Lao động - Việc làm

Đưa chính sách giáo dục nghề nghiệp đến lao động miền núi

DIỄM LỆ 20/11/2024 10:18

(QNO) - Thông qua các buổi truyền thông chính sách giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH đã đưa chính sách này đến với lao động miền núi để thúc đẩy việc học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp của lao động miền núi.

Tiếp cận chính sách

Các buổi truyền thông chính sách đã được Sở LĐ-TB&XH tổ chức ở các huyện nghèo khu vực miền núi của tỉnh. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Tiểu dự án 3 của Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động (LĐ) vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

z6031635437606_e82ca6ca1d751673bd0ae6aca11506f5.jpg
Sở LĐ-TB&XH truyền thông chính sách giáo dục nghề nghiệp đến lao động miền núi. Ảnh: D.L

Theo ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, giáo dục nghề nghiệp ở khu vực miền núi của tỉnh đã được thực hiện bằng nhiều chương trình, dự án trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn phần đông LĐ khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi chưa tham gia học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp hoặc nâng cao thu nhập từ chính nghề nghiệp mà họ đang làm hàng ngày. Nhiều chính sách được ban hành và thực hiện trong các chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng vẫn còn nhiều LĐ chưa qua đào tạo đang tham gia trong thị trường LĐ, sẽ khiến chất lượng LĐ không cao.

Tại cơ sở, theo ông Lê Thanh Việt - Bí thư Chi bộ thôn 2 (xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn), nhiều LĐ miền núi, LĐ đồng bào dân tộc thiểu số chưa quan tâm nhiều đến việc đi học nghề, chỉ bám nương rẫy, làm thủ công bằng kinh nghiệm dân gian qua bao đời. Vì thế mà đời sống không thể nâng cao được vì họ chỉ làm để ăn qua ngày, chưa quan tâm đến việc học nghề để đi ra ngoài làm việc, hoặc học nghề để làm ra sản phẩm nông nghiệp ở miền núi có thể bán ra thị trường.

Ông Việt nói: "Việc tỉnh, huyện nói cụ thể, rõ ràng các chính sách hỗ trợ học nghề, đi làm việc ở trong và ngoài nước đối với LĐ ở miền núi, người đồng bào dân tộc thiểu số như thế này sẽ giúp cho chi bộ, Ban nhân dân thôn được rõ hơn. Chúng tôi sẽ nói lại chính sách này đến với người LĐ của thôn. Trong thôn vẫn còn nhiều LĐ chỉ làm nương rẫy, dù còn rất trẻ. Họ nên đi học nghề, có rất nhiều chính sách của trung ương, tỉnh hỗ trợ nên không tốn kém nhiều mà vẫn có nghề, có việc làm thì LĐ nên thay đổi, nên đi ra để thoát nghèo".

z6031655731511_ec9b06904151b4fb9000797915a19c21.jpg
Nhiều chính sách cụ thể được người lao động miền núi tìm hiểu qua các buổi truyền thông chính sách. Ảnh: D.L

Báo cáo viên của Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã tuyên truyền các chính sách cụ thể hỗ trợ cho người LĐ. Người LĐ được hỗ trợ chi phí học nghề, ăn, ở, đi lại, hỗ trợ phần chi phí đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, được chuẩn hóa kỹ năng LĐ, các cơ quan chức năng còn kết nối việc đào tạo và giải quyết việc làm cho LĐ. Sở LĐ-TB&XH còn cung cấp thông tin thị trường LĐ, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho LĐ là người dân tộc thiểu số.

Với học sinh, sinh viên của Trường Cao đẳng Quảng Nam ở cơ sở đào tạo miền núi (Nam Giang), thì các em được tìm hiểu về vấn đề đào tạo nghề gắn với khởi nghiệp, lập nghiệp. Học sinh, sinh viên được tìm hiểu các khái niệm, nội dung cơ bản liên quan về lập nghiệp, khởi sự kinh doanh, Startup (khởi nghiệp), Innovation startup; Cách thức xây dựng “ngân hàng ý tưởng khởi nghiệp”. Đặc biệt, với mỗi người khi bắt đầu học nghề, lập nghiệp thì cần có tinh thần - thái độ - kiến thức - kỹ năng về vấn đề này, đó là công cụ cần có đối với người khởi nghiệp. Những cơ hội và thách thức đối với học sinh, sinh viên khởi nghiệp từ khi còn “trên ghế nhà trường” cũng được phân tích cụ thể để các em tìm hiểu, nhất là trong điều kiện ở khu vực miền núi thì người khởi nghiệp, lập nghiệp rất cần nhận được sự hỗ trợ của chính sách và tận dụng tốt chính sách.

20241117_090841.jpg
Lao động miền núi tham gia học nghề cơ khí. Ảnh: D.L

Nhiều chính sách hỗ trợ

Mục tiêu thực hiện dự án nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu LĐ, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người LĐ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó hỗ trợ LĐ là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường LĐ, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.

Đối tượng thụ hưởng chính sách từ dự án là người LĐ dân tộc thiểu số, người LĐ là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các trung tâm dịch vụ việc làm, cơ sở giới thiệu việc làm có hoạt động liên quan đến người LĐ là người dân tộc thiểu số và người LĐ là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng được đầu tư từ chương trình.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, tổ chức đưa người LĐ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài; các tổ chức, cá nhân tư vấn cho người LĐ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài tham gia vào chương trình cũng nhận được sự hỗ trợ từ chính sách.

Nội dung hỗ trợ khá đa dạng. Dự án hỗ trợ cho việc xây dựng các mô hình đào tạo nghề, giao nhiệm vụ/đặt hàng/đấu thầu đào tạo nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả việc làm sau đào tạo.

20241117_102224.jpg
Tham gia đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động ở miền núi thì người lao động hưởng chính sách và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng được đầu tư từ các chương trình. Ảnh: D.L

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người dạy nghề; phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy; xây dựng các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp; số hóa các chương trình, giáo trình, học liệu; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý dạy và học; hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình nhà xưởng, phòng học, ký túc xá và công trình phục vụ sinh hoạt, tập luyện cho người học; mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ đào tạo. Tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài; kiểm tra, giám sát đánh giá; xây dựng bộ chỉ số (KPI) để làm cơ sở giám sát và đánh giá việc triển khai các nội dung theo mục tiêu của dự án và xây dựng phương pháp, cơ chế giám sát, đánh giá và đề xuất điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án.

z6031743315214_b443acd16695dd6e3b6d93583c8f0836.jpg
Đội ngũ cán bộ thôn, xã được truyền thông chính sách để phổ biến, tuyên truyền đến người lao động tốt hơn. Ảnh: D.L
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa chính sách giáo dục nghề nghiệp đến lao động miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO