Cuộc sống thường ngày

Bung Trần - một “sinh vật dễ chịu”

TRẦN TRIỀU 12/05/2024 08:00

Nói một cách khác, Bung Trần - Trần Vũ Nguyên (quê Đà Lạt, Lâm Đồng), như một “sinh vật dễ chịu” trong thế giới vạn vật này. Nếu nhìn về cách chọn lựa để sống thế nào cho vui, cho tốt, Bung Trần là một trường hợp đáng để tham khảo.

435288414_10221783460290575_1893422865297946891_n.jpg
Bung Trần - Trần Vũ Nguyên.

Dễ chịu ở Hội An

Vào năm 2015, Bung cùng vợ (Xuân Yến) nảy ra ý định muốn sống tự do và phong phú hơn. Cả hai quyết định thu gọn bớt công việc ở TP.Hồ Chí Minh, xách ba lô chu du.

Người dân làng rau Trà Quế (Hội An) bắt đầu quen với hình ảnh đôi vợ chồng người Việt “chẳng biết từ đâu đến”, đạp xe song song, tíu tít cùng chú chó mỗi ngày.

Bung kể, ban đầu định đến Hội An ở để “xem” người dân ở đó sống thế nào, không ngờ, sự dễ thương của người Hội An khiến cả hai không thể rời đi được. Ngày đầu dọn đến một ngôi nhà nhỏ, đúng mùa đông. Hai vợ chồng đang loay hoay sắp xếp, bỗng có một người hàng xóm tìm đến, đưa cho một mớ quần áo cũ, bảo nhét vào các khe hở trên vách nhà cho đỡ lạnh.

“Chuyện này nhỏ thôi, nhưng khiến mình nghĩ mãi về nó. Tại sao một người chưa từng gặp mặt, chưa từng biết đến lại làm một điều quá sức dễ thương như vậy?” - Bung nói.

Ở đây, anh nhận ra, dường như con người luôn “sẵn sàng để yêu thương”. Đó là tình thương vô điều kiện đến từ những người dưng. Đôi khi, đơn giản chỉ là những câu chuyện vụn nhưng khiến hai vợ chồng nhớ mãi.

0c7e2c12-8dde-42d0-a596-71b5770f4359.jpg
Vợ chồng Bung Trần - Xuân Yến tự họa tại Hội An.

Có lần, nhác thấy bóng Bung - Yến đi xa mới trở lại Hội An, bác bán mỳ Quảng đoán “tụi này kiểu gì cũng đến ăn sáng”. Vậy là bác ấy để riêng mấy miếng ngon nhất, chờ “khách ruột” đến. Điều này khiến Bung không khỏi cảm động.

Tất nhiên, Bung phải thế nào thì những “người dưng” mới quý một cách đặc biệt như vậy. Là khách phương xa đến, nhưng Bung nhanh chóng hòa vào đời sống của làng, cùng ăn, cùng ở, cùng trồng rau và khám phá những điều đặc biệt nhất.

“Hơn 20 loại rau thơm ở Trà Quế không chỉ thơm vì tinh dầu nhiều, mà còn thơm vì được trồng theo phương pháp hữu cơ, được bón bằng rong rêu từ sông Đế Võng và đầm Trà Quế” - Bung luôn giới thiệu về làng rau một cách cuồng nhiệt như vậy.

Và rất nhiều người phải tìm đến Trà Quế bằng được, qua lời giới thiệu nhiệt tình như vậy. Vợ chồng Bung Trần - Xuân Yến mê mệt Trà Quế đến mức, họ thành lập một công ty chuyên thiết kế, lấy tên là Traqué.

Nhắc đến những mẩu chuyện nhỏ về cách Bung sống và yêu Hội An để thấy, anh là “sinh vật” dễ chan hòa với mọi người như thế nào. Vợ chồng họ đã làm được điều mình mong muốn: thong dong sống ở làng ven biển Cửa Đại, gần như tự do hoàn toàn, thích gì làm nấy, tận hưởng cuộc sống chậm và nhàn.

Theo kế hoạch, họ chỉ lưu lại 90 ngày, nhưng cái đáng yêu, cái tình cảm, cái luyến lưu khiến họ ở lại Hội An đến 500 ngày. Ở cái phố Hội bé tí ấy, người dân quen với cặp đôi ăn mặc bụi bặm, cắp theo con chó, đạp xe lượn khắp hang cùng ngõ hẻm.

Trung tâm khởi nghiệp bên bờ biển

Đến một ngày, Bung phát hiện ra rằng, an nhàn cũng là một loại ích kỷ. “Những người thầy đã dạy mình thật nhiều kiến thức, xã hội đã cho mình những trải nghiệm, cuộc đời đã mang đến cho mình những kỹ năng. Nếu mình cứ mãi hưởng thụ sự an nhàn, cũng là một loại ích kỷ. Mình phải thay đổi để được làm việc nhiều hơn” - Bung bộc bạch.

812807ce-c492-4f12-ac7b-778e6a01662d.jpg
Bung Trần - người điều hành DNES

Đó là lý do thôi thúc Bung tạm biệt Hội An sau 500 ngày sống an nhiên. Năm 2016, Bung ra TP.Đà Nẵng để “được bận rộn” hơn với vị trí “Giám đốc điều hành Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES).

Lúc đó, Đà Nẵng đang có chủ trương trở thành một thành phố khởi nghiệp. Chính quyền hăng hái đứng ra bắt tay với tư nhân để chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

DNES rất năng động, làm được những việc giàu năng lượng: nghiên cứu các mô hình khởi nghiệp các nước. Từ đó chọn lựa ra những hạt giống khởi nghiệp từ các bạn trẻ, rủ rê các bạn về để lập ra một Vườn ươm khởi nghiệp, cung cấp môi trường, điều kiện làm việc.

Chính DNES giúp các doanh nhân trẻ những thủ tục liên quan đến những chính sách của thành phố như hỗ trợ về mặt pháp lý, hành chính, sau đó giúp các bạn kinh doanh.

Dù là người hoạt động nhiều năm trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Sài Gòn, Hà Nội, Israel, nhưng nếu không phải là Bung Trần, chính quyền Đà Nẵng chưa chắc dám giao DNES - một công ty hỗ trợ khởi nghiệp với vốn “tiền tươi” 32 tỷ đồng (nhà nước và tư nhân cùng góp) cho một “kẻ xa lạ” từ Sài Gòn đến. Ngoài năng lực, sự xông xáo và hồn nhiên, Bung Trần thường chiếm được tin cậy ngay từ lần đầu gặp mặt.

Trong 3 năm điều hành DNES với nhiều thành quả, Bung tạo ấn tượng đặc biệt khi tổ chức thành công Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp quốc tế Đà Nẵng (SURF), khiến cả nước nhìn về Đà Nẵng như một trung tâm khởi nghiệp mạnh mẽ, mà Bung gọi một cách mỹ miều là “Trung tâm khởi nghiệp bên bờ biển”.

Đáng yêu, đáng tin cậy và thẳng thắn

Năm 2018, Bung rời Đà Nẵng, trở lại Sài Gòn với những dự án năng động khác. Đáng kể nhất là việc anh sáng lập AI Education, chuyên cung cấp giải pháp số để cải tiến giáo dục. Bạn bè không bất ngờ khi Bung Trần trở thành giảng viên chính thức đầu tiên của Google tại Việt Nam.

d1820d5b-9549-498d-9df9-f429d9ade466.jpg
Bung Trần và nhà văn Nguyên Ngọc tại Hội An.

Sau đó là những chuỗi ngày anh bận rộn với sự kiện của một đại diện Google tại Việt Nam về mảng giáo dục. Anh cũng phải trực tiếp “đi hát” (theo cách nói của anh) về chuyển đổi số. So với những tháng ngày ở Hội An, bây giờ Bung quá bận vì ngập trong công việc.

Dù vậy, “sinh vật dễ chịu” Bung Trần vẫn rất dễ chịu và đáng mến. Tôi nhớ, có một lần, tôi gặp Bung để bàn một dự án truyền thông vào lúc 10 giờ sáng. Bung hẹn tôi: “Ta hãy gặp nhau tại Gọn Nhẹ ở đường Ngô Thời Nhiệm”. Tôi đến nơi, mới biết đó là quán bia.

Một lần khác, trong cuộc họp báo lúc 8 giờ 30 phút sáng, Bung chủ trì, ngoài cà phê, bánh trái, Bung còn bưng bia đi mời mọi người. “Nếu muốn, các anh chị có thể uống một chút bia để phát biểu cho hưng phấn”- anh dí dỏm.

Nhưng đừng vội hiểu nhầm rằng Bung “nát bia”. Bung là người có thể uống bia thay nước, thích uống bia nhưng hầu như chưa bao giờ vì bia mà gây phiền cho bất kỳ ai. Đơn giản, cơ địa anh có thể “dễ chịu” với nhiều bia, và khi uống bia, thậm chí uống nhiều bia, anh chỉ ngồi cười hiền như cục đất, càng uống nhiều càng hiền.

Anh là chuyên gia chuyển đổi số trong giáo dục, kinh doanh, viết sách, dạy học với năng lượng luôn mới và tích cực. Trong trang cá nhân của mình, anh luôn kết thúc một nội dung, một việc, một triết lý bằng câu “bây giờ đi uống bia”. Anh không ngại chia sẻ sở thích, đời sống cá nhân một cách trần trụi. Bởi cái trần trụi của anh rất đáng yêu và đáng tin cậy.

Chơi với Bung Trần 10 năm, duy có một lần tôi thấy Bung khó chịu. Lần đó, chúng tôi vào một pub có nhạc sống. Các nhạc công, ca sĩ biểu diễn và mời một số khách lên hát. Có một khách nam đã say, lên hát lè nhè và hát liên tục 3 bài, khiến các khách còn lại không hài lòng.

Nhận ra điều đó, vị khách hát xong và cầm ly đến từng bàn mời, kiểu như xin xí xóa. Mọi người đều vui vẻ cụng ly cho qua. Chỉ có Bung là không nâng ly, nhìn vị khách đó và bảo: “Không, cảm ơn anh”.

Trên đường về, tôi nhắc lại cử chỉ đó, bảo “sao thường ngày Bung dễ chịu lắm mà nay tự nhiên khó chịu?”. Bung bảo: “Đó là sự khó chịu cần thiết. Bung rất dễ chịu nhưng Bung thẳng thắn. Nếu mình không biểu thị thái độ khó chịu trước sai trái, thì sai trái đó chắc chắn sẽ tiếp diễn”.

“Nhưng người ta cũng vô tư thôi mà, mình làm vậy có sợ họ buồn không?”. “Bung không sợ họ buồn vì Bung cần họ phải buồn để thay đổi. Thế giới này tệ đi không phải do có nhiều người xấu mà do những người còn lại không chống lại điều xấu”.

Đến đây thì tôi hiểu Bung thêm một đoạn. Bung là một “sinh vật dễ chịu và thẳng thắn”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bung Trần - một “sinh vật dễ chịu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO