Tâm tư khi người dân thiệt thòi

VINH ANH - NGUYÊN ĐOAN 28/05/2023 08:09

Thành công trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn vừa qua, bắt đầu từ sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Song trong thực tiễn vẫn còn có những “nỗi lòng” cần được lắng nghe…

>>Canh cánh Nông Sơn
>>Không để lãng phí nguồn lực
>>Những kinh nghiệm thực tiễn

Huyện Hiệp Đức thuộc diện sắp xếp lại trong giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: V.A
Huyện Hiệp Đức thuộc diện sắp xếp lại trong giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: V.A

Chưa như kỳ vọng

Nhớ lại thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện các bước cho việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, do chưa nắm rõ chủ trương, bị tác động bởi một số nguồn thông tin chưa chính xác nên bà con nhân dân các địa phương còn e ngại, chưa hoàn toàn thống nhất với việc sắp xếp ĐVHC cấp xã.

Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, giải thích, cử tri đã thống nhất cao với chủ trương này. Minh chứng cụ thể là tỷ lệ cử tri đồng ý với việc sắp xếp xã Quế Cường và xã Phú Thọ để thành lập xã Quế Mỹ (Quế Sơn), sắp xếp xã Quế Phước và Quế Ninh để thành lập xã Ninh Phước (Nông Sơn) cùng chiếm 81,05%, sắp xếp xã Quế Bình và thị trấn Tân An để thành lập thị trấn Tân Bình (Hiệp Đức) chiếm 90,92%.

Đối với việc sắp xếp ĐVHC để thành lập thị trấn Tân Bình, những băn khoăn về sự thiệt thòi khi trở thành thị dân của người dân xã Quế Bình được thay bằng kỳ vọng về sự “đổi đời” với  danh phận công dân mới.

Tuy nhiên, trong câu chuyện với cơ sở những ngày gần đây trước thông tin huyện Hiệp Đức thuộc diện sắp xếp lại theo chủ trương giai đoạn 2023 - 2025, tức sau 3 năm thành lập thị trấn Tân Bình, dẫu có sự đổi thay nhiều trong cuộc sống thị dân, song sự hỗ trợ đầu tư cho xứng tầm diện mạo đô thị mới thì chưa thấy rõ.

Những kiến nghị đã được nêu ra, như cần có cơ chế riêng tạo động lực phát triển Tân Bình đạt chuẩn đô thị loại 5 và định hướng xa hơn trong tương lai. Hay quan tâm đầu tư nâng cấp các tuyến đường trước đây xây dựng theo chuẩn nông thôn mới ở địa bàn xã Quế Bình (cũ) đã xuống cấp vẫn chưa được chấp thuận. Đội ngũ cán bộ, công chức thị trấn Tân Bình với tổng cộng 31 người hằng ngày phải làm việc ở trụ sở xã Quế Bình (cũ) rất chật chội.

Chúng tôi hỏi thăm ông Phạm Đình Kim - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khối phố Phước Sơn (thị trấn Tân Bình) về sự thay đổi sau sáp nhập xã lên thị trấn, ông Kim lắc đầu: “Chưa thấy gì mạnh mẽ cả! Như khối phố Phước Sơn chỉ mới thắp được mấy bóng điện đường chứ chưa có gì thay đổi hết, còn nguyên si”.

Theo ông Kim, người dân kỳ vọng khi lên thị trấn thì cơ sở hạ tầng sẽ được đầu tư, bộ mặt nông thôn sẽ thay đổi dần lên chuẩn đô thị, hiện đại hơn. Tuy nhiên, trong khi cái mới chưa thành hình thì những khó khăn ban đầu khi sáp nhập xã, người dân đã nếm đủ. Như việc điều chỉnh các giấy tờ pháp lý.

Sau khi lên thị trấn với tên gọi khác, người dân phải thay đổi lại hết các loại giấy tờ, phải tự đi làm, đã mất công đi mà còn tốn kém nữa. Chẳng hạn đổi tên sổ bìa đỏ cũng mất phí mấy trăm nghìn đồng. Chưa kể, lên thị trấn, học phí cho con em, tiền phí môi trường… cũng cao hơn so với nông thôn.

Bỏ ngỏ... "cam kết"

Trước thông tin huyện Hiệp Đức thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025, ông Phan Văn Cơ, chủ một quán cà phê tại khối phố An Đông (thị trấn Tân Bình) chia sẻ, người dân có trao đổi, bàn tán nhưng không quá bận tâm như thời điểm sáp nhập xã Quế Bình với thị trấn Tân An trước đây.

“Địa phương không đạt tiêu chí thì phải sắp xếp lại. Tôi ủng hộ chủ trương sáp nhập ĐVHC cấp huyện, xã trong giai đoạn hiện nay. Vì xưa phương tiện đi lại không có, địa bàn rộng, khó quản lý; còn bây giờ giao thông, đường sá, phương tiện thuận lợi thì sắp xếp lại là đúng. Việc này sẽ giúp bộ máy nhà nước bớt cồng kềnh, tiết kiệm ngân sách” - ông Cơ chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Cơ, vấn đề người dân quan tâm và lo lắng là liệu có thay đổi gì về tên gọi của đơn vị mới sau sáp nhập hay không. Bởi như lần sáp nhập Quế Bình và Tân An trước đây, cả 2 tên gọi cũ không giữ lại mà đổi tên mới nên người dân 2 địa phương phải thay đổi toàn bộ giấy tờ, thủ tục.

“Nếu sáp nhập, chẳng may không còn tên gọi cũ mà đổi tên mới thì Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách hỗ trợ làm các thủ tục cho dân, chứ không thể để dân “tự bơi”. Những việc đó rất mất thời gian và phiền hà đủ thứ” - ông Cơ bày tỏ.

Theo một cán bộ huyện Hiệp Đức, sắp xếp thành lập ĐVHC mới với địa bàn rộng, nhưng cấp trên chưa có cơ chế đặc thù cho thị trấn Tân Bình để đầu tư hạ tầng đô thị đồng bộ, mang tính trợ lực khi sáp nhập.

Từ một xã nông thôn mới, Quế Bình sáp nhập lên thị trấn nhưng đến nay bộ mặt đô thị chưa phát triển gì nhiều, ngoài những công trình mang tính chất chiến lược, trọng điểm về giao thông. Bây giờ ở địa bàn Quế Bình (cũ) nếu đầu tư các tuyến đường thì phải đảm bảo 7,5m trở lên để phù hợp với quy hoạch đô thị.

Tư duy đầu tư phải theo hướng phát triển đô thị, vì vậy mà “lấn cấn” về nguồn lực. Ở đây trách nhiệm của các cấp như thế nào đối với “cam kết” về sự đổi thay khi tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ chủ trương sắp xếp ĐVHC để thành lập mới thị trấn Tân Bình thì vẫn còn bỏ ngỏ!?

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tâm tư khi người dân thiệt thòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO