Xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự vì dân

VINH ANH (thực hiện) 29/01/2022 06:20

(Xuân Nhâm Dần) - Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Lê Văn Dũng dành cho Báo Quảng Nam cuộc trao đổi xoay quanh các vấn đề về công tác cán bộ, chuyển đổi số, xây dựng nền hành chính phục vụ...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam. Ảnh: A.Đ
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam. Ảnh: A.Đ

* Thưa đồng chí, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại vì dân. Ngay trong năm đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số. Theo đồng chí, trọng tâm của công tác CCHC trong những năm đến là gì? Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số có phải là giải pháp đột phá để hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại vì dân?

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng: Đúng vậy, có thể khẳng định CCHC là một trong những nhiệm vụ đột phá Quảng Nam thực hiện đạt nhiều kết quả tốt trong nhiệm kỳ khóa XXI vừa rồi. Tuy nhiên, trước những hạn chế tồn tại trong CCHC, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Tỉnh ủy đã tổng kết Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy khóa XXI về CCHC và tiếp tục ban hành Nghị quyết CCHC của nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Để thực hiện CCHC đạt kết quả tốt, theo tôi, điều đầu tiên cần phải nói đến con người - phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thật tốt. Tôi nghĩ rằng, phải có đội ngũ cán bộ tốt, mẫn cán, vì dân, vì công việc, vì nhiệm vụ chung để tập trung xây dựng Quảng Nam ngày càng phát triển.

Bên cạnh yếu tố quyết định của việc xây dựng đội ngũ cán bộ, có thể nói thời gian đến phải tập trung cải cách thủ tục hành chính gọn nhẹ, cắt bỏ thủ tục không cần thiết, nhằm phục vụ và khắc phục kịp thời những phiền toái cho người dân và doanh nghiệp.

Một nhiệm vụ hết sức quan trọng nữa, đó là ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là một trong những khâu quan trọng trong CCHC. Muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, muốn cắt, giảm bớt thủ tục rườm rà thì phải ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số, nền hành chính số hiện nay.

Việc này phải được đẩy mạnh ở tất cả các cấp, ngành, từ lãnh đạo đến cán bộ, công chức, viên chức phải làm tốt công việc này. Khi ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào trong công việc lãnh đạo điều hành thì nền hành chính mới vận hành tốt.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tặng quà tết Tân Sửu cho người có uy tín trong đồng bào Co, xã Tam Trà, huyện Núi Thành. Ảnh: V.A
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tặng quà tết Tân Sửu cho người có uy tín trong đồng bào Co, xã Tam Trà, huyện Núi Thành. Ảnh: V.A

* Cũng trong năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Tỉnh ủy đã rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị các cấp. Thưa đồng chí, đâu là những nội dung mới, quan trọng, đột phá về công tác cán bộ trong nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy vừa ban hành, cần quyết liệt thực hiện trong thời gian đến?

Trong đầu tháng 12.2021, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị lần thứ 6 và ban hành Nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Điều quan trọng hàng đầu nghị quyết hướng đến là xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp. 

Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các địa phương, cơ quan, đơn vị, sẽ phải đảm bảo tính cân đối, hài hòa. Không tiến hành đồng thời việc thực hiện quy trình quy hoạch với việc thực hiện quy trình đề xuất bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Chủ động xây dựng kế hoạch, rà soát, phát hiện nguồn cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, nhất là cán bộ trẻ có triển vọng phát triển để đưa vào quy hoạch. Có cơ chế ưu tiên hằng năm cử cán bộ, công chức đi đào tạo ở nước ngoài về kỹ năng lãnh đạo, quản lý đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và cơ chế bố trí, sử dụng đối với đội ngũ cán bộ này.

Bhơ Nướch Tí, cán bộ Văn phòng - Thống kê xã Tà Bhing (Nam Giang) hướng dẫn người dân về thủ tục hành chính vào thời điểm tháng 7.2020. Ảnh: VINH ANH
Bhơ Nướch Tí, cán bộ Văn phòng - Thống kê xã Tà Bhing (Nam Giang) hướng dẫn người dân về thủ tục hành chính vào thời điểm tháng 7.2020. Ảnh: VINH ANH

* Trung ương Đảng, Bộ Chính trị vừa ban hành các kết luận quan trọng về tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; khuyến khích, bảo vệ và động viên cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; cũng như quy định về từ chức, cho thôi giữ chức vụ đối với những cán bộ không còn đủ uy tín, năng lực hạn chế,… Nhìn lại thực tiễn về công tác cán bộ của tỉnh, theo đồng chí, đâu là những ưu điểm nổi bật và những vấn đề cần quan tâm trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh thời gian tới? Làm gì để khuyến khích, động viên, khơi dậy khát vọng phát triển Quảng Nam trong đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh?

Không thể phủ nhận, đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh theo thời gian có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên; cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn.

Công tác cán bộ đã bám sát các quan điểm, nguyên tắc quy định của Đảng, được triển khai đồng bộ, toàn diện ở các khâu, tạo được sự chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu bố trí cán bộ trước mắt và lâu dài, bước đầu khắc phục tình trạng thiếu hụt cục bộ trong ngành, đơn vị, địa phương.

Chính sách cán bộ được quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời; đi liền với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn tiêu cực, làm trong sạch một bước đội ngũ cán bộ.

Điều đáng quan tâm hiện nay là năng lực của đội ngũ cán bộ còn chưa đồng đều; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, địa phương còn ít; ít cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Công tác quy hoạch cán bộ một số nơi thiếu tính tổng thể, chưa đảm bảo tính kế thừa, chất lượng chưa cao dẫn đến khi đề bạt, bổ nhiệm có nơi thiếu nguồn cán bộ. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, thiếu điều kiện, không đúng quy trình vẫn còn xảy ra. Luân chuyển cán bộ chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh về cấp huyện, chưa quan tâm luân chuyển cán bộ cấp huyện về tỉnh và luân chuyển ngang giữa các sở, ban, ngành…

Riêng đối với việc khuyến khích, động viên, khơi dậy khát vọng phát triển Quảng Nam trong đội ngũ cán bộ các cấp, thời gian đến tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp nhằm đổi mới, đột phá nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy với cách làm thận trọng, khoa học, chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả.

Tạo môi trường thuận lợi để cán bộ phát huy sở trường; chủ động phát hiện và đào tạo cán bộ có tầm nhìn xa, có chiến lược để hình thành lớp thế hệ nhân lực, nhân tài có bản lĩnh, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Tạo động lực để cán bộ làm việc hăng say, khát vọng cống hiến cho địa phương, cơ quan, đơn vị; có cơ chế phát hiện, bổ nhiệm người tài, cán bộ có năng lực nổi trội. Xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu - trong đó tiêu chuẩn là chính; giữa đức và tài - trong đó đức là gốc; giữa kế thừa và đổi mới để ổn định, phát triển.

* Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự vì dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO