Cái tết cuối cùng

VŨ THỊ HUYỀN TRANG 28/02/2019 14:51

Xuyên loay hoay bê chiếc ghế gỗ để ngoài sân rồi đặt chậu cúc vàng lên đó. Ông Thuyên nằm trong giường đưa mắt nhìn qua cửa sổ mỉm cười bảo “để đó được rồi con”. Ông nhìn xung quanh căn phòng đã được dọn dẹp gọn gàng, chăn chiếu thơm tho, những bức ảnh được lau chùi sạch bụi. Đã hơn hai tháng kể từ khi phát hiện ung thư giai đoạn cuối giờ ông mới được về nhà. Đúng là không nơi đâu bình yên bằng nhà mình. Chỉ cần về tới cổng nhìn cây lá lao xao đã thấy được hồi sinh từ trong lồng ngực. Từ lúc ông về con chó vàng cứ quấn quýt không rời một bước. Ông đi nằm nó còn phục dưới đất thỉnh thoảng lại dụi đầu vào chân ông rên ư ử. Bà Hợi bê vào bát cháo đặt ở đầu giường giục chồng dậy ăn đi cho nóng. Mắt ông nhìn đăm đắm ra ngoài cửa sổ nơi cây đào già từng nụ bung hoa. Mấy đứa cháu đang chạy chơi ngoài sân xúng xính áo quần. Con dâu ngồi thái từng lát gừng tươi làm mứt rôm rả bàn chuyện gói bánh chưng với xóm giềng. Xuyên đứng ở thềm nhà kiễng chân treo chuông gió trong khi con mèo mun nũng nịu vờn quanh chân chủ. Ông ngắm cảnh tượng ấy bằng cõi lòng thanh thản. Đây là mùa xuân thứ sáu tư trong cuộc đời ông và cũng là cái tết cuối cùng.

- Năm nay nhà mình đã ai thay tôi đi tảo mộ chưa bà?

- Ông cứ yên tâm, tôi mua hương hoa đủ cả rồi. Sáng sớm ngày mai vợ chồng thằng cả sẽ đi tảo mộ.

- Nhắc con nhớ dọn rác mộ ông. Mộ nằm dưới tán cây, lá rụng đầy xung quanh mục nát.

- Thằng cả lẽo đẽo theo ông đi tảo mộ từ khi mới hai tuổi rưỡi. Ý ông thế nào con đều hiểu cả mà.

Ông ra ngoài hiên ngồi tựa lưng vào tường nghe chim chóc ngoài vườn ríu rít. Cây lá gặp tiết xuân nảy chồi non lộc biếc, chỉ nhìn thôi cũng đã mướt mắt rồi. Cây mai Yên Tử năm nào cũng qua tết mới bung hoa. Đó là loài hoa ưa nắng ấm, nắng sớm thì nở sớm, nắng muộn thì nở muộn. Đủng đỉnh chẳng cần phải gò mình theo thời vụ hay lễ tết gì. Như bây giờ cây mai nhỏ đứng chơ vơ trước nhà, trụi lá. Nụ ủ từ cuối đông bình thản ngủ qua những ngày tết mặc kệ trăm hoa khoe hương sắc. Năm nào ông cũng có cái thú chờ những bông mai nở. Tết cũng chỉ cần ngắm những nụ mai đang ngủ là đã thấy có cả mùa xuân. Được các bác sĩ gật đầu cho về nhà đón tết ông vui lắm. Cứ tưởng năm nay phải ăn tết trong bệnh viện. Ông biết dù có tốn kém điều trị cỡ nào thì quãng thời gian được sống cũng không còn bao nhiêu nữa. Chi bằng sống thanh thản những tháng ngày còn lại bên con cháu. Mấy tháng nằm viện ông nhớ mảnh vườn xanh, con chó nhỏ, thềm giếng xanh rêu…

Ông tỉnh giấc lúc sáu giờ chiều. Những cơn đau âm ỉ trong người hình như đã tạm lắng sau khi thuốc ngấm. Ông nhìn ra sân thấy vợ con đang quây quần gói bánh chưng. Người chẻ lạt, người tước lá dong, người rục rịch kê bếp bắc sẵn nồi. Vợ ông sẽ vẫn là người đảm nhiệm khâu gói bánh, bao năm nay vẫn vậy. Không cần khuôn mà bà gói mười chiếc bánh vuông vắn như nhau. Ông thương mái tóc muối tiêu, tấm lưng gầy, đôi bàn tay đen đúa ấy. Cả một đời vì chồng con mà vun vén, tần tảo lo toan. Lúc trẻ lo cho con, lúc già còn chưa kịp thảnh thơi thì chồng lăn ra ốm. Tiền nong chữa bệnh cho ông đâu phải ít, chắc bà cũng đã phải xoay xở xa gần. Hơn hai tháng ông nằm viện, bà ngược xuôi từ quê lên phố lại từ phố về quê không biết bao nhiêu bận. Mệt mỏi là thế mà cứ vào đến buồng bệnh của chồng là mặt bà tươi rói, nói cười không ngớt. Cứ như thể ông chỉ ốm sơ thôi, nằm viện ít hôm rồi lại về nhà chăm chỉ với ruộng vườn chuồng trại. Nhìn bà cười mà lòng ông quặn lại. Thà bà cứ khóc than thì có khi ông còn thấy nhẹ lòng. Nhưng vợ ông lúc nào cũng vậy, cứ mỗi khi khó khăn nhất là bà luôn lạc quan mạnh mẽ để mọi người trong nhà vin vào mà cố gắng.

Những ngày này ông hay hồi tưởng lại cuộc đời. Bao nhiêu mùa xuân, hạ, thu, đông đã đi qua trong căn nhà này. Kể từ lúc ông bà dắt díu nhau lên đây khai hoang bổ từng nhát cuốc. Khi đó bà mang bầu thằng cả, suốt ngày dài chỉ được hai bữa cơm độn sắn mà nai lưng giữa triền đồi toàn đá sỏi. Đêm trong lều ông phải thức quạt cho bà ngủ vì lo lũ muỗi khát máu đốt vợ mình. Ngày ấy thuốc thang làm gì có, lỡ mà bị sốt rét hoặc sốt xuất huyết là rất dễ đi đời. Cũng may mà trời thương, thiếu thốn đủ đường nhưng vợ chồng khỏe mạnh. Một ngôi nhà lá tường đất được dựng lên. Thằng cả ra đời cất tiếng khóc giữa bạt ngàn rừng núi, chim chóc líu lo. Hơn ba mươi năm đã trôi qua mà ông cứ ngỡ như vừa mới hôm qua thôi đầu nhà còn phơi tã lót, tiếng vợ ru à ơi con cò con vạc. Ngôi nhà lá đổ sụp sau một trận bão to, nhà gạch xây lên không kịp trát tường, cũng chẳng lắp cánh cửa nào, vợ chồng con cái sống quây quần sớm tối. Biết bao nhiêu cái tết đã đi qua trong căn nhà ấy. Một buổi chợ đông cũng đủ làm Xuyên vui suốt những ngày xuân. Đứa con gái bé nhỏ của ông tết năm nào cũng háo hức một manh áo mới. Xuyên thường lẽo đẽo theo mẹ đi chợ ba mươi tết. Chờ mẹ bán xong con gà trống, mấy mớ lá dong hoặc chục cân gạo nếp để sà vào hàng quần áo vải đỏ vải hoa. Tràn ngập tuổi thơ con là những sắc màu…

Ngôi nhà hiện tại được xây cách đây sáu năm. Đợt đấy phải hoàn thiện gấp để tổ chức đám cưới cho con gái. Cả đời ông từng trải qua bao biến cố thăng trầm cũng chưa bao giờ rơi nước mắt. Vậy mà ngày con gái lấy chồng ông cứ đứng bên gốc xoài già mà khóc. Dù Xuyên đi lấy chồng cách có một con sông, cứ nửa tiếng lại có một chuyến phà. Gả con gái về nhà chồng cũng là lúc ông nghĩ về cuộc đời của vợ mình. Các cụ vẫn có câu: “Lấy chồng thì phải theo chồng/ Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo”. Giờ Xuyên đã hai con, ngày nào các cháu cũng gọi cho ông qua zalo. Mấy hôm trước chính tụi nhỏ năn nỉ ông về nhà ăn tết. Khi ấy các bác sĩ nói sức khỏe ông còn chưa ổn định có khi phải truyền hóa chất thêm. Nhưng ông nghĩ cả rồi, thuốc thang gì cũng không bằng tinh thần phấn chấn. Được về quây quần với gia đình, với bà con hàng xóm thì những ngày còn lại dù có ngắn ngủi đi chăng nữa ông sẽ vẫn thấy thanh thản khi nhắm mắt xuôi tay.

- Ông ơi. Mẹ con bảo năm nay vắng ông chăm nên vườn táo ngọt sau nhà thưa quả.

- Không phải đâu cháu ạ. Vườn táo nhà

mình trồng lâu năm đã cỗi. Cũng đến lúc phải chặt chúng đi trồng cây mới vào rồi. Ông cũng già rồi, sau này các cháu sẽ thay ông chăm sóc khu vườn này xanh tốt.

- Cháu sẽ giúp bà nhổ cỏ trong vườn.

- Còn cháu sẽ giúp bà tỉa cành, tưới nước.

- Các cháu của ông ngoan lắm. Rồi cây trái sẽ ra mùa quả ngọt.

Ông gượng dậy dắt các cháu ra vườn, những trái táo cuối mùa chín vàng lấp trong tán lá. Năm nào cũng vậy cứ giáp tết là ông ra hái táo, chọn những quả ngon nhất để thắp hương ông bà tổ tiên và biếu cho bà con hàng xóm. Ông ngồi dưới gốc cây táo già ngửa cổ nhìn những tia nắng vàng lọt qua kẽ lá. Mùa xuân bình yên quá, chim chóc kéo về ríu rít dưới những tán cây. Nhìn các cháu chạy chơi, cơn đau trong người ông dường như tan biến chỉ còn lại sự nhẹ nhõm trong tâm hồn của một người đã đi qua những năm tháng cuộc đời. Mùi mứt gừng từ trong bếp tỏa ra thơm quá. Năm nào vợ ông cũng làm nhiều mứt gừng bỏ trong lọ thủy tinh để dành suốt mùa lạnh. Nửa đêm nhà có tiếng ho chỉ cần một lát mứt là ấm cổ mà không cần phải thuốc thang nhiều. Mọi năm không đau ốm ông vẫn quanh quẩn trong bếp giúp vợ làm vài món ăn ngày tết. Con cháu bận việc thường vẫn hay về muộn, hai ông bà túc tắc hưởng niềm vui ngày tết bằng đôi bàn tay của mình. Bà làm giò tai thì ông chế biến món thịt nấu đông. Bà lo vại dưa hành thì ông xắn tay áo tỉa hoa cà rốt. Năm nay bà bảo “chỉ cần ông khỏe là cả nhà vui. Chuyện bếp núc đã có các con lo”. Ừ thì mấy khi có con cháu ở nhà đông đủ…

Tối ba mươi ông đau suốt. Nhờ thuốc mà đến gần giao thừa thì cơn đau thuyên giảm. Ngoài sân vợ ông đang hái một bông hồng đỏ đẹp nhất để cài vào mỏ gà cúng đặt trên mâm xôi. Thằng cả đang chăng đèn nhấp nháy trên cây cối ngoài sân. Hơi lạnh từ bên ngoài len lỏi vào phòng, ông ngửi thấy mùi của lá non, của hoa cúc, hoa đào trong gió. Trên ti vi đang phát chương trình đặc biệt đêm giao thừa, tiếng nhạc tiếng ca rộn ràng lẫn trong tiếng trẻ con chạy đùa ríu rít. Chỉ ít phút nữa thôi là một năm mới bắt đầu, các cháu của ông sẽ lớn thêm một tuổi. Ông tiếc là mình không thể sống lâu hơn để nhìn con cháu trưởng thành. Cũng không có cơ hội được chứng kiến những thời khắc quan trọng trong cuộc đời của chúng. Chúng sẽ vào đại học, sẽ dẫn người mình yêu thương về ra mắt người thân, sẽ lấy vợ lấy chồng và sinh cho ông những đứa chắt khôi ngô, kháu khỉnh. Nhưng ông tin thời khắc hiện tại vẫn luôn là những giây phút đáng quý nhất. Ý nghĩ ấy khiến ông đưa tay lau hai khóe mắt đúng lúc vợ ông mở cửa bước vào phòng.

- Các con có mua quần áo mới cho bố mẹ, còn cẩn thận giặt giũ thơm tho cả rồi đây ông ạ.

- Người ta nói chẳng sai, người già với trẻ con là một. Tết đến có được manh áo mới là thấy lòng vui như đứa trẻ bà nhỉ.

- Ôi ông nhìn xem các con chọn cho tôi áo hoa nữa đây này. Đầu hai thứ tóc rồi mà chắc chúng nghĩ mẹ vẫn còn trẻ lắm.

- Là hoa bèo tây chẳng phải bà vẫn thích hay sao.

- Bộ quần áo các con chọn cho ông ấm áp lắm. Ông mặc vào đi còn ra ngoài để đón giao thừa.

- Năm nay huyện mình có bắn pháo hoa như mọi năm không nhỉ?

- Có chứ. Có chứ ông.

Ông ngồi trên chiếc trường kỷ quen thuộc, con cháu quây quần xung quanh. Mâm cỗ cúng giao thừa đã chuẩn bị xong xuôi, ông chỉnh lại quần áo lúc trên tivi giọng biên tập viên đang đếm ngược thời gian. Lúc ông thắp hương lên bàn thờ tổ tiên thì ngoài trời những chùm pháo hoa đã bắt đầu bừng sáng…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cái tết cuối cùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO