Ngày 14/10, tổ chức tổng kết phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2009 - 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chọn 20 mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực để xây dựng thành đề án triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030.
Các mô hình tiêu biểu này - được lựa chọn trong số 6.540 mô hình “Dân vận khéo” toàn tỉnh xây dựng, đánh giá công nhận ở giai đoạn 2009 - 2024.
Lựa chọn từ hiệu quả thực tiễn
Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung, việc triển khai thực hiện đề án nhằm cụ thể hóa một trong 7 nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 35, ngày 8/12/2023 của Tỉnh ủy Quảng Nam về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Trong đó, xác định nâng cao chất lượng và triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình “Dân vận khéo”.
Trong 20 mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu được lựa chọn theo đề án, trên lĩnh vực phát triển kinh tế, có mô hình trồng cây dược liệu trên đất hoang của Khối dân vận xã Trà Ka (Bắc Trà My).
Triển khai năm 2021, Khối Dân vận xã Trà Ka vận động 12 hộ dân thôn 2 cải tạo đất bị bỏ hoang, đất bị bồi lấp do thiên tai bão lụt, trồng hơn 1ha nghệ đen.
Từ sự tham gia tích cực của nhóm hộ, tình trạng bỏ hoang đất được khắc phục, xây dựng được nguồn nguyên liệu và sản xuất 3 sản phẩm từ nghệ đen, gồm bột nghệ đen, tinh bột nghệ đen và viên hoàn nghệ đen mật ong.
Riêng đối với sản phẩm “Viên hoàn nghệ đen mật ong” đã được chứng nhận OCOP đạt hạng 3 sao năm 2023. Sản phẩm này đã được trưng bày, bán tại hệ thống siêu thị Co.opMart.
Năm 2023, lợi nhuận thu được từ bán củ nghệ tươi và sản phẩm chế biến đạt gần 60 triệu đồng, góp phần tạo sinh kế, việc làm tại chỗ. Thấy được hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình, nhiều hộ khác đã chủ động cải tạo đất vườn, bỏ hoang của gia đình trồng nghệ. Đây là tiền đề để tiến đến thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã về cây dược liệu này.
Mô hình “Hộ khá giúp hộ khó” của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Điện Phước (Điện Bàn) được chọn nhân rộng trong thời gian tới. Mới thành lập vào đầu năm 2024, song một số kết quả đạt được bước đầu của mô hình đã khẳng định hướng đi đúng, thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, kết nối, chia sẻ và lan tỏa hoạt động nhân đạo, gắn kết tình làng nghĩa xóm giữa “hộ với hộ”.
Không chỉ hỗ trợ trao sinh kế, sửa chữa, xây mới 4 nhà đại đoàn kết, một số “hộ khá” giúp “hộ khó” tiền, ngày công lao động để di chuyển tường rào, cổng ngõ mở rộng đường giao thông; giúp nhau chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.
Ở lĩnh vực an ninh trật tự, có mô hình Tổ tự quản “5 trong 1” của UBND và Khối Dân vận xã Tam Thăng (Tam Kỳ) được chọn nhân rộng theo đề án. Ra mắt mô hình ở thôn Kim Đới với 20 thành viên vào năm 2022, một năm sau đã nhân rộng ra toàn bộ 8 thôn của xã, với 169 thành viên.
Hoạt động tự nguyện, theo phương châm “3 không” (không lương, không phụ cấp, không quyền lợi), các tổ tự quản phối hợp với Công an xã tổ chức hơn 300 lượt tuần tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý 37 vụ trộm cắp tài sản, khai thác cát trái phép, sản xuất vôi gây ô nhiễm môi trường, đánh bạc… Qua đó hỗ trợ công an xử lý 73 đối tượng, góp phần làm giảm hẳn tình trạng trộm cắp, đánh nhau gây rối trật tự công cộng…
Nhất quán quan điểm “Dân là gốc”
Với đề án vừa được triển khai đến hội nghị, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung cho hay, cùng với tăng cường trách nhiệm, hành động cụ thể của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình, Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo phát động xây dựng mới các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực.
Trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình gắn với cụ thể hóa các chủ trương lớn của Trung ương, của tỉnh; các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là những việc có tính chất mới, khó, phức tạp, đặc thù.
“Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao chỉ tiêu cho mỗi cấp ủy cấp huyện lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng mới ít nhất 2-3 mô hình “Dân vận khéo” ở các lĩnh vực có chất lượng, có tính lan tỏa cao và lựa chọn ít nhất một mô hình điển hình để giới thiệu, tổ chức nhân rộng.
Đối với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh lựa chọn xây dựng mới, duy trì hiệu quả ít nhất một mô hình điển hình “Dân vận khéo” trên phạm vi chuyên môn, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, đơn vị mình trong giai đoạn 2025 - 2030” - bà Dung nói.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đánh giá, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện khá tốt, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua. Nhiều mô hình sáng tạo và hiệu quả, đã huy động sức mạnh của nhân dân để tạo nên những bước chuyển của tỉnh sau hơn 25 năm tái lập.
Cũng theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải tiếp tục được triển khai thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả, sôi nổi và thực chất hơn nữa mới huy động được sức mạnh nội sinh của toàn dân, trở thành động lực để hoàn thành những mục tiêu phát triển của Quảng Nam đặt ra trong thời gian tới. Trong quá trình thực hiện, cần luôn nhất quán, xuyên suốt quan điểm “Dân là gốc”, là chủ thể của công cuộc đổi mới.
Toàn tỉnh tiếp tục làm tốt công tác “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, quan tâm tập trung sâu sắc hơn đối với một số lĩnh vực liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xóa nhà tạm; cải cách hành chính, chuyển đổi số, dân vận chính quyền…
“Công tác “Dân vận khéo” trong xây dựng các mô hình tự quản, đảm bảo an ninh trật tự rất quan trọng, nhằm giữ gìn môi trường sống thanh bình để chúng ta có điều kiện phát triển. Đã có nhiều mô hình hay ở lĩnh vực này, cần chú trọng phát triển nhân rộng, để tăng cường tinh thần tự quản trong người dân. Ở thôn, khu phố phải là những nơi phát động mạnh mẽ phong trào giúp nhau giảm nghèo; phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự; vệ sinh môi trường và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh” - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.