Tháng 7, về xóm Rừng (nay là khối phố Thanh Quýt 2, phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn), nghe người dân kể chuyện huyền thoại về những anh hùng nối tiếp nhau bước ra từ miền đất chịu nhiều đau thương này.
Nhắc đến xóm Rừng, mọi người đều nhớ ngay đến gia đình Mẹ Thứ; hai cha con Anh hùng LLVT nhân dân Lê Tự Kình - Lê Tự Nhất Thống... Và vùng đất này còn rất nhiều người hy sinh thầm lặng. Dù ít khi được nhắc tên nhưng những tấm gương ấy vẫn khắc ghi trong tâm khảm thế hệ trẻ Điện Thắng hôm nay.
Làng che áo lính
Tấm gương gia đình Mẹ Thứ đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng ở xóm Rừng. Mỗi nóc nhà nơi đây đều là cơ sở cách mạng. Các chàng trai, cô gái chỉ mới tuổi trăng tròn đã hăng hái lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc.
Ông Nguyễn Văn Hồng, năm nay 69 tuổi, là một trong số rất ít những du kích xóm Rừng năm nào vẫn còn khỏe, minh mẫn để nhắc về sử làng.
Mới 14 tuổi, ông Hồng và bạn bè đồng trang lứa tham gia đội du kích địa phương. Đội trưởng của họ là Anh hùng LLVT nhân dân Lê Tự Nhất Thống.
Ông Hồng kể, đêm đến, những nhóm du kích đói lả sau một ngày cầm súng, lại tìm cách lẻn về những cơ sở cách mạng trong làng. Những mâm cơm đã được mẹ Thứ, mẹ Ngọ, mẹ Xê, mẹ Ba… dọn sẵn, chong ngọn đèn bên bàn thờ đợi du kích về ăn.
Riêng nhà mẹ Nguyễn Thị Thứ thì gần đường, địch thường xuyên tuần tra, lùng sục nên mẹ rất kỹ lưỡng. Du kích ăn cơm thì mẹ đứng canh, báo hiệu. Khi chuẩn bị rời đi thì mẹ nắm sẵn gói cơm trắng, bỏ vào túi để “các con” đủ sức đánh giặc.
“Các con ra trận, thì hai vợ chồng Mẹ Thứ bám trụ lại làng, vừa sản xuất, vừa nuôi du kích, bộ đội. Những năm mất mùa, chum hết gạo thì mẹ mang thúng đi khắp xóm vay mượn. Mẹ không để du kích nhịn đói chiến đấu. Những bữa cơm bên ngọn đèn tù mù, những lời động viên của mẹ cho những “đứa con” xóm Rừng… đã trở thành động lực, để mọi người đoàn kết, hăng hái và một lòng hướng về cách mạng” – ông Hồng chia sẻ.
Đạn bom dội xuống liên miên, song cây cối ở xóm Rừng vẫn xanh với lũy tre dày đặc bao bọc. Nhiều cơ sở cách mạng còn kéo gai rào kín lối đi, che tầm mắt quân địch. Dưới những tán cây, lũy tre ấy là hầm bí mật, nơi tránh trú của du kích và bộ đội địa phương.
Tre làng các mẹ dày công trồng là bức tường thành kiên cố, che chắn bộ đội trước họng súng kẻ thù. Rất nhiều trận đánh, nhờ tre chở che nên hạn chế đáng kể thương vong. Ông Hồng nhớ lại, lần nọ du kích nhận tin từ cơ sở cách mạng, một tiểu đội Mỹ đi vào làng lùng sục. Anh Lê Tự Nhất Thống chỉ huy du kích đặt mìn ở lối đi và bố trí phục kích sau lũy tre.
Hồi hộp, đợi chờ từng bước chân của địch bước vào “trận địa”. Tiếng mìn nổ vang trời, kèm theo loạt đạn bắn ra từ lũy tre, tiểu đội địch bị tiêu diệt hoàn toàn. Rồi anh em men theo bờ tre, tìm chỗ ẩn nấp, tiếp tục theo dõi tình hình. Khi không thấy chi viện của địch, du kích lao ra cướp vũ khí rồi tẩu thoát.
“Lính Mỹ nghe du kích xóm Rừng thì sợ lắm. Vào làng thì ít nhất phải tiểu đội, chứ đôi, ba tên chẳng dám đi lùng sục ở những đường nhỏ, cây bụi um tùm. Nhiều lần chúng tôi phục kích làm lính Mỹ khiếp đảm, thất thần, hoảng loạn. Lợi thế của mình là có tre che chắn, có đi theo sau địch cũng không phát hiện. Tìm thấy địa thế thuận lợi, bất ngờ nổ súng, tiêu diệt một tên thì số còn lại quay đầu bỏ chạy” - ông Hồng kể.
Những anh hùng thầm lặng
Theo chỉ dẫn của người dân thôn Thanh Quýt 2, chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Ba. Căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa vườn, gian giữa là bàn thờ với 5 di ảnh. Trong đó, có đến 2 người là liệt sĩ, 2 người có công cách mạng.
Ở tuổi 80, vết thương chiến tranh khiến việc đi lại, sinh hoạt của bà Ba gặp nhiều khó khăn. Bây giờ, người đàn bà này lủi thủi một mình, lo hương khói cho người thân.
Bên dưới căn nhà này, những năm chống Mỹ, cha mẹ chồng của bà Ba từng đào 5 hầm bí mật, che chở bộ đội, du kích qua nhiều lần truy quét của địch.
Năm 1964, địch phát hiện và khui 1 hầm nhưng các du kích đã được gia đình thông tin, tẩu thoát từ sớm. Năm 1967, bà Ba theo chồng về xóm Rừng, cùng gia đình chồng giữ 4 hầm còn lại.
Năm 1968, hầm nhà bà bị “chỉ điểm”. Đúng 5 giờ sáng địch ập vào, 3 hầm bị khui lên và 5 chiến sĩ đã hy sinh. Còn 1 hầm nằm dưới gốc mù u, địch xăm khắp vườn, hăm dọa, tra tấn dã man bà Ba nhưng không khai thác được gì, đành rút lui. Khoảng 3 giờ chiều, 7 cán bộ, chiến sĩ dưới hầm bò lên, dìu nhau sang cơ sở cách mạng khác ẩn nấp.
Năm 1969, sau khi chồng mất, bà Ba tích cực tham gia đấu tranh chính trị tại địa phương. Nhiều lần bà bị địch bắt, đánh đập, bắt con nhỏ để hăm dọa… hòng tìm kiếm thông tin về hầm bí mật, hoạt động của du kích. Song không gì dập tắt được ý chí đấu tranh của bà.
*
* *
Trong kháng chiến, người dân xóm Rừng tiên phong cống hiến cho cách mạng. Hôm nay, người dân nơi đây cũng tích cực hiến đất mở đường, góp phần xây dựng thành công khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của xã Điện Thắng Trung trước đây - bây giờ là khối phố Thanh Quýt 2 văn minh hiện đại. Những người con xa quê góp hàng tỷ đồng xây dựng đường làng, nhà văn hóa, trường học… Diện mạo mới đang trải khắp xóm Rừng anh hùng.