Với các huyện miền núi trong tỉnh, thời điểm này đã vào mùa mưa lũ nên áp lực giải ngân vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia vô cùng lớn. Giải ngân kịp hay không vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp.
Danh mục đầu tư nơi có nơi chưa
Ngày 22.9 vừa qua, HĐND huyện Tây Giang ban hành các nghị quyết phê duyệt danh mục công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển từ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022, gồm giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong năm 2022, chương trình giảm nghèo bền vững có kế hoạch vốn đầu tư hơn 69 tỷ đồng; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kế hoạch hơn 53,9 tỷ đồng; chương trình nông thôn mới hơn 14,4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: “Tháng 10.2021, UBND huyện đã chuẩn bị công tác đầu tư của năm 2022, đến nay có 6 công trình đã xong thủ tục đầu tư.
Cố gắng từ nay đến nửa cuối tháng 10.2022 sẽ phê duyệt xong phần thủ tục đầu tư, cố gắng thực hiện, nhưng trong mùa mưa bão nên chắc chắn sẽ khó khăn. Dù có nhiều cố gắng nhưng áp lực giải ngân rất lớn đối với huyện miền núi như Tây Giang”.
Tại huyện Đông Giang, đến nay chưa thành lập Văn phòng điều phối các chương trình MTQG; HĐND huyện chưa thông qua danh mục công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển từ các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022.
Theo UBND huyện Đông Giang, năm 2022, tổng nguồn vốn được giao để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia hơn 146 tỷ đồng; trong đó vốn xây dựng nông thôn mới hơn 20,9 tỷ đồng, giảm nghèo bền vững hơn 65,9 tỷ đồng, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 59,1 tỷ đồng.
Ông Avô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: “Đến ngày 7.10, HĐND huyện sẽ họp thông qua danh mục đầu tư, hồ sơ đã chuẩn bị sẵn. Áp lực thời gian còn ngắn để thực hiện, giải ngân nguồn vốn, nên huyện chọn cách phân bổ mỗi công trình 50 - 60% vốn, còn lại để năm 2023 phân bổ tiếp, nhằm đảm bảo giải ngân được nguồn vốn năm này”.
Nhiều khó khăn
Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nêu khó khăn: “Nguồn vốn đầu tư công năm 2022 phân bổ trễ lại rơi vào mùa mưa nên ảnh hưởng nhiều đến giải ngân.
Đối với một số công trình ở miền núi như giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, nhà văn hóa, khu thể thao..., huyện đề nghị tỉnh sớm ban hành cơ chế đặc thù theo quy định, đồng thời nghiên cứu phân cấp cho UBND cấp huyện xây dựng thiết kế mẫu phù hợp với đặc thù và văn hóa miền núi.
Nguồn vốn sự nghiệp của chương trình giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa phân bổ và chưa có hướng dẫn sử dụng vốn”.
Tương tự, khó khăn của huyện Đông Giang không nằm ngoài nguồn vốn phân bổ chậm trong khi mùa mưa lũ đã đến, do đó trở ngại trong đầu tư, giải ngân; năng lực cán bộ thôn, xã còn hạn chế; tiêu chí các chương trình đều nâng cao nên khó đạt mục tiêu đề ra.
Tại các cuộc làm việc với các huyện trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị các sở, ngành tiếp thu các kiến nghị của các huyện, tập trung hướng dẫn các huyện thực hiện các chương trình.
Các huyện chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện, chương trình nào đã có nguồn vốn thì thực hiện ngay, chương trình nào chưa phân bổ thì sẵn sàng, có nguồn vốn về là bắt tay thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì huyện và các phòng, ban liên hệ trực tiếp các văn phòng điều phối chương trình cấp tỉnh để tháo gỡ kịp thời.
Ông Tuấn yêu cầu: “Huyện nào chưa có Văn phòng điều phối các chương trình MTQG thì khẩn trương thành lập ngay. Các huyện cần cập nhật hệ thống văn bản của Trung ương, tỉnh, huyện cho 3 chương trình, bám sát quy định. Vốn được bố trí phải hợp lý, thiết thực, không dàn trải, không manh mún. Huyện xác định từng đầu việc, cách làm cho từng dự án của từng chương trình.
Nắm chắc quy định đầu tư chung theo Luật Đầu tư công và riêng của từng chương trình, đảm bảo giải ngân nguồn vốn theo quy định. Các huyện phải đặt ra tiến độ hoàn thành cho từng dự án, đảm bảo các điều kiện về quy hoạch, sử dụng đất, có thời gian cụ thể phê duyệt dự án, hoàn thành từng dự án. Tiếp theo các huyện cần báo cáo kế hoạch vốn 3 chương trình năm 2023, trên cơ sở đó các ngành tham mưu chuẩn bị”.