Không để lãng phí nguồn lực

N.ĐOAN - V.ANH 28/05/2023 08:17

Dự lường những khó khăn, thách thức khi thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Nam có sự chuẩn bị tâm thế, với nỗ lực cao nhất là không để lãng phí các nguồn lực…

>>Canh cánh Nông Sơn
>>Tâm tư khi người dân thiệt thòi
>>Những kinh nghiệm thực tiễn

Trụ sở UBND xã Quế Phước (cũ) sau khi trưng dụng làm khu cách ly, điều trị COVID-19 nay đang bỏ hoang. Ảnh: N.Đ
Trụ sở UBND xã Quế Phước (cũ) sau khi trưng dụng làm khu cách ly, điều trị COVID-19 nay đang bỏ hoang. Ảnh: N.Đ

Tránh vừa thừa, vừa thiếu

Đã có những nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền các địa phương Hiệp Đức, Quế Sơn, Nông Sơn trong việc giải quyết cán bộ, công chức dôi dư do thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.

Theo khảo sát, đến nay, các địa phương đã cơ bản giải quyết xong đối với 58 trường hợp cán bộ, công chức dôi dư. Về cơ sở vật chất, đang xảy ra tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Tại Hiệp Đức sau sắp xếp đều sử dụng hết cơ sở vật chất nhưng không mang tính vững chắc lâu dài.

Còn UBND huyện Quế Sơn cho biết, đã tận dụng một số cơ sở vật chất, điều chỉnh công năng, bố trí cho đơn vị khác sử dụng nhưng không nhiều, như: Trạm Y tế xã Quế Cường (cũ) sửa lại bố trí làm trụ sở Công an xã Quế Mỹ; còn trụ sở UBND và Trung tâm Văn hóa xã Quế Cường (cũ) sử dụng làm khu cách ly, điều trị COVID-19 nay bỏ không.

Trong khi đó, theo UBND huyện Nông Sơn, ngoài nhà sinh hoạt thôn giao lại cho tổ đoàn kết sử dụng, trụ sở UBND, Trạm Y tế xã Quế Phước (cũ) chưa có nhu cầu sử dụng sau khi hết trưng dụng cách ly, điều trị COVID-19.

Theo chia sẻ của cán bộ lãnh đạo hai huyện thuộc diện sẽ phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025, tại Thông báo kết luận số 531 ngày 15/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ mới yêu cầu Nông Sơn, Hiệp Đức tạm dừng thực hiện các nội dung liên quan về công tác tổ chức bộ máy, tuyển dụng và công tác cán bộ cho đến khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đối với ĐVHC có hiệu lực thi hành. Đây là sự chuẩn bị cần thiết để hạn chế đến mức thấp nhất “sức ép” trong việc giải quyết đối với cán bộ dôi dư khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện.

Tuy nhiên, thông báo mới chỉ đề cập chuyện công tác tổ chức, cán bộ, còn những vấn đề liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản chưa được nhắc đến. Vì vậy, cũng nên có định hướng về việc đầu tư công cho cụ thể, tránh xảy ra sự lãng phí cơ sở hạ tầng không thiết yếu với đời sống dân sinh.

Bởi việc xây dựng danh mục đầu tư, xem xét phân bổ nguồn vốn, thông qua các lộ trình hồ sơ dự án, thông báo đấu thầu chọn đơn vị triển khai thực hiện không phải dễ.

Cần xem xét cái gì cần dừng lại, các cơ quan chuyên môn chưa tham mưu vấn đề này. Đơn cử, nếu không lưu ý, theo kế hoạch đến năm 2025 mỗi xã phải hoàn thành xây dựng trụ sở Công an xã; trong khi đó, sẽ sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã thì dẫn đến dư thừa.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho rằng, chưa có phương án sắp xếp cụ thể đối với Nông Sơn và Hiệp Đức là hai huyện thuộc diện phải sắp xếp. Song, liên quan đến việc đầu tư xây dựng các công trình trụ sở của cơ quan, đơn vị thì nên cho dừng lại. Các công trình phục vụ dân sinh thì triển khai thực hiện bình thường.

Chuẩn bị tốt từng bước, phương án thực hiện

Chuẩn bị cho công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030, trước đó UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó lập danh sách ĐVHC huyện, cấp xã đã đạt tiêu chuẩn, chưa đạt tiêu chuẩn và tỷ lệ còn thiếu so với quy định và dự kiến sơ bộ phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo chủ trương chung.

Ngay sau khi Bộ Chính trị (khóa XIII) có Kết luận 48 về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo và có Công văn 1620 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt các nội dung liên quan.

Trong đó, giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC đạt kết quả.

Cụ thể là chính sách giải quyết chế độ dôi dư đối với cán bộ, công chức cấp huyện, cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ việc do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Kế hoạch sử dụng và lộ trình sắp xếp số lượng biên chế cán bộ, công chức và số lượng cấp phó của các ĐVHC dôi dư sau sắp xếp; về định mức phân bổ ngân sách; giải quyết cơ sở vật chất và thủ tục hành chính; thời gian hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các ĐVHC sau sắp xếp.

Về mức hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản cho các địa phương được bổ sung cân đối ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách địa phương phục vụ việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, việc thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025 tại Quảng Nam dự báo sẽ khó khăn. Bởi, thứ nhất là số cán bộ dôi dư cao kéo theo các vấn đề về giải quyết chế độ chính sách, tâm tư tình cảm.

Thứ hai, việc sắp xếp ĐVHC sẽ khiến nhiều trụ sở hành chính bị bỏ hoang, việc giải quyết, thanh lý như thế nào để tránh lãng phí là bài toán khó. Những khó khăn này tỉnh đã dự báo trước, trong đó lo nhất là vấn đề bố trí cán bộ, công chức sau sắp xếp cho phù hợp.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cũng yêu cầu Sở Nội vụ chuẩn bị tốt đề án, phương án sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025 để tham mưu triển khai thực hiện khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời nêu rõ, trong thời gian đến không tuyển công chức, không bổ sung cấp ủy (trừ trường hợp đặc biệt) đối với những địa phương trong diện sắp xếp; không xây dựng trụ sở, chỉ trừ những công trình công cộng phục vụ dân sinh…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không để lãng phí nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO