Xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

VIỆT NGUYỄN - VĂN SỰ 30/11/2020 07:56

Hội nghị Kết nối sản phẩm OCOP - chương trình mỗi xã một sản phẩm được Sở Công Thương tổ chức cuối tuần qua đã thu nhận nhiều ý kiến của các chủ thể, doanh nghiệp, ngành chức năng, qua đó mở hướng khơi thông đầu ra cho hàng hóa.

Bà Lương Nguyên Hà - chủ hộ sản xuất, kinh doanh mang thương hiệu Hà Vy giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: V.S
Bà Lương Nguyên Hà - chủ hộ sản xuất, kinh doanh mang thương hiệu Hà Vy giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: V.S

Trăn trở tìm đầu ra

Bà Lương Nguyên Hà - chủ hộ sản xuất, kinh doanh mang thương hiệu Hà Vy (xã Trà Mai, Nam Trà My) cho biết, các sản phẩm OCOP 3 sao chế biến từ nguồn nguyên liệu khổ qua rừng, giảo cổ lam, trà dây, rau má rừng, đảng sâm của cơ sở đã bước đầu được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên điều trăn trở là sản phẩm chưa thể có mặt ở các siêu thị, sàn thương mại điện tử lớn. Nguyên nhân là điều kiện sản xuất, kinh doanh còn nhỏ lẻ, mô hình hộ sản xuất nên gặp khó về các điều kiện pháp lý, thủ tục, hồ sơ. Tương tự, nhiều chủ thể OCOP cũng cho biết, dù sản phẩm đã đạt 4 sao nhưng khó về đầu ra, chào hàng ở các chợ đầu mối, các đại lý nhỏ hay bán hàng qua zalo, facebook chưa có được doanh thu như kỳ vọng. 

Về điều này, ông Võ Văn Khanh - đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tại TP.Đà Nẵng cho rằng, quá trình sản xuất, kinh doanh của các chủ thể OCOP tại Quảng Nam vẫn còn ở quy mô nhỏ, cần nâng tầm để đạt hiệu quả thương mại lớn hơn. Hàng hóa OCOP lưu thông trên thị trường phải qua quá trình tổ chức gồm nhiều công đoạn, từ tìm, ký kết thu mua nguyên liệu, sản xuất, chế biến, tạo hành lang pháp lý, công nhận sản phẩm đạt OCOP, rồi xúc tiến thương mại, tìm đầu ra, bán hàng, nên các chủ thể OCOP cần kế hoạch hóa để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tránh chồng chéo các khâu và nhất là tạo thuận lợi cho kinh doanh, thu lợi nhuận tốt.

Riêng về phương án kinh doanh, các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất cần xác định cụ thể đối tượng khách hàng ở siêu thị, trung tâm thương mại, hay chợ đầu mối, các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị mini, trường học, cơ quan, khu - cụm công nghiệp..., để biết lời giải bài toán thị trường cho sản phẩm của mình nằm ở đâu. Một vấn đề khác là các chủ thể OCOP cần phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý để thuận tiện bán hàng, bởi đã có nhiều trường hợp vì vướng thủ tục hồ sơ nên sản phẩm, hàng hóa phải lưu kho lâu ngày dẫn đến hư hỏng, quá hạn sử dụng.

“Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để chủ thể OCOP ở Quảng Nam tiếp cận, trao đổi, thỏa thuận, bán hàng ở những sàn thương mại điện tử lớn như Sendo, Tiki, Lazada... giúp ổn định đầu ra sản phẩm” - ông Khanh nói.

Hỗ trợ kết nối thị trường

Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương cho biết, vượt qua các trở ngại của 2 đợt dịch bệnh Covid-19 và bão lũ xảy ra liên tiếp, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP đã được sở cố gắng triển khai xuyên suốt trong năm 2020. Sở Công Thương đã mời các chủ thể OCOP tham gia hàng loạt chương trình quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu, triển lãm ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Quảng Bình, Kon Tum, Hòa Bình, Gia Lai... Nhờ đó, nhiều sản phẩm OCOP của Quảng Nam được thương mại hóa hiệu quả như đảng sâm, quế, lòn bon, dầu phụng, dầu mè đen, trầm hương, tiêu Tiên Phước, gạo, nước mắm... Đến nay, chương trình OCOP Quảng Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. UBND tỉnh đã công nhận 18 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

“Sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt tại các trung tâm thương mại lớn như Co.opMart, BigC, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng đặc sản vùng miền của Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh…, góp phần lớn thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các chủ thể OCOP” - ông Quang nói. 

Mặc dù đã đạt một số thành công nhất định, tuy nhiên việc quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Quảng Nam còn nhiều hạn chế, như sản xuất của doanh nghiệp, làng nghề trong tỉnh còn chưa chuyên nghiệp hóa, các chủ thể chưa mạnh dạn áp dụng công nghệ mới nên chất lượng và giá thành sản phẩm chưa ổn định; có nhiều sản phẩm khẳng định thương hiệu nhưng không có hàng để bán, không đảm bảo số lượng khi có đơn hàng. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp, làng nghề còn chưa chủ động tìm kiếm thị trường nên đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn.

Sở Công Thương cho biết, sẽ triển khai nhiều nội dung trọng tâm để hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng tầm quy mô sản xuất, kinh doanh, khai phá các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Theo đó, tiếp tục hỗ trợ các điểm bán hàng OCOP, mở rộng kết nối, tiêu thụ sản phẩm; xúc tiến, hỗ trợ chủ thể OCOP đưa sản phẩm giới thiệu trên sàn thương mại điện tử tỉnh.

Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản vùng miền tỉnh Quảng Nam dịp đầu năm 2021. Cùng với đó, đề xuất Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí từ nguồn xúc tiến thương mại quốc gia giúp tỉnh triển khai thuận lợi hơn công tác đưa hàng Việt về phục vụ nhân dân ở khu vực nông thôn, miền biển, miền núi, biên giới, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO