Khởi nghiệp - OCOP

Phát triển sản phẩm OCOP ở Nam Giang: Còn nhiều rào cản

HOÀI NHI 26/11/2024 08:54

Huyện miền núi Nam Giang có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng nhưng đến nay vẫn còn hạn chế trong việc xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường do thiếu các giải pháp đồng bộ.

2.jpg
Nam Giang có nhiều sản phẩm đặc trưng có thể phát triển thành sản phẩm OCOP. Ảnh: PV

Phát triển sản phẩm đặc trưng

Từ khi được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, túi A’Đhir của HTX Dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra (xã Tà Bhing, Nam Giang) được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Bà Nguyễn Thị Kim Lan - Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra cho biết, đến nay đơn vị có 28 thành viên, đều là phụ nữ trong thôn Za Ra. Các sản phẩm của HTX bao gồm túi, khăn, ví, khố, áo choàng, váy; trong đó túi A’Đhir được xếp hạng OCOP 3 sao.

“Túi A’Đhir được làm rất công phu, thiết kế mang tính ứng dụng cao, hoa văn độc đáo nên được nhiều người lựa chọn” - bà Lan nói.

Cũng theo bà Lan, từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, túi A’Đhir bán chạy hơn so với nhiều sản phẩm khác. Một phần vì túi rất gọn nhẹ, dễ sử dụng nên khách hàng rất ưa chuộng. Riêng năm 2024, HTX Dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra cung ứng ra thị trường khoảng 800 dòng sản phẩm, mang về doanh thu hơn 140 triệu đồng.

4.jpg
Phụ nữ Nam Giang trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc sản bản địa. Ảnh: PV

Ngoài sản phẩm túi A’Đhir của HTX Dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra, đến nay huyện miền núi Nam Giang đã có 5 sản phẩm khác được xếp hạng 3 sao OCOP.

Bao gồm: thịt heo đen Pơ Riêng của hộ kinh doanh A Lung Trinh; hoa đu đủ ngâm mật ong Hương Quyền của hộ kinh doanh Văn Đình Quyền; mắm cải Đắc Hía của hộ kinh doanh Zơ Râm Năm; rượu Nếp Tăm của hộ kinh doanh Pơ Loong Vinh; muối ớt răng ray Thảo Nguyên của hộ kinh doanh Hiên Khí.

Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang nhìn nhận: “Chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, khơi dậy tiềm năng sản xuất hàng hóa đối với nông sản có thế mạnh, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất - kinh doanh các loại sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương. Qua đó, góp phần giải quyết bài toán việc làm, tạo thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân…”.

1.jpg
Thời gian qua, huyện Nam Giang tích cực hỗ trợ các chủ thể trong việc quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp - nông thôn tiêu biểu. Ảnh: PV

Nhiều rào cản

Nam Giang với diện tích tự nhiên khá lớn, tài nguyên phong phú, có những nét sinh hoạt văn hóa, ẩm thực truyền thống độc đáo mang tính đặc trưng, có thể bảo tồn và phát triển thành sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, trong 6 năm qua, chỉ 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cho thấy việc phát triển sản phẩm OCOP ở huyện này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Hồ Văn Luyến - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Nam Giang cho biết, đối với việc xây dựng sản phẩm OCOP ở miền núi, khó khăn chính là thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho chủ thể. Hiện các sản phẩm chủ yếu vẫn tiêu thụ trong huyện và một số ít vùng lân cận.

Bên cạnh đó, một số chủ thể tham gia chương trình OCOP còn nhiều hạn chế về năng lực làm hồ sơ. Đặc biệt, các chủ thể đều thiếu nguồn vốn ban đầu để đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến sản phẩm. Mẫu mã, nhãn mác đến kiểu dáng, bao bì đóng gói sản phẩm cũng khá đơn giản; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ...

5.jpg
Hầu hết sản phẩm ở Nam Giang có quy mô sản xuất nhỏ. Ảnh: PV

“Đáng chú ý, hầu hết sản phẩm của Nam Giang hiện nay duy trì ở quy mô cấp hộ gia đình, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ.

Một số sản phẩm có thể sản xuất theo hình thức tập thể nhưng hiện vẫn sản xuất ở các hộ cá thể nên việc quản lý, duy trì, phát triển sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Công nghệ chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu khiến các sản phẩm chủ yếu mang tính thời vụ, không đáp ứng được các đơn hàng lớn hoặc nguồn cung cấp liên tục, thường xuyên… Tất cả yếu tố trên được xem là rào cản trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Giang” - ông Hồ Văn Luyến nói.

Theo ông Nguyễn Đăng Chương, thời gian tới Nam Giang sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình OCOP; phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chương trình theo từng nội dung cụ thể.

Khuyến khích các chủ thể OCOP tham gia hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại tại các diễn đàn kết nối cung cầu, thực hiện kết nối trên nền tảng công nghệ số, hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản; tổ chức đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng quy định...

“Các ngành chức năng của Nam Giang sẽ nỗ lực làm tốt hơn nữa công tác dự báo, thông tin, quy hoạch, quản lý quy hoạch trong phát triển nông sản hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP; đồng thời, sớm hình thành chuỗi sản xuất chặt chẽ, mở rộng thị trường.

Thực hiện mối liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị, phát triển đa dạng các kênh phân phối. Xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, bảo đảm cung ứng theo yêu cầu của thị trường.

Đặc biệt, Nam Giang tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể phát triển các HTX nông - lâm nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và tham gia chế biến sâu các mặt hàng nông - lâm sản mang thương hiệu sản phẩm OCOP của huyện để cung ứng ra thị trường...” - ông Chương cho biết.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển sản phẩm OCOP ở Nam Giang: Còn nhiều rào cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO