Ông là Lê Tự Ký (sinh năm 1929), hằng ngày vẫn âm thầm cầm bút viết lại những câu chuyện của làng. Ông được mệnh danh là “cây sử sống” làng Thanh Quýt (Điện Thắng Trung, Điện Bàn).
Lưu giữ trang sử làng
Năm nay ông Ký đã 96 tuổi, cái tuổi mà người đời gọi “xưa nay hiếm’’. Ông sống giản dị, thanh bạch, tuy tuổi già sức yếu nhưng mỗi khi ai hỏi chuyện làng, ông đều kể vanh vách.
Ông bộc bạch: “Do nhiều năm sống và chứng kiến đổi thay của làng Thanh Quýt, tôi dần thấm thía rằng, từ gốc cây ngọn cỏ, mỗi phận người ở đất này đều chất chứa nhiều trầm tích, văn hóa lịch sử mà thời gian cứ muốn cuốn dìm đi tất cả nên luôn thao thức nghĩ về việc làng”.
Từ thời niên thiếu, ông Ký đã yêu thích văn chương, học chữ Hán Nôm, dành tâm huyết nghiên cứu lịch sử, văn hóa của làng và nhiều địa phương khác.
Ông sưu tập những câu chuyện, tư liệu lịch sử để viết thành cuốn sách “Làng Thanh Quýt”. Cuốn sách kể về chuyện thôn xóm, phong tục, tập quán, đình chùa, hội làng... Ngoài giá trị chân thực như một cuốn phim tư liệu về nguồn cội của làng Thanh Quýt, cái hay của cuốn sách là mọi sự tích, sự việc, sự vật, con người… của làng đều được ông ghi chép rõ ràng, tường tận.
Ông Ký chia sẻ: “Tôi biên soạn cuốn “Làng Thanh Quýt” trước hết là để tri ân dân làng, ông bà tổ tiên. Tôi mong rằng, thế hệ hôm nay và nhất là hậu duệ mai sau, biết được gốc tích của làng”.
Dưới mái hiên của căn nhà cổ trăm tuổi, nhuộm màu cũ kỹ của thời gian, ông Ký kể về cuộc đời mình: Ông sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ đã sáng dạ, mê tìm tòi học hỏi. Ban đầu ông học trường tư thục ở làng do thầy Nghè Khôi đứng lớp. Nghè Khôi (tức thầy Nguyễn Hữu Khôi) là con ông Nguyễn Hữu Hường - Quan tri phủ huyện.
Học xong trường tư thục, ông chuyển sang học trường Phong Ngũ, sau đó học tiếp trường tổng rồi đi thi yếu lược, đệ nhất, đệ nhị, cuối cùng đậu trường tỉnh. Thời đó việc học hành rất khó khăn, buổi mai học bài buổi chiều đối liễn, trưa phải ăn sắn thay cơm, đường đến trường rất xa phải đi bộ hàng giờ.
Quá trình biên soạn cuốn sử làng không hề đơn giản bởi ông Ký tuổi đã cao, nhiều lúc trái gió trở trời bệnh tật kéo đến, đã có lúc tưởng chừng phải bỏ dở. Nhưng rồi vượt lên tất cả, với niềm đam mê, tâm huyết, ông đã hoàn thành cuốn sử làng vào năm 2010, được nhân dân làng Thanh Quýt đón nhận, xem đây là tài sản tinh thần của làng.
Trong hội làng và những dịp lễ tế quan trọng, ông Ký là người soạn văn tế khấn lễ, sớ trình và chịu trách nhiệm làm chánh bái trong lễ cúng để cầu mong bình an cho dân làng. Ông luôn nhắc nhở thế hệ sau về ý nghĩa quan trọng của việc cúng đình - hội làng truyền thống, vì nó chiếm một vị trí rất quan trọng trong sinh hoạt làng xã. Đó là một lễ hội thiêng liêng và đông vui nhất của làng được tổ chức định kỳ hàng năm và diễn ra rất trang nghiêm.
“Làm thầy” ở cái tuổi xưa nay hiếm
Ông Ký có lối kể chuyện truyền cảm, lôi cuốn người nghe. Không chỉ viết sử làng, ông còn truyền dạy kiến thức về Hán Nôm cho thế hệ sau bằng các buổi nói chuyện. Lớp học trong khoảng sân trước nhà cổ không ai phân biệt được đâu là thầy, đâu là trò bởi các cụ màu tóc đều trắng bạc như nhau.
Người học đa phần tuổi ngoài 70, đôi mắt không còn nhìn rõ, tay run, tai cũng đã nặng, chữ viết chưa được đẹp, nét sổ chưa thẳng, nét ngang chưa đều..., song ai cũng tích cực, miệt mài cho đến khi những hàng chữ hiện đầy trên trang giấy. Sau một thời gian theo học, giờ đây nhiều cụ ông đã đọc và viết được cơ bản những hoành phi câu đối trong các đình chùa, văn tế mỗi khi có hội làng, đó cũng là niềm vui nho nhỏ đối với thầy trò ông Ký.
Ông bộc bạch: “Học chữ Hán Nôm rất khó, nhất là với những người tuổi cao, trí và lực đều suy giảm như các cụ ông ở đây. Bởi chữ Hán là chữ tượng hình, đến nay đã lên đến hàng vạn chữ, hơn 200 bộ cơ bản. Trong khi mỗi chữ gồm một số bộ, thấp nhất là một nét, cao nhất 17 nét, số nét ghép lại với nhau rất khó nhớ.
Kinh nghiệm học chữ Hán là học từ dễ đến khó, ngoài giờ học trên lớp, về nhà cũng cần đầu tư thời gian để đọc đi đọc lại nhiều lần, viết đi viết lại nhiều lần theo đúng quy định của cách viết chữ Hán. Với những chữ nhiều bộ, nhiều nét, cần quan sát kỹ, sau đó lọc ra những bộ, những nét nào.
Trong quá trình học, không bao giờ viết chữ quốc ngữ phiên âm bên cạnh chữ Hán. Người học phải kết hợp học từ những câu thành ngữ, hay câu đối, đại tự viết bằng chữ Hán”.
[VIDEO] - Ông Ký say mê kể chuyện làng Thanh Quýt
Tận mắt chứng kiến cụ ông gần 100 tuổi đọc thông thạo chữ Hán Nôm qua các tư liệu xưa cổ, người làng Thanh Quýt ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ. Những năm trước đây, khi đôi chân còn khỏe, đôi mắt còn sáng rõ, ông Ký đã đọc, dịch lại văn bia, hoành phi, câu đối bị lu mờ theo thời gian trên các đình, chùa, bia mộ ở các xã phường tại Điện Bàn và một số địa phương ở Đà Nẵng.
Ông còn sưu tầm và cung cấp cho chùa làng một số hoành phi, câu đối treo những vị trí trang trọng để người đời thưởng lãm. Do chiến tranh, thiên tai, nhiều bộ gia phả dòng tộc bị thất lạc hoặc lu mờ, rồi các văn bản ghi chép sai lệch địa danh, tên làng xã, nhiều trưởng làng, trưởng tộc đã tìm đến nhà ông Ký nhờ phiên dịch, đối chiếu từ chữ Hán Nôm ra chữ Quốc ngữ để hoàn thiện bộ gia phả.
Ông Ký cho biết, ông có 11 người con, người nào cũng sống tử tế, tốt bụng, hết lòng ủng hộ việc ông làm. Bước qua tuổi 96, độ tuổi nhiều người đã gói ghém mọi thứ để về trời, ông Ký vẫn còn băn khoăn không biết sau này có ai tiếp tục thay ông viết tiếp sử làng.