(VHQN) - Dội lên trong tôi là tiếng kẻng của tuổi thơ lầm lũi cơ cực. Mỗi sáng mỗi chiều, mẹ tôi cùng hàng trăm người đàn bà khác ở thung lũng này theo tiếng kẻng mà trĩu nặng quang gánh chè trên vai trở về.
Cây chè giờ xơ xác, những ngọn đồi bát úp xanh mê mải khắp thung lũng Trung Mang (nay là xã Ba, Đông Giang) cũng mất dấu, chỉ còn tiếng vọng của quá vãng gợi về niềm nhớ...
Đất của người ngụ cư
Ngày trước, nông trường chè Quyết Thắng là nơi tụ hội của những con người từ khắp các vùng quê nghèo đổ về. Họ mang theo giấc mơ thoát nghèo, để rồi ngược núi, về với Trung Mang, gửi phận mình cùng những cây chè xanh.
Ký ức một thời gian khổ nhưng đầy ắp tình người vẫn sống mãi trong lòng những công nhân cũ của nông trường. Họ đã sống, làm việc, yêu thương và trải biết bao thăng trầm giữa núi rừng heo hút.
Nông trường chè Quyết Thắng nằm trải dài khắp thung lũng. Những đồi chè được trồng sâu vào tận chân núi Chúa. Công nhân nông trường ngày ấy sống trong những khu tập thể đơn sơ, gọi tên bằng số hiệu các đội sản xuất: Đội 1, Đội 2, Đội 7, Đội 8, Đội Chế biến...
Đời sống công nhân gắn liền với tiếng kẻng. Buổi sáng, tiếng kẻng vang lên từ lúc trời còn mờ sương, báo hiệu một ngày làm việc mới.
Mẹ tôi ban đầu được phân công giữ trẻ cho công nhân của đội sản xuất. Những người đàn bà khác gánh đôi gánh mây, mỗi đầu là một đứa trẻ con đến gửi cho nhà trẻ, rồi lặn lội ra đồng.
Quá trưa, lại tiếng kẻng vang khắp thung lũng, báo cho công nhân gánh chè về tập kết ở nhà kho của đội. Đầu giờ chiều và cuối giờ chiều, hai bận kẻng nữa để báo giờ đi và về. Số chè hái được trong một ngày sẽ được xe rơ-moóc của đội chế biến đến thu mua ngay tại nhà kho của đội.
Những người đàn bà mệt mỏi nhưng vui vẻ quay về khu tập thể, ríu rít kể nhau nghe chuyện ngày làm. Đủ giọng, Quảng Bình có, Hà Tĩnh có, Huế có... Những phận người ngụ cư sống với nhau chan chứa tình, sẻ chia từng chút cơ cực, từng niềm vui bé mọn mỗi chiều, từng miếng ăn đi qua ngày gian khó.
Suối Nam, suối Nữ và những chuyện tình
Gần khu tập thể, con suối nhỏ được chia thành hai đoạn, được gọi là suối Nam và suối Nữ. Đây là nơi diễn ra những sinh hoạt thiết yếu của các công nhân: tắm giặt, lấy nước, hoặc đơn giản là nghỉ ngơi sau giờ làm.
Theo “quy ước ngầm”, nam giới sẽ tắm ở suối nam, còn suối nữ dành riêng cho các chị em. Khoảng cách giữa hai đoạn suối không quá xa, và những ánh mắt ngại ngùng, những tiếng cười trêu ghẹo vẫn thường xuyên trao đổi qua những bờ đá, cành cây.
Chính từ con suối ấy, nhiều chuyện tình đẹp đã nảy nở. Ánh mắt liếc trộm, những bó hoa dại lén lút gửi qua tay nhau, và những cuộc trò chuyện bên dòng suối đã xe duyên bao đôi lứa. Nhiều đôi vợ chồng khi nhắc lại, không giấu nụ cười hạnh phúc khi kể rằng lần đầu họ “chạm mặt” là lúc tắm giặt, quần áo bị trôi xuống dòng suối Nam. Anh công nhân bên ấy lội xuống nhặt lên, và cũng từ đó, hai người bắt đầu quen nhau.
Nhiều đứa trẻ của nông trường ngày ấy chính là “trái ngọt” từ những chuyện tình giản dị bên dòng suối. Mãi sau này, các bà, các mẹ vẫn kể cho chúng tôi nghe về những ngày ba mẹ gặp nhau, yêu nhau dưới bóng chè xanh và những buổi chiều bên suối.
Không phải chuyện tình nào cũng có hồi kết đẹp. Heo hút giữa núi rừng, vắng thiếu đàn ông, nhiều nữ công nhân quen biết phu vàng “tứ chiến” đổ về thung lũng ngày đó. Nhiều người “tự túc” kiếm cho mình một đứa con, vui vầy giữa cuộc sống khốn khó ở rừng.
Họ lặng lẽ chấp nhận phận số của đời mình, bước qua bao vất vả với cây chè để tự mình vượt cạn, tự mình nuôi con. Có rất nhiều người đàn bà như thế, chọn lấy hy sinh bằng tất cả đức hạnh, sự cố gắng của chính mình, vì con. Lũ trẻ ở “xóm không chồng” nơi thung lũng lớn lên bằng tình yêu thương của mẹ...
Những đợi chờ ở lại
Con suối Nữ, nơi những nữ công nhân nông trường chia sẻ buồn vui sau một ngày lao động, trở thành bến đợi. “Chồng” của họ, các phu vàng không trở về sau nhiều năm biền biệt, chỉ để lại những người đàn bà chiều chiều vẫn ra suối cùng con, với nỗi chờ mong người đàn ông năm xưa trở về.
Năm tháng trôi, họ có lẽ không cần nữa cuộc tái hợp, mà chỉ đợi một lời giải thích, chờ người đàn ông xưa một lần về thăm con. Những đứa trẻ không biết gì về nỗi đau của mẹ, vẫn vô tư chơi đùa bên dòng nước, rồi lớn lên trong tiếng thở dài len lén giữa đêm, trong ánh đèn dầu hiu hắt nơi khu tập thể.
Rồi lũ trẻ cũng lớn lên, bằng tình yêu và sự hy sinh của những người mẹ. Trường học mở ra cánh cửa để những đứa trẻ ngày ấy bước ra với thế giới rộng lớn bên ngoài. Thung lũng Trung Mang ngày ấy, đã nuôi lớn rất nhiều giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, nuôi lớn những ước mơ được nhen lên từ con suối nhỏ ngay khu tập thể. Bến đợi có thể chẳng bao giờ đón được người về, nhưng nơi đó sẽ vẫn mãi là biểu tượng cho niềm hy vọng và sự kiên cường của những người phụ nữ giữa thung lũng hẻo lánh một thời...
Nhiều bận trở về, tôi ghé thăm cái giếng làng gần khu tập thể ngày ấy, nay đã bị các trận lũ khoét sâu, đưa ra giữa lòng suối cạn, nằm chơ vơ theo năm tháng. Mây trắng vắt ngang núi Chúa, ánh lên trong nắng chiều, lại miên man nhớ về ký ức mát trong những lần theo mẹ ra suối tắm giặt bên dòng suối Nữ.
Cái giếng trơ trọi như một dấu chấm than cô độc. Thung lũng thành thị tứ. Phía quốc lộ 14G, đã ầm ào bán mua, mù mịt khói bụi xe qua theo hành trình đi lên của một vùng đất. Cái giếng như chứng tích của thời gian khó, lầm lụi và cô độc. Những đứa trẻ lớn lên, không mấy người ở lại.
Thế hệ công nhân nông trường chè ngày trước, thời của mẹ tôi, cứ vắng dần mỗi cái Tết trở về nhà. Tôi nhặt một hòn sỏi, ném xuống lòng giếng, nghe dội lên như tiếng nấc của những người đàn bà đã mòn mỏi đợi chờ suốt cuộc đời mình, bên dòng suối năm nao.