Chính quyền - đoàn thể

Cải cách hành chính ở Thăng Bình: Chú trọng chuyển đổi số

VIỆT NGUYỄN 23/02/2024 08:00

Huyện Thăng Bình gắn chặt cải cách hành chính với chuyển đổi số để đáp ứng tốt nhu cầu giải quyết công việc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

cchc.jpg
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Thăng Bình giải quyết TTHC cho người dân. Ảnh: Q.VIỆT

Thuận lợi hơn

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Thăng Bình thường xuyên có nhiều cá nhân, doanh nghiệp đến giải quyết công việc. Mọi người đều được cán bộ tiếp đón niềm nở, ai thắc mắc gì đều được giải thích, hỗ trợ nhiệt tình. Hàng chục người chờ đến lượt làm việc đều được bố trí chỗ ngồi thoải mái.

Ông Bùi Văn Bằng (thôn Tân An, xã Bình Minh) vừa hoàn thành thủ tục đất đai, vui vẻ nói: “Tôi được cha mẹ cho mảnh đất để ở riêng. Tôi đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện để nộp hồ sơ.

Hôm nay, theo đúng lịch hẹn, tôi đến nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ban đầu cứ nghĩ sẽ có nhiều khó khăn nhưng thực tế tôi được các cán bộ hướng dẫn chi tiết, cụ thể nên không gặp vướng mắc gì”.

Trụ sở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Thăng Bình (thị trấn Hà Lam) có 2 tầng. Tầng 1 được bố trí 14 quầy giao dịch (riêng lĩnh vực đất đai bố trí 3 quầy) phục vụ công tác tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trên 12 lĩnh vực gồm đất đai, tư pháp, đăng ký kinh doanh, giao thông vận tải... Tầng 2 phục vụ công tác trả kết quả.

Tại đây, người dân được hướng dẫn thực hiện giải quyết TTHC trực tiếp tại Bộ phận một cửa huyện qua dịch vụ công trực tuyến. Huyện niêm yết công khai đầy đủ các thủ tục và hướng dẫn công dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến.

Theo ghi nhận, cán bộ ở bộ phận này xây dựng phong cách phục vụ “Gần nhân dân, hiểu và có trách nhiệm với nhân dân”. Các hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện Thăng Bình làm việc theo tiêu chí “Chuyên nghiệp, thân thiện và hiệu quả”.

Mặc dù hồ sơ tiếp nhận mỗi ngày rất nhiều nhưng giải quyết trực tuyến được thông suốt, đem đến sự hài lòng, thuận tiện cho người dân.

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói, huyện giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân theo đúng quy định, nhất là bảo đảm về thời hạn.

Các cơ quan chức năng chú trọng rà soát những thủ tục, quy định có vướng mắc, bất cập hoặc không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ưu tiên chuyển đổi số

Tại Bộ phận tiếp nhận v trả kết quả huyện Thăng Bình hiện nay có các thiết bị router - firewall, chuyển mạch switch, thiết bị quản lý bộ phát sóng wifi, wifi truy cập đồng thời 50 thiết bị, bộ lưu điện 3kVA. Ngoài ra có bố trí 12 camera quan sát, hình ảnh được kết nối qua internet để Trưởng bộ phận một cửa theo dõi, quan sát.

Đồng thời bố trí 1 trụ bốc số tự động, 1 trụ quét mã vạch tra cứu thông tin hồ sơ, 1 màn hình tivi để hiển thị số thứ tự của từng lĩnh vực. Bố trí 14 máy tính bảng tại các quầy để phục vụ đánh giá hài lòng về cách phục vụ của cán bộ một cửa.

Trên địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp viễn thông hoạt động (VNPT, Viettel, FPT, Mobifone) cung cấp dịch vụ internet cáp quang băng thông rộng phục vụ truy cập internet và truyền hình internet cho các cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn.

Sóng 3G/4G phủ đến 100% địa bàn tạo điều kiện thuận lợi trong việc truy cập internet cho nhân dân; 100% cơ quan hành chính trên địa bàn huyện có kết nối internet băng thông rộng để phục vụ công việc và truy cập thông tin, dữ liệu.

UBND các xã, thị trấn trang bị đầy đủ hạ tầng công nghệ (máy vi tính, máy scan, máy photocopy…) đảm bảo phục vụ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cũng như thuê đường truyền internet tại nhà văn hóa các thôn/khu phố phục vụ chuyển đổi số cấp xã.

Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Thăng Bình cho biết, chuyển đổi số là bước đi tất yếu nhằm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động cải cách hành chính của hệ thống chính trị.

Chuyển đổi số ngày càng phục vụ tối ưu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm việc của nhân dân. Từ những thành quả đạt được, Thăng Bình có động lực lớn để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số trong môi trường số an toàn, văn minh.

“Chuyển đổi số trong cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đồng bộ trong hoạt động của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. UBND huyện Thăng Bình luôn quan tâm và từng bước phát triển hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan, đơn vị, địa phương phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số” - ông Hùng nói.

Kết quả chỉ số cải cách hành chính huyện Thăng Bình năm 2023 cho thấy các lĩnh vực tăng điểm như chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công…

Các sở, ngành của tỉnh đã đánh giá và ghi nhận điểm khá cao với các lĩnh vực cải cách hành chính của huyện. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách hàng chính đã giúp huyện nâng cao tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải cách hành chính ở Thăng Bình: Chú trọng chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO