Cần tăng quyền, trách nhiệm của thanh tra các cấp, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng

N.ĐOAN 18/05/2022 16:23

(QNO) - Sáng nay 18.5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước.

Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Thanh tra sáng nay 18.5. Ảnh: N.Đ
Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sáng nay 18.5. Ảnh: N.Đ

Nói về sự cần thiết phải ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi), theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước, sau 12 năm thực hiện cho thấy Luật Thanh tra năm 2010 chưa cụ thể quan điểm đổi mới của Đảng và Hiến pháp 2013 trong việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất; theo chuyên đề, chuyên ngành.

Bên cạnh đó, những hạn chế của Luật Thanh tra năm 2010 gây khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng kịp thời trước sự đòi hỏi của xã hội.

Từ thực tiễn đó, việc sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 là cần thiết nhằm thể chế quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Đại diện ngành Thanh tra tỉnh phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sáng nay 18.5. Ảnh: N.Đ
Đại diện Thanh tra tỉnh phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sáng nay 18.5. Ảnh: N.Đ

Góp ý vào nội dung dự thảo luật, các ý kiến thống nhất đối với việc ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở giai đoạn mới.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật chủ yếu tăng nhiệm vụ là chính, chứ quyền năng của ngành thanh tra chưa mạnh mẽ. Theo đó, cần có sự hiến định mạnh mẽ quyền gắn với trách nhiệm của lực lượng thanh tra.

Tăng trách nhiệm của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn và của đoàn thanh tra; tăng quyền và trách nhiệm của những người ra quyết định thanh tra và kết luận thanh tra. Người ra kết luận thanh tra không đúng với quy định pháp luật thì phải chịu trách nhiệm. Luật ban hành cần thể hiện rõ quyền và trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, người ra kết luận thanh tra để ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau.

Về quy định bộ máy thanh tra cần quy định cụ thể, cho đồng bồ, nói rõ đơn vị, ngành nào cần có thanh tra, chứ không nên thể hiện “tùy vào điều kiện thực tế để xây dựng tổ chức thanh tra” sẽ dẫn đến sự tùy tiện, không chính đáng…

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng tiếp thu những nội dung hợp lý để đưa vào báo cáo tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời cho rằng, những ý kiến thảo luận, góp ý từ thực tiễn công tác, triển khai thực hiện Luật Thanh tra hiện hành là cơ sở để Đoàn ĐBQH tỉnh nghiên cứu chuẩn bị nội dung tham gia thảo luận góp ý vào dự thảo luật.

Đặc biệt tiếp thu các ý kiến mong muốn tăng quyền, trách nhiệm của thanh tra các cấp, góp phần quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nhất là các chế tài liên quan để tăng cường trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của ngành thanh tra cho mạnh hơn.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, nếu đã thanh tra cũng với nội dung, chương trình đó, nhưng không phát hiện được sai phạm; trong khi đó, cơ quan khác cũng kiểm tra, giám sát nội dung đó và phát hiện ra sai phạm thì thanh tra phải chịu trách nhiệm như thế nào. Dự thảo luật lần này cần quy định rõ, bởi thực tiễn cuộc sống đang đặt ra như vậy…

Được biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 116 điều.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần tăng quyền, trách nhiệm của thanh tra các cấp, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO