Xã hội

Ấm tình “Hộ khá giúp hộ khó” ở Điện Bàn

HUY HOÀNG 11/10/2024 09:52

Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, gắn kết tình làng nghĩa xóm giữa “hộ với hộ”, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn) xây dựng và triển khai mô hình “Hộ khá giúp hộ khó”.

anh-ho-kha-ho-kho(1).jpg
Trao kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà đại đoàn kết tại buổi ra mắt mô hình. Ảnh H.H

Tại thị xã Điện Bàn, việc giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội từ thị xã đến xã, phường thực hiện thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, việc phát huy tinh thần “hộ giúp hộ” thì rất ít nơi làm được như ở xã Điện Phước.

Kết quả bước đầu

Xã Điện Phước có 8 thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu với 3.468 hộ, 13.782 nhân khẩu. Điện Phước đang hoàn thiện các tiêu chí để nâng chuẩn từ xã NTM nâng cao lên NTM kiểu mẫu. Từ thực tiễn ở địa phương, đầu năm 2024 Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội xã Điện Phước phối hợp ra mắt mô hình “Hộ khá giúp hộ khó”.

Hộ khá là những hộ có điều kiện kinh tế ổn định, nhiều hộ như vậy tự nguyện đóng góp kinh phí, công sức để sửa chữa nhà, mua phương tiện sinh kế, tặng quà… cho hộ có hoàn cảnh khó khăn để có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Tại buổi ra mắt mô hình “Hộ khá giúp hộ khó”, Mặt trận, các tổ chức chính trị, các khu dân cư vận động gần 300 triệu đồng. Đồng thời trao 1 xe nước mía, 8 con bò giống, 3 bộ bàn ghế làm phương tiện sinh kế; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 5 nhà đại đoàn kết; vận động hàng chục triệu đồng hỗ trợ mai táng phí cho người neo đơn khi qua đời; trao 83 suất quà.

Từ khi ra mắt mô hình đến nay, việc giúp nhau cũng khá đa dạng, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu của hộ cần giúp đỡ. Như, một số “hộ khá” giúp “hộ khó” bằng tiền, ngày công lao động để di dời tường rào, cổng ngõ mở rộng đường giao thông nông thôn.

Nhiều hộ có kinh nghiệm và kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi chuyển giao kỹ thuật, giúp những hộ khó khăn có kiến thức để chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, cho thu nhập kinh tế ổn định. Như hộ bà Hà Thị Thúy ở thôn Hạ Nông Đông, bán cà phê và tạp hóa nhỏ, bà được tặng 3 bộ bàn ghế, quán tươm tất nên khách cũng nhiều hơn trước.

Ông Huỳnh Đức Hồng - Bí thư Đảng ủy xã Điện Phước cho biết: “Mô hình này rất sáng tạo và nhân văn, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Qua đó tạo nên sức mạnh đoàn kết, nhất là trong hưởng ứng phong trào thi đua xóa nhà tạm do Thủ tướng Chính phủ phát động với thông điệp “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”.

Duy trì và nhân rộng

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Điện Phước khẳng định, dù mới thành lập, nhưng mô hình đã đi đúng hướng, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Đại diện Hội Nông dân xã trao bò hỗ trợ sinh kế cho hộ bà Lê Thị A, ở thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước. Ảnh: Đào Quốc

Về lâu dài, Mặt trận, các tổ chức chính trị của xã cùng với Ban công tác mặt trận các thôn tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình bằng nhiều hình thức, như vận động “hộ khá” trao tặng sinh kế, học bổng, dạy nghề miễn phí, tặng thẻ bảo hiểm y tế...

Với hình thức hỗ trợ này, cùng một “hộ khó”, sẽ vận động “hộ khá” hỗ trợ đóng bảo hiểm, “hộ khá” khác giúp sinh kế, phát triển kinh tế... Từ đó “hộ khó” có điều kiện vươn lên hết khó.

Gia đình bà Lê Thị A ở thôn Nhị Dinh 3 trước đây làm ăn ổn định. Từ ngày mẹ bà A đau ốm nặng, phải bán tài sản trong nhà để trị bệnh nên kinh tế gia đình rơi vào diện hộ cận nghèo.

Trước hoàn cảnh trên, Hội Nông dân xã Điện Phước kết nối vận động hỗ trợ mua 2 con bò tặng bà A nhằm tạo sinh kế để ổn định cuộc sống.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, thời gian qua nhiều người con xa quê có điều kiện kinh tế khá giả như bà Nguyễn Thị Sinh ở TP.Hồ Chí Minh, ông Mai Thanh Trì - doanh nghiệp ở địa phương luôn đồng hành với mô hình “Hộ khá giúp hộ khó”, mỗi đợt 50-100 triệu đồng tiền quà và nhu yếu phẩm hỗ trợ trường hợp khó khăn.

Bà Trần Kim Thoa - Trưởng ban Dân vận Thị ủy Điện Bàn nhìn nhận, mô hình “Hộ khá giúp hộ khó” không chỉ thể hiện sự đoàn kết, tương thân tương ái của người dân trong cộng đồng, mà qua đó cho thấy tinh thần trách nhiệm, luôn tìm tòi đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và ban công tác mặt trận tại các khu dân cư.

“Mô hình gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền và Mặt trận, đoàn thể, huy động nhiều lực lượng cùng tham gia, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư và mang lại hiệu quả thiết thực.

Tuy thời gian triển khai ngắn, nhưng với hiệu quả đem lại, mô hình “Hộ khá giúp hộ khó” tại Điện Phước đã được nhân rộng trên địa bàn thị xã và ngày càng đi vào chiều sâu” - bà Thoa nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ấm tình “Hộ khá giúp hộ khó” ở Điện Bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO