(Xuân Ất Tỵ) - Cho đến bây giờ, việc kiến giải địa danh Bà Rén (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) vẫn còn ẩn số. Sông Bà Rén bao đời chứng nhân vùng đất vẫn lặng lẽ soi bóng thời gian...
Chợ Bà Rén
Chợ Bà Rén không phải là ngôi chợ cổ vì không thấy giới thiệu trong “Đại Nam nhất thống chí” của triều Nguyễn. Chợ nằm ở vị trí đắc địa ngay bên quốc lộ 1 (cũ), lại gắn với một bến sông, có thể liên lạc với cả nguồn và biển, là trung tâm của vùng dân cư đông đúc. Đến chợ Bà Rén có thể mua được phong phú mặt hàng, đặc biệt là những đặc sản của địa phương Quế Sơn như khoai chà, đường bát, bánh tráng sắn, phở sắn…
Sự độc đáo của chợ Bà Rén còn ở sự hiện diện của khu chợ heo, chuyên bán heo con, heo giống cho các địa phương. Chợ họp từ rạng sáng đến gần trưa thì vãn. Có thời đây là khu chợ heo lớn nhất của miền Trung, mỗi buổi có thể giao dịch hơn 500 con heo.
Ra đời hơn nửa thế kỷ, có lúc thịnh lúc suy nhưng chợ heo Bà Rén luôn tồn tại. Ai xuôi Nam Bắc mời ghé chợ nghe câu hát: “Ai về Bà Rén ghé chợ heo/ Vui tai, bắt mắt chuyện tầm phèo/ Heo rẻ người xung, vung bao chuyện/ Trưa tan, buổi chợ đã lèo nhèo”.
Những luận cứ
Sông Bà Rén là đoạn sông nhỏ dài 18km tách ra từ sông Thu Bồn ở khu vực cầu Chìm, xã Duy Trung (huyện Duy Xuyên), chảy qua ranh giới giữa hai huyện Duy Xuyên và Quế Sơn rồi nhập trở lại Thu Bồn ở địa phận xã Duy Thành. Người địa phương diễn tả hiện tượng “tách - nhập” của dòng sông một cách đầy hình tượng: “Đi cho cố rồi cũng quay về”!
Theo một số nhà địa lý thì Bà Rén là đoạn “sông chết” của Thu Bồn. Theo họ thì trước đây Bà Rén là một đoạn sông Thu Bồn. Một lần lũ lớn sông đổi dòng chảy theo dòng chảy mới như ngày nay (qua cầu Câu Lâu). Đoạn sông cũ ngày càng thu hẹp và bồi lấp. Sức sống mạnh mẽ của dòng mới (Thu Bồn) và sự trầm lắng của dòng cũ (Bà Rén) nói lên điều đó. Cũng chính sự trầm lắng do nước chảy chậm và phù sa lắng tụ mà con hến có điều kiện phát triển mạnh ở sông Bà Rén. Món hến ở đây ngon cũng vì lẽ đó.
Có nhà nghiên cứu còn cho rằng, Bà Rén mới là ranh giới Việt - Chiêm thời Huyền Trân về làm dâu Chiêm quốc. Tác giả Hồ Trung Tú trong tác phẩm “Có 500 năm như thế” (NXB Đà Nẵng, năm 2012) đã chọn sông Bà Rén (chứ không phải là Thu Bồn) làm ranh giới để chia giọng Quảng thành hai khu vực: Bắc và Nam Quảng Nam.
Thêm nữa, đến nay có người vẫn cho rằng đình làng Phụng Châu Đông (đình Đông) nằm sát bờ bắc sông Bà Rén là để thờ những chiến binh đầu tiên sang sông đi vào đất Chiêm trong cuộc Nam chinh của Lê Thánh Tông năm 1471. Mặt khác, nhiều ngôi làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong được ghi trong “Ô châu cận lục” của Dương Văn An cũng nằm ở phía nam sông Bà Rén như Mông Nghệ, Mông Lĩnh, Trà Đình …
Bà Rén hay Bà Rắn?
Sách “Địa chí Quảng Nam”, trang Thông tin điện tử TP.Đà Nẵng, Trường Đại học KH-XH&NV TP.Hồ Chí Minh (bài “Đặc điểm địa danh Quảng Nam”) và sách “Địa danh Quảng Nam - Xưa và Nay” (của Võ Văn Hòe, NXB Đà Nẵng) đều cho rằng địa danh Bà Rén là do “giọng Quảng phát âm rắn thành rén”. Nơi này vốn có tên Bà Rắn vì có ngôi miếu thờ một phù điêu với hình tượng rắn thần Naga.
Võ Văn Hòe trong tác phẩm vừa dẫn viết: “Bà Rén là tên một xứ đất nay thuộc xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn giáp huyện Duy Xuyên. Trong sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn năm 1776 chép: Ba xứ Phường Tây, Thu Bồn và Vực Rắn đều là đại đồng điền của hai xứ Thăng Hoa và Điện Bàn. Vào thời Champa tại nơi đây có một ngôi đền thờ thần rắn Naga bằng đá sa thạch. Từ xứ đất có đền thờ rắn đặt tên cho đoạn sông Thu Bồn chảy qua đây là sông Bà Rén. Sau đó do sông thay đổi dòng, đền thờ thần rắn không còn” (trang 523, 524).
Hoài Quảng trong bài “Nghĩ về ngữ địa danh ở xứ Quảng” không đồng tình với cách lý giải trên mà dựa vào một đoạn của Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục”: “Từ tuần Ải Vân đi đến dinh Quảng Nam, tục gọi là Dinh Chiêm ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên, không quá hai ngày. Như đại quân đóng đồn ở Dinh Chiêm, mà đi vào kinh lược thì qua sông đến Kẻ Thế (cầu có ván nhỏ), sông Bà Rèn, đầm Khoai (3 cầu ván nhỏ)…” mà cho rằng: “Như vậy, tên Bà Rén đã có từ lâu đời, ít nhất là trước thế kỷ 18. Tên gọi này không liên quan gì đến tượng nữ thần có hình rắn Naga nhiều đầu mà người dân ở đây nói chệch thành “rén”.
Theo ông thì: “đó có thể là tên gọi một nhân vật do dân gian gọi lâu ngày mà thành” hoặc: “có thể từ “lò rèn” mà nhiều người quy ước trở thành địa danh quen thuộc, sau “rèn” biến thành “rén”.
Chuyện ở Bà Rén ngày trước có ngôi miếu thờ rắn hay tìm thấy bức phù điêu có hình tượng rắn là chuyện rất có thể vì đối với người Chăm, do chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, rắn là một linh vật. Hình tượng rắn xuất hiện rất nhiều trong những kiến trúc điêu khắc của họ.
Tại Mỹ Sơn, Trà Kiệu (rất gần Bà Rén) đã từng phát hiện nhiều phù điêu rắn nổi tiếng vào các năm 1903 và 1927 (hiện còn lưu trữ tại Viện Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng và Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh).
Chuyện Bà Rèn trong “Phủ biên tạp lục” có thể cũng là cách nghe rồi diễn dịch của một người Bắc (Lê Quý Đôn và thuộc cấp) từ cái giọng Quảng “khó nghe” về chữ rắn trong Bà Rắn mà thôi. Luận điểm của Hoài Quảng cũng chỉ là một cách lý giải.