Bánh trái thơm hương...

XUÂN HIỀN 06/11/2022 06:02

Chiêu một ấm trà, bày biện quanh mấy chiếc bánh dừa nướng, mùi thơm tỏa ra se sẽ, như ngưng lại ở mỗi quãng nghỉ của cuộc chuyện. Từ bao giờ, Phan Đình Tuấn lựa chọn cách dựng tuổi tên mình bằng chính món ngon của phố nhỏ Tam Kỳ...

Tuấn Dừa - Phan Đình Tuấn. Ảnh: X.H
Tuấn Dừa - Phan Đình Tuấn. Ảnh: X.H

Dựng lại nghề  gia truyền

Phan Đình Tuấn nói nhà mình cả thảy 4 anh em đều... “ưa ngọt”. Để thương hiệu Bảo Linh ra đời từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, là những gom góp, vun đắp của một gia đình đông con làm bánh mì, bánh ngọt của Tam Kỳ. Xưởng bánh mì của gia đình này đã lưu dấu ấn đậm sâu với những người từng đặt chân đến con phố Phan Châu Trinh thuở nọ.

Phan Đình Tuấn kể, từ người cha mình, rồi đến những tốp thợ khắp nơi về làm bánh cho gia đình, mà cái không khí, hành trình từ bột đường đậu mè... cho ra một chiếc bánh ngọt, là những ám gợi cả trời tuổi thơ mà chưa bao giờ anh quên được.

Những tiếng cười nói, những hư ảo sương khói mỗi lúc nhóm lửa nướng bánh, rồi mùi thơm tỏa ra, là thứ ký ức khó diễn tả thành lời. Ngày nhỏ, anh từng ao ước cứ được đứng mãi ở lò bánh ngay cổng chợ, để hít hà lấy mùi hương dày vị như sờ thấy được, thảng hoặc lại xa như bay từ đâu đó tới.

Hít một hơi thật sâu để hương thơm của đường bột vừa nướng chín dậy lên thành khoảnh khắc của một đứa trẻ hạnh phúc, hệt như chính mình vừa trải qua một bữa tiệc của mùi hương thơ trẻ.

Có lẽ với Phan Đình Tuấn, ký ức của một chàng trai xuất thân từ gia đình làm bánh ngọt còn dày dặn hơn thế. Để nhiều năm sau này, một chàng kỹ sư xây lắp điện, rồi một thầy giáo dạy tin học, phải mò mẫm để dựng lại nghề của gia đình.

Tuấn nói vốn dĩ Bảo Linh là xưởng bánh của anh trai cả mình, kế nghiệp từ gia đình. Nhưng những năm 1990, nghề bánh thủ công gần như rơi vào khủng hoảng với việc xuất hiện hàng loạt loại bánh công nghiệp.

Nhanh, rẻ và thậm chí còn bắt mùi vị hơn so với bánh thủ công. Đó chính là cơn cớ để khi ấy, không chỉ xưởng bánh của gia đình anh Tuấn mà rất nhiều cơ sở làm ẩm thực gia truyền khác, phải ngậm ngùi cảnh vắng lặng, thậm chí dở dang.

Cho đến giữa những năm 2000, Phan Đình Tuấn vừa làm công chức vừa tiếp quản lò bánh từ anh trai. Không tiếc gì, chỉ xót khi nghĩ đến nghề của cha mình, công sức cha mình sẽ bị quên lãng, nếu lò bánh phải dừng lại. Và cứ thế, Tuấn bám trụ cùng Bảo Linh, từng ngày một đưa xưởng bánh này phát triển.

 Đặc sản bánh dừa nướng

Và lạ lùng khi Quảng Nam không phải xứ dừa, nhưng bánh dừa nướng trở thành đặc sản.

Nhân công làm việc tại xưởng sản xuất bánh dừa nướng Bảo Linh.
Nhân công làm việc tại xưởng sản xuất bánh dừa nướng Bảo Linh.

“Thật ra bánh dừa nướng Bảo Linh có nguồn gốc từ bánh dừa dẻo - là đặc sản của Bình Định. Ngày đó, xưởng bánh gia đình chỉ sản xuất bánh mì ngọt, bánh dừa dẻo bán vào những hôm rằm, mùng 1. Nhưng bánh dừa dẻo hạn sử dụng ngắn, chỉ để được tầm 1 tuần trở lại.

Vậy là có một anh thợ xưởng bánh của cha tôi khi đó đề xuất cách nướng bánh dừa dẻo để xem thành phẩm ra sao. Không ngờ làm vài lần cảm thấy sản phẩm này có thể bán ra thị trường, vậy là Bảo Linh bắt đầu có bánh dừa nướng” - Phan Đình Tuấn kể.

Và căn nguyên bắt đầu từ những năm cuối 1990 này đủ dẫn dắt để từng ngày một, Bảo Linh với sản phẩm thế mạnh là bánh dừa nướng được lựa chọn để trở thành đặc sản Quảng Nam.

Bột nếp, rồi dừa sợi, vani, đường kính... là những nguyên liệu giản đơn trong căn bếp xứ Quảng. Nhưng để ra đúng vị bánh dừa nướng, các khâu cực kỳ quan trong là lựa chọn nguyên liệu, tỷ lệ gia vị và kỹ thuật nướng bánh.

Phan Đình Tuấn nói, những ngày đầu, anh đến tận các vùng dừa của Bình Định, Bến Tre để đưa ra yêu cầu về nguyên liệu chủ chốt này. Rồi bột nếp, phải là những hột nếp bung mẩy mới đủ độ ngậy, độ giòn cho bánh...

Cho đến cả tỷ lệ phối trộn nguyên liệu, nhiệt độ nướng ra sao để bánh tươm màu nhưng không bị đắng vì quá lửa... Rất nhiều thứ dung chứa trong một chiếc bánh nhỏ, mà nếu không tỉ mẩn từng khâu, sẽ dễ dàng mang tâm huyết đổ sông đổ biển.

Từ một chiếc bánh, phải làm sao để dựng nên thương hiệu? Đó là câu chuyện của cả một quá trình chăm chút, nuôi dưỡng và tìm kiếm thị trường. Thời gian đầu tiếp quản xưởng, anh một mình chạy xe máy khắp từ Phước Sơn, Hiệp Đức, Trà My cho đến Đà Nẵng, Huế để tìm khách hàng.

Và may mắn đã không phụ người, đến nay, bánh dừa nướng Bảo Linh có mặt hầu khắp các chuỗi siêu thị Co.opMart, Lotte... cho đến khách sạn lớn, khu trưng bày, khu du lịch trên cả nước. Mỗi tháng, anh bán ra thị trường hơn 10 tấn bánh, doanh thu gần 500 triệu đồng. Và ở các sàn thương mại điện tử, Bảo Linh cũng là tên một thương hiệu được lựa chọn để quảng bá về đặc sản Quảng Nam.

Giữ hương xưa

Từng rất nhiều lần, những người con xứ Quảng ngồi với nhau trên đất lạ, tự hỏi món gì quê hương mình có thể gói ghém được, để đãi đằng bạn bè phương xa? Là mỳ Quảng thì hốt nhiên phải lỉnh kỉnh đủ nguyên liệu, là các loại thủy hải sản khô thì nơi nào gần biển chẳng có.

Chính lúc đó, những chiếc bánh thủ công của quê nhà xuất hiện trong lựa chọn. Nhón một chiếc bánh từ Tam Kỳ mang đi chẳng hạn, lại hình dung ra một đoạn phố lạ lùng nối giữa Chợ Mai ngày cũ kéo đến khúc quanh co dưới chân tháp truyền hình. Ăn món đặc sản, là nhấm nháp lấy cái nhớ thương của đất quê mẹ, là để tâm trí ngược dòng lục lọi bao nhiêu ký ức về vùng cội nguồn.

 

Hơn 30 năm, bánh dừa nướng có mặt trên đất Tam Kỳ. Thì cũng phần nào đó, nó là ký ức của những đứa trẻ ngày cũ đi xa. Tôi cứ đoan chắc những thế hệ 8X cư dân Tam Kỳ, ai chưa từng được mẹ cha dúi vào tay mấy chiếc bánh dừa nướng bao bọc sơ sài, để... “lên tàu ngồi nhai”.

Để có người bạn lứa tuổi mình bỗng chốc như reo lên khi bất chợt thấy bánh dừa nướng Bảo Linh trên một kệ nọ tại xứ Hàn. Bạn nói như trở về cả trời tuổi thơ loay hoay chờ mẹ mỗi buổi chợ mai, lấm lét xem trong giỏ có thêm mấy cái bánh dừa nướng ngọt ngây trên phố mang về không...

Phan Đình Tuấn nói anh thấy mình may mắn khi có những “khách hàng” trở thành nhịp cầu nối giữa bánh trái quê nhà với xứ sở phương xa. Năm 2019, bánh dừa Bảo Linh xuất những công hàng đầu tiên sang Hàn Quốc. Để đây trở thành câu chuyện kết nối cho những lần xuất ngoại sau này của Bảo Linh.

Cũng từ đây, ý thức về bao bì và thương hiệu, bên cạnh chất lượng sản phẩm, được Phan Đình Tuấn đầu tư hơn. Năm 2020, bánh dừa nướng Bảo Linh trở thành sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên trên địa bàn TP.Tam Kỳ.

Và đã có những phụ nữ ở các khu tái định cư, khi đất nông nghiệp không còn cũng đồng thời không có việc làm, được nhận vào xưởng sản xuất của Tuấn. Anh nói, chính họ là những người phần nào đó làm cho món bánh dừa nướng của Bảo Linh đậm đặc vị Quảng hơn. Hơn 30 phụ nữ ngấp nghé tuổi xế chiều cùng những đôi tay thoăn thắt trong căn nhà xưởng rộng chừng 500m2, từng ngày cần mẫn tạo nên món ngon đặc sản xứ Quảng.

Tôi nhìn kỹ một lượt gương mặt của ông chủ sinh năm 1977, người mà giới khởi nghiệp Tam Kỳ vẫn đùa nhau là Tuấn Dừa - “dành cả thanh xuân để làm bánh”, hình như vẫn còn rất nhiều toan lo.

Dù Bảo Linh đã định danh và đứng vững trên thị trường, nhưng trong vòng xoáy của thương mại điện tử, của công nghệ số, của thế giới phẳng, dù là sản phẩm thủ công, anh vẫn phải bắt nhịp.

Tuấn nói, Bảo Linh đang làm thủ tục để lên sàn Amazone, Alibaba và sắp tới sẽ ra mắt văn phòng giới thiệu sản phẩm cũng như hoàn thành việc thành lập HTX Bảo Linh.

Có lẽ, làm mọi thứ cũng để đưa hương bánh trái quê xứ mình bay xa hơn...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bánh trái thơm hương...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO