(QNO) - Việc liên kết sản xuất với các thành viên, hộ gia đình giúp các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động bền vững, tạo thu nhập cho lao động vùng nông thôn.
Không chịu cảnh nghèo khó, đầu năm 2008 bà Đặng Thị Hương (thôn Vinh Huy, Bình Trị, Thăng Bình) đã xin chính quyền địa phương hỗ trợ cho đi tham quan và học nghề tại Hà Tây (Hà Nội). Sau khóa học bà Hương về quê đầu tư máy móc thiết bị, thuê nhân công để sản xuất phở khô mang thương hiệu “Cơ sở sản xuất phở khô Hương Huệ”.
Phở khô được làm bằng 100% nguyên liệu gạo tẻ, tuyệt đối không sử dụng hàn the hoặc hóa chất để tẩy trắng nên sợi phở luôn dẻo, dai và thơm ngon. Sản phẩm đã tạo được uy tín nên được người tiêu dùng đón nhận.
Nhận thấy cần phát triển quy mô hơn, bà Đặng Thị Hương đã thành lập HTX Hương Huệ - Thăng Bình. Từ một cơ sở nhỏ lẻ làm phở khô thì nay HTX Hương Huệ đã đầu tư kinh phí 1,7 tỷ đồng vào hệ thống máy móc để mở rộng chuỗi sản phẩm của mình với bún khô, mỳ Quảng khô, bánh hỏi, bánh tráng cuốn, phở khô.
Quy trình sản xuất hiện đại và khép kín từ khâu nguyên liệu đến khâu đóng gói đều được kiểm tra nghiêm ngặt. Đặc biệt, công đoạn sản xuất không tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, bụi bẩn nên chất lượng sản phẩm luôn được bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Đến nay, mỗi ngày HTX có thể sản xuất ra 1 tấn khô phở, mì, bánh tráng cuốn. Nhờ đó, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 thành viên, 12 lao động địa phương với thu nhập từ 7 đến 10 triệu/tháng. Tôi rất mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ về kinh phí thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm để thu hút người tiêu dùng hơn. Thêm vào đó, tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn để HTX có thể hoạt động tốt, tạo được nhiều công ăn việc làm hơn cho lao động tại địa phương” - bà Hương đề nghị.
[VIDEO] - Xưởng sản xuất của HTX Hương Huệ - Thăng Bình:
Còn HTX Gà ta Mười Tín (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) được thành lập vào năm 2017, đến nay đã trở thành mô hình kinh tế đem lại thu nhập ổn định cho 5 thành viên tham gia.
Trong số các hộ thành viên, ông Nguyễn Sơn (thôn Thạch Tân, Tam Thăng) là thành viên tiêu biểu với số lượng gà nuôi nhiều nhất. Từ khi bắt đầu thực hiện mô hình liên kết nuôi gà với HTX, ông đã mở rộng khu đất chăn nuôi lên đến 6.000m2.
“Nhờ vào sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm tận tình của các thành viên trong HTX, việc chăn nuôi trở nên thuận lợi hơn, đầu ra cho sản phẩm cũng được đảm bảo. Hiện nay, trang trại của tôi bán ra hơn 1 vạn con gà mỗi năm, đóng góp vào sự thành công chung của HTX” - ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Văn Mười - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Thăng cho biết, đến nay, trên địa bàn xã Tam Thăng có 4 HTX đang hoạt động gồm: HTX Gà ta Mười Tín, HTX Nông nghiệp Tam Thăng 1, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Thăng và HTX Dịch vụ sen sông Đầm.
“Các HTX đã không ngừng đổi mới trong chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cải thiện thu nhập cho các hộ thành viên, tạo việc làm cho lao động của xã và thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững” - ông Mười khẳng định.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, Quảng Nam có gần 570 Liên hiệp HTX và HTX nông nghiệp và hơn 50% số HTX này có tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Các HTX đã tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế thành viên và hộ gia đình, hỗ trợ thành viên liên kết trong sản xuất kinh doanh. Thông qua các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên như giảm chi phí đầu vào, tăng sản lượng đầu ra nên góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội cho vùng nông thôn.
“HTX nông nghiệp đã từng bước khắc phục một số mặt yếu kém của mô hình kinh tế hộ gia đình về vốn, công cụ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất. Điều này giúp tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP đem lại hiệu quả”
Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh