Nhớ, nghĩ trong mùa dịch

PHÙNG TẤN ĐÔNG 19/04/2020 04:15

Có lẽ dịch bệnh là một tai họa có tính chất “toàn cầu” từ hàng ngàn, hàng trăm năm trước. Mùa thu năm 1820, Tham tri Bộ Lễ - Nguyễn Du chuẩn bị đi sứ Trung Quốc để báo tang vua Gia Long băng hà và xin cầu phong thì ông bị “dịch tả”. Bệnh dịch bắt đầu trước đó, từ năm 1816, quét qua Ấn Độ rồi lây lan vào Việt Nam cùng năm. Dịch lan từ Hà Tiên - vùng biển Tây Nam Bộ đến Bắc Thành.

Phụ nữ Điện Bàn tặng mũ bảo hộ để chống dịch. Ảnh: V.LỘC
Phụ nữ Điện Bàn tặng mũ bảo hộ để chống dịch. Ảnh: V.LỘC

Sử nhà Nguyễn ghi có 206.835 người chết. Như vậy so với dân số nước ta thời bấy giờ - khoảng 7 triệu người thì đã có 4% dân số chết vì dịch. Cũng chính vì dịch bệnh ghê gớm như vậy nên nhân dân vùng kinh kỳ và các nơi mới thành lập các xã thương với mục đích quyên góp, tích trữ lương thực cứu giúp người đói, kẻ nghèo, lập các sổ khuyến thiện để “lá lành đùm lá rách” và sau dịch lập thêm sổ khuyến lộ (quan) để giúp học trò nghèo tiếp tục học hành, thi cử.

Điều gì cũng có thể xảy ra…

Về cái chết của Nguyễn Du, các nhà sử học xứ kinh kỳ thuật lại: “Cuối tháng bảy, kinh kỳ bị mưa lũ… Ngày mười tháng tám âm lịch (16.9.1820), Nguyễn Du mất vì dịch tả, lúc đầu được an táng ở cánh đồng xứ Bàu Đá, Hà Khê phía sau chùa Thiên Mụ thuộc huyện Hương Trà. Truyền rằng ông biết mình bị bịnh nặng nhưng không chịu thuốc thang, cứ vậy mà ra đi…” (Dương Phước Thu - Thiên tai và dịch bệnh ở Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế (bảy thế kỷ nhìn lại) - Nxb Thuận Hóa 2016).

Với một đại thi hào có “con mắt trông suốt cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời”, thấu hiểu chân mệnh, liễu ngộ lẽ vô thường, có câu thơ siêu nghiệm “vô tự thị chân kinh” (kinh không chữ mới thiệt là kinh), người từng viết văn chiêu hồn thập loại chúng sinh thống thiết yêu đời, yêu người như Nguyễn Du thì đúng như lời kể người nhà, ông bảo “sờ hai bàn chân ta thấy lạnh hay nóng?”, người nhà sờ  hai bàn chân, trả lời “thưa, lạnh rồi”, ông bèn thốt “rứa được rồi” và “đi”…

Nhà văn Pháp Albert Camus, năm 1947 viết tiểu thuyết La Peste (Dịch hạch) kể về một nhóm đàn ông tập trung lại để cùng nhau chống dịch bệnh. Trong “kịch bản chống dịch” đó người đọc nhận diện được ở các nhân vật - lòng can đảm, nỗi sợ hãi và “cả những tính toán, đắn đo mà ta có thể đã đọc hoặc nghe trong những tin tức hàng ngày” hiện nay (như tạp chí The Guardian năm 2015 đề cập).

Dịch hạch của Camus là một dụ ngôn về tính chất phi lý của thế giới mà con người buộc phải sống, đồng thời cũng là một dự phóng về khát vọng dấn thân chống đỡ của con người để sống. Dịch hạch cũng là một biểu tượng cảnh báo cho con người về sự bất ổn của đời sống, rằng “đàn chuột sẽ bị đánh thức một lần nữa” để đổi lấy “sự đổ vỡ và tỉnh ngộ của con người” hay một cuộc chiến tranh thế giới, một trận đại hồng thủy, một cuộc tận thế sẽ đến nếu con người tàn hủy thiên nhiên, tàn hủy nhân tính…

Cuốn sách của Camus cũng cảnh báo về một thế giới nặng về vật chất “phá đi sự hài hòa của ngày hôm nay” và cơn “ngáo” vật chất, của cải, tiện nghi… có tính chất nguy hiểm như một dịch bệnh. Nhiều người cho rằng, Camus, trong tiểu luận Le Mythe de Sisyphus (Huyền thoại Sisyphus), vừa chỉ ra “định mệnh Sisyphus” - nhân vật trong thần thoại Hy Lạp bị các vị thần trừng phạt suốt đời phải đẩy một khối đá lớn lên đỉnh núi, sáng lăn lên đỉnh núi, chiều hòn đá lại lăn xuống núi, cứ thế, miệt mài, chẳng khác chi định mệnh làm người, vừa vạch cho con người sự cảm biết rằng Sisyphus hạnh phúc…

Không ai sống mãi trong đời chật

Câu trên mượn một ý thơ của Chế Lan Viên. Mùa chống dịch, không ai là không, trước hết, tự bảo vệ mình, tức phải biết tự yêu mình, yêu mình rồi mới yêu gia đình mình và sau đó là bạn bè, hàng xóm, cộng đồng, xã hội… Những ngày này, người cao tuổi bỗng cảm nhận “khi gió heo may về…” mình bỗng thấy “già” vì nhiều thông tin khuyến cáo từ con, cháu, bạn bè.

Già thì đã đành “sống rày chết mai” nhưng “nhịn” tiếp xúc, giao lưu lại quá khổ sở. Đọc sách dù sách giấy hay sách điện tử (e-book) thì mắt đã mờ. Những người trẻ vốn thích tự do bỗng như bị gò bó cùn chân, đòi “nhậu online” cho đỡ “uống nhín nhịn thèm”. Trẻ con thì sướng vì “hơn cả nghỉ hè”, suốt ngày hát “đồng dao mới”, rằng “yêu đất nước, yêu đồng bào, ai ở chỗ mô, ngồi yên chỗ nớ”… để con người biết “ở một mình để ở cùng nhau”.

Mùa dịch cũng là mùa “tin bẩn” làm hoang mang “tin sạch”. Nhiều người “rảnh rỗi hóa nông nổi” đưa tin nghe lỏm, đồn nhảm lên mạng bị phạt tiền, bị “thổi còi” vì phạm luật. Lại có vụ quay clip đóng giả ăn mày trong khu di tích để giễu nhại công tác phòng dịch, thiệt là việc khinh nhờn luật pháp và đúng với câu “sướng quá hóa rồ”…

Dịch bịnh rồi sẽ lui nhưng “cơn dịch” kỳ thị người bị dịch, người ở vùng có dịch, ngoài việc lây lan kiểu dư luận đám đông… thì suy cho cùng là do nhận thức của từng cá nhân về dịch bệnh mà có những ứng xử vì mình, vì mọi người phù hợp. Trong dịch bịnh ta đọc được nhiều tấm lòng nhân ái, biết chia sẻ “mối quan tâm tồn sinh, an sinh của cộng đồng” với tinh thần kỷ luật, trách nhiệm và với cả tấm lòng.

Và cũng trong dịch bệnh, ta chia sẻ lòng khâm phục với những thầy thuốc - nhà khoa học Việt Nam có tâm, có tầm như việc từ chối phương thức “miễn dịch cộng đồng” như việc không cách ly, kiểm soát để “virus phát tán tự do”, tự miễn nhiễm trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ, nghĩ trong mùa dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO