây xanh ngã đổ. Mực nước sông Hoài đang dao động ở mức báo động 1 gây ngập đường Bạch Đằng. Bờ biển Cửa Đại ghi nhận sạt lở khoảng 100m, 1 thúng máy của ngư dân bị chìm.

Cây xanh ngã đổ trong khu vực phố cổ Hội A
Cây xanh ngã đổ trong khu vực phố cổ Hội An. Ảnh: QUỐC TUẤN

* Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, qua thống kê sơ bộ tính đến 10 giờ sáng nay 28.9, thiệt hại do bão gây ra trên địa bàn thị xã không đáng kể.

Một căn nhà tại xã điện Thắng Bắc bịusụp đổ một phần
Một căn nhà tại xã Điện Thắng Bắc sụp đổ một phần. Ảnh: KHÁNH LINH

Cụ thể, ngoại trừ 12 trường hợp bị thương trong quá trình chằng chống nhà cửa vào ngày 26 và 27.9, Điện Bàn không ghi nhận thiệt hại về người, kể cả tài sản cũng không có thiệt hại lớn, chủ yếu tốc mái nhẹ và cây cối ngã đổ, đứt đường dây điện... Các trường hợp công nhân trú tránh tập trung tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phân hiệu Quảng Nam (đóng tại phường Điện Ngọc) cũng đã trở về an toàn.

Công nhân đang khắc phục đường dây điện tại Điên Bàn sau cơn bão
Công nhân khắc phục hệ thống điện tại Điên Bàn. Ảnh: KHÁNH LINH

Tại phường Điện Ngọc - nơi có nhiều công nhân tránh trú bão tại các khu nhà trọ, cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Ông Phan Quang Quốc Huy - Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc cho biết, qua thống kê sơ bộ toàn phường có 1 nhà tốc mái hoàn toàn và khoảng 26 nhà tốc mái một phần.

* Theo UBND huyện Phú Ninh, tính đến sáng nay 28.9, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận thiệt hại về người. Về nhà cửa, có 17 nhà tốc mái hoàn toàn tại các xã Tam Lộc, Tam Vinh, Tam Đại và Tam Thành. Hiện nay, địa phương tiếp tục rà soát thiệt hại và chỉ đạo khắc phục để ổn định đời sống người dân.

Sạt lở đất xảy ra tại một số vị trí trên tuyến ĐH đoạn Tam Dân - Tam Lãnh, ĐT615 đoạn qua Tam Lộc (tại Eo Gió), ĐH2 đoạn qua xã Tam Đại. Lực lượng xung kích của huyện, xã và các lực lượng ở thôn đang khẩn trương giúp dân khắc phục thiệt hại nhà ở và thông các tuyến quốc lộ 40B, ĐT615, ĐH.

* Tại Nam Giang sáng nay ghi nhận thêm các đợt mưa lớn. Mực nước tại các sông suối đang dâng cao khiến nhiều ngôi nhà của người dân bị ngập úng.

Đất đá từ trên núi chảy tràn vào nhà dân hơn 1m
Đất đá trên núi chảy tràn vào nhà dân ở Nam Giang. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Một lãnh đạo UBND huyện cho biết, sáng nay nước lũ bất ngờ đổ về từ đầu nguồn tạo thành sóng nước cuồn cuộn chảy vào nhà dân tại thôn Vinh ở xã Tà Pơơ gây hư hại nhiều tài sản. Chính quyền địa phương huy động lực lượng cứu hộ đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm và di chuyển tài sản đến vị trí an toàn.

Lực lượng cứu hộ giải cứ người dân khỏi vùng nguy hiểm
Lực lượng cứu hộ giải cứu người dân khỏi vùng nguy hiểm. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Nam Giang cũng ghi nhận sạt lở đất nghiêm trọng trên các tuyến đường lên biên giới; có 1 xe tải bị lật, chưa ghi nhận thiệt hại về người. Tại một số khu vực dân cư, đất đá kèm lũ từ taluy dương quét xuống tràn lấp vào nhà dân hơn 1m. Một số tuyến đường trũng thấp, lũ từ đầu nguồn chảy siết gây ngập nặng đường dân sinh và khu dân cư.

Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Nhiều tuyến đường ở Nam Giang ngập nặng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Ít nhất 3 tàu cá bị chìm

Tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến 7 giờ sáng nay, bão số 4 đã làm chìm ít nhất 3 tàu cá, gồm 1 tàu cá tại xã Tam Giang, 1 tàu câu mực tại xã Tam Hải (cùng huyện Núi Thành) và 1 tàu lưới vây của ngư dân Thăng Bình đang neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều (Duy Xuyên).

Tàu cá ngư dân Núi Thành bị chìm khi đang neo đậu tránh trú bão số 4
Tàu cá của ngư dân Núi Thành bị chìm khi neo đậu tránh bão. Ảnh: VÕ RÔN

Tại phao luồng số 19 cảng Kỳ Hà, bão làm rê neo 4 tàu vận tải khiến các tàu này bị mắc cạn tại vị trí luồng phao số 17, sát xã đảo Tam Hải.

* Tại huyện Quế Sơn ghi nhận 1 người bị thương khi phòng chống bão. Tuyến ĐT611 qua đèo Le tại xã Quế Long bị sạt lở đất đá với khối lượng khoảng 1.000m3. Một số đoạn kênh thủy lợi bị cuốn trôi. Mưa lớn làm ngập cục bộ một số khu vực thuộc xã Quế Xuân 2, Quế Xuân 1, Quế Phú. Hơn 9ha nếp đắng tại xã Quế Hiệp bị hư hại.

Tuyến ĐT611 đoạn qua đèo Le sạt lở gây ách tắc giao thông. Ảnh: THÀNH CÔNG
Tuyến ĐT611 đoạn qua đèo Le sạt lở gây ách tắc giao thông. Ảnh: DUY THÁI

Trường Tiểu học Hương An, Trường THCS Quế Mỹ bị tốc mái. Một số trụ điện tại xã Quế Châu gãy đổ gây mất điện một số xã, thị trấn ở phía tây của huyện. Hiện 1.362 hộ dân với 2.987 nhân khẩu di dời xen ghép và 49 hộ với 109 nhân khẩu di dời tập trung đã trở về nhà.

Nhiều gia đình khẩn trương sửa chữa nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống. Ảnh: V.
Các gia đình khẩn trương sửa chữa nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống. Ảnh: VĂN SỰ

Ông Nguyễn Kim Vân - chuyên viên Phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, ngoài 2 người bị thương trong lúc chặt tỉa cây cối, dọn nhà chống bão ở xã Quế Xuân 1 và Quế Phú thì trên địa bàn huyện có 1 nhà dân và 1 quán ăn uống bị bão làm sập đổ, 12 nhà tốc mái hoàn toàn, 1 nhà tốc mái 80%, 7 nhà tốc mái một phần.

 
Chính quyền xã Quế Long cảnh báo đoạn đường sạt lở tại khu vực đèo Le. Ảnh: DUY THÁI    

Cơ quan chức năng và người dân đang tích cực dọn dẹp nhà cửa, phát dọn cây cối trên các tuyến đường dân sinh. Lãnh đạo huyện trực tiếp đi kiểm tra tình hình và chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra.

* Tại TP.Tam Kỳ, sau một đêm quần thảo, bão số 4 đã làm ngã đổ hàng loạt cây xanh, bảng hiệu quảng cáo... Tuy nhiên, nhờ người dân chủ động trong phòng tránh nên đã giảm thiểu đáng kể thiệt hại. Hiện tại Tam Kỳ vẫn có mưa và gió lớn, nhiều tuyến đường trong thành phố ngập cục bộ. Sau một đêm trắng đón bão, người dân đang tập trung dọn dẹp lại nhà cửa, cây cối ngã đổ.

Nhiều tuyến đường bị ngập
Nhiều tuyến đường nội thị Tam Kỳ bị ngập. Ảnh: VINH ANH

[VIDEO] - Đường phố Tam Kỳ sau bão:

* Tại huyện miền núi Đông Giang, lúc 6 giờ sáng nay mưa đã tạm ngớt, gió lặng nhưng nước sông A Vương đang dâng cao. Một số tuyến đường Hồ Chí Minh tiếp tục xuất hiện sạt lở nhiều điểm. Đặc biệt tại đoạn giáp ranh giữa xã Zà Hung và thị trấn Prao, một lượng đất đá lớn từ taluy dương tràn xuống lòng đường khiến giao thông chia cắt hoàn toàn.

Nước sông A Vương đang lên, nguy cơ gây ngập lụt
Nước sông A Vương đang lên và có nguy cơ gây ngập lụt. Ảnh: KIỀU NGUYỄN

Nội thị Prao có nhiều cây cối ngã đổ, một số cổng chào bị gió hất tung, quật ngã xuống đường. Chính quyền địa phương chưa có thống kê thiệt hại cụ thể trong đợt bão lũ này.

* Theo UBND huyện Tiên Phước, thông tin cập nhật đến trưa 28.9, bão số 4 khiến 1 người bị thương (xã Tiên Thọ); có 3 nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 17 nhà hư hỏng hơn 70%.

 
      Cây xanh ở Tiên Phước ngã đổ xuống đường. Ảnh: DIỄM LỆ

Trường học tại Tiên Cẩm bị tốc mái 4 phòng học, nhà ăn trường mẫu giáo hư hỏng nặng. UBND xã Tiên Sơn bị tốc mái tầng trên và nhà làm việc quân sự. Tuyến đường đi thôn Phường Thuốc (xã Tiên Phong) bị sạt lở nghiêm trọng, xe cộ không qua lại được; tuyến ĐT615 ra Eo Gió bị sạt lở; tuyến ĐT614 sạt lở nhiều điểm.

Sau bão, nước các sông dâng nhanh gây ngập lụt nhiều khu vực (thị trấn Tiên Kỳ, các xã Tiên An, Tiên Châu, Tiên Hà, Tiên Lãnh…), hiện nay mực nước có dấu hiệu giảm dần. Các địa phương đang tiếp tục rà soát thiệt hại và chỉ đạo khắc phục để ổn định đời sống nhân dân.

Tiên Phước: nước sông Tiên dâng ngập chợ và một số tuyến đường
Nước sông Tiên dâng gây ngập một số tuyến đường. Ảnh: DIỄM LỆ

Sáng nay 28.9, UBND tỉnh ban hành Công văn 6358 cho phép người dân và các phương tiện tham gia lưu thông được hoạt động bình thường từ 6 giờ sáng cùng ngày.

UBND tỉnh giao Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng, công an địa phương và đơn vị liên quan bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người dân và phương tiện đi qua các vị trí bị ngập sâu, nước chảy xiết, có nguy cơ sạt lở đất; hướng dẫn, điều tiết, phân luồng giao thông theo tình hình thực tế của mưa, lũ đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

* Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, địa bàn xã Phước Thành và một số xã khác ghi nhận lũ bắt đầu đổ về. Nhờ chủ động sơ tán dân nên hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại lớn. Các xã đang nắm tình hình ở từng thôn, triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho dân và theo dõi diễn biến của bão lũ.

[VIDEO] - Nước lũ tràn về tại khu vực UBND xã Phước Kim trong sáng nay:

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Phước Sơn, bão số 4 làm 2 nhà bị sạt lở mức độ nhẹ, 11 nhà tốc mái. Quốc lộ 14E bị ngập lụt đoạn km64-65 và đoạn km71 tại xã Phước Hiệp nên chưa thể lưu thông tại khu vực này.

Một số tuyến đường liên xã bị sạt lở, tạm thời cô lập các xã vùng cao. Các xã Phước Chánh, Phước Công, Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim bị mất điện và được đang kiểm tra, khắc phục.

Huyện Phước Sơn đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương kiểm tra tình hình thiệt hại, hỗ trợ đời sống nhân dân bằng nguồn lực tại chỗ, nhất là đối với gia đình có người bị nạn, nhà cửa bị hư hỏng. Trong sáng nay, UBND huyện thành lập 3 đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 4.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiệt hại ban đầu sau khi bão số 4 đổ bộ vào Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO