Cán bộ cấp huyện loay hoay về nơi chốn sau này của mình. Người dân không dám tiếp tục đầu tư, mở rộng việc làm ăn kinh doanh. Nông Sơn, những ngày này, nơi đâu cũng râm ran bàn chuyện sáp nhập…
>>Không để lãng phí nguồn lực
>>Tâm tư khi người dân thiệt thòi
>>Những kinh nghiệm thực tiễn
Vài phác thảo về sự đổi thay
Thời điểm này cách đây 15 năm, người dân vùng tây Quế Sơn khấp khởi về một định danh mới. Trở thành đơn vị hành chính cấp huyện với tên gọi Nông Sơn như dấu mốc về sự phát triển mới của vùng đất. Lúc này, rất nhiều cán bộ từ Quế Sơn được cử đi công tác tại huyện lỵ mới. Sau 15 năm gắn bó, có người đã an cư với vùng đất mới, có người đi đi về về giữa Quế Sơn - Nông Sơn.
Một diện mạo khang trang từ đường sá, hạ tầng hình thành. Nông Sơn được kéo xích gần hơn, trong suy nghĩ, trong đầu tư của rất nhiều người vùng khác.
Nông Sơn, theo Kết luận số 48, thiếu ở cả 3 tiêu chí là diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số lượng xã, phường/thị trấn. Tuy nhiên, trong các buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các địa phương kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211/2016, ngày 25/05/2016 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính (ĐVHC) và phân loại ĐVHC theo hướng ngoài quy định chung cần tính đến ĐVHC đặc thù có tiêu chuẩn dân số và diện tích sát tình hình thực tiễn ở khu vực miền núi, vùng biên giới, hải đảo (thường có dân số ít, phân bố không đồng đều nhưng diện tích lại quá rộng, khó khăn trong quản lý địa bàn) thì không phải thực hiện sắp xếp, sáp nhập, để tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền cơ sở trong công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới.
Nguyên một cán bộ phụ trách nông nghiệp huyện Quế Sơn nhớ lại rằng, đường sá từ Quế Sơn đến các xã Quế Trung, Quế Lâm, Quế Phước, Quế Lộc… lúc ấy trăm bề khó. Nhưng từ khi huyện Nông Sơn hình thành, điều dễ thấy nhất là có rất nhiều con đường được khai phá, đầu tư. Nhiều nơi thoát khỏi vùng biệt lập. Những cái tên Nà Lau, Cấm La, Dùi Chiêng… xuất hiện trên những bảng dẫn đường ở các ngã ba. Đường đã bon bon đến tận những ngôi làng nhỏ vùng thượng nguồn. Học sinh từ các xã này về trung tâm học THPT, không phải tìm nhà để ở trọ như trước…
Dẫu vậy, Nông Sơn cũng không phải huyện địa đầu để chính sách có những ưu đãi khác biệt. Đường sá liên huyện vẫn đang là một dấu hỏi gây khó để đặt vấn đề đầu tư với doanh nghiệp các nơi. Cho nên ở vị trí độc lập, địa phương này cần nhiều thứ hơn để tăng tiềm lực trong cuộc phát triển đường dài.
Những xáo trộn bắt đầu
Không phải đến khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông báo kết luận, mà từ trước đó khi có dư luận Nông Sơn sáp nhập, nhiều cán bộ cấp xã đã tính chuyện nghỉ việc. Ở cấp huyện, nhiều cán bộ xin chuyển công tác. Ông Mai Văn Bảy - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nông Sơn nói, từ đầu năm đến nay, số cán bộ xin chuyển công tác ở các đơn vị hành chính và sự nghiệp là 5 người, đều “vì lý do cá nhân”. So với chỉ tiêu 89 biên chế giao cho huyện từ đầu năm, đối với 11 cơ quan chuyên môn, hiện nay số biên chế làm việc là 80 người. Đơn vị sự nghiệp giao 43 biên chế, thì số hiện làm việc thực tế là 32. Trong số các cơ quan đơn vị đang thiếu biên chế, thì Phòng Kinh tế hạ tầng gần như khó nhất, bởi đang khuyết 1 trưởng phòng, trong khi thời điểm này công tác tổ chức bộ máy và cán bộ phải tạm dừng theo yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Còn nhớ giai đoạn 2019 - 2021, khi Nông Sơn sáp nhập hai xã Quế Phước và Quế Ninh thành xã Phước Ninh, để giải quyết 14 cán bộ dôi dư sau sắp xếp, huyện đã phải linh hoạt bố trí một số về các xã, một số về phòng ban của huyện. Ông Đỗ Đức Huynh - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nông Sơn nói, lúc đó số cán bộ dôi dư này là bài toán khó đối với địa phương, nhưng dù sao cũng có thể giải quyết. Còn giai đoạn tiếp theo, không chỉ các xã chưa đủ tiêu chuẩn mà ngay cả huyện cũng sáp nhập, số cán bộ các cấp dôi dư giải quyết ra sao?
Bà Trang - chủ một quán ăn tại trục đường trung tâm huyện - đầy lo lắng khi biết huyện sẽ sáp nhập. Số cán bộ làm việc tại Nông Sơn sẽ giảm hẳn, những người dựa vào trục đường hành chính này kinh doanh như bà chắc chắn sẽ không còn được rộn ràng như hiện tại. Anh Hoàng - một lái xe dịch vụ tại đây nói năm ngoái dự tính mở gara xe và sắm thêm xe chạy dịch vụ, nhưng từ khi có thông tin nhập huyện, lừng khừng không dám thực hiện. Huyện sáp nhập thì khu vực này chỉ còn dân cư, nguồn thu nhập từ kinh doanh, buôn bán của dân nơi đây sẽ tụt giảm đáng kể.
Không chỉ người dân, lo lắng cũng là tâm trạng chung của cán bộ huyện Nông Sơn. Không biết mình sẽ đi đâu, về đâu? Liệu về huyện mới họ có chấp nhận mình không? Gia đình sẽ như thế nào nếu vợ hoặc chồng hay cả vợ chồng phải chuyển công tác? Hàng chục câu hỏi mà mỗi cán bộ huyện Nông Sơn đặt ra từ lúc này. Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn nói, từ đầu năm đến nay, Nông Sơn nhiều lần tổ chức các buổi làm việc để ổn định tư tưởng của cán bộ. Tuy nhiên, không ai tránh khỏi lo lắng vì tác động trực tiếp đến cuộc sống của họ. Cán bộ, ở đâu cũng đều phải làm việc, nhưng không thể tránh khỏi tâm lý e ngại nếu bố trí công tác ở những nơi xa gia đình…
Sau 15 năm thành lập với một diện mạo đã tốt hơn ngày cũ, trong câu chuyện sáp nhập sắp tới, hướng đi nào tốt nhất để tạo điều kiện cho người dân tiếp tục phát triển? Câu hỏi này, người Nông Sơn đang chờ được trả lời…