Văn hóa

Đi tìm “chỗ đứng” cho công nghiệp văn hóa Quảng Nam

QUỐC TUẤN (quoctuanqna93@gmail.com) 01/05/2025 08:08

(VHQN) - Sở hữu vỉa tầng văn hóa sâu rộng, đa sắc màu, Quảng Nam có nhiều lợi thế để “định vị chỗ đứng” trong nền công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó có bản sắc của âm nhạc.

img_0925.jpg
Thủ công mỹ nghệ cũng là một lĩnh vực lợi thế của Quảng Nam để thúc đẩy công nghiệp văn hóa. Trong ảnh: Người thợ làm đèn lồng Hội An. Ảnh: QUỐC TUẤN

“Cái nôi” công nghiệp văn hóa Quảng Nam

Điểm nhấn lớn nhất khi nhắc đến diện mạo công nghiệp văn hóa ở Quảng Nam chính là show diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”. Bằng nghệ thuật sân khấu hóa trình diễn, show diễn đã dẫn dắt khán giả sống lại trong không gian của một phố cổ Hội An cách đây hơn 4 thế kỷ với những ngôi nhà cổ, cảnh sông nước trên bến dưới thuyền.

Trên nền bối cảnh đó, qua lớp lớp câu chuyện dân gian, truyền thuyết, huyền thoại lịch sử, vẻ đẹp của người con gái Hội An được khắc họa, tái hiện theo dòng ký ức về Hội An với những bước đi thăng trầm cùng lịch sử.

Nhìn rộng ra, từ trước đó khá lâu, có thể thấy ở nhiều ngõ ngách của đô thị cổ Hội An này đã len lỏi hình thái của công nghiệp văn hóa dù ở mức độ sơ khai. Đối chiếu với 12 nhóm lĩnh vực trọng tâm trong công nghiệp văn hóa đã được Chính phủ Việt Nam xác định, từ lâu tại Hội An đã nổi bật lên ít nhất 3 lĩnh vực là du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ và thời trang.

img_0092.jpg
Trình diễn nghệ thuật ở Khu đền tháp Mỹ Sơn thời gian qua còn theo kiểu lẻ tẻ trong thời gian trình diễn ngắn, cần nghiên cứu cải tiến sản phẩm để gia tăng sức hút với du khách. Ảnh: QUỐC TUẤN

Với thế mạnh về chiều sâu văn hóa và thu hút lượng lớn khách du lịch, Quảng Nam còn dư địa rộng mở để thúc đẩy công nghiệp văn hóa, chứ không chỉ khu biệt ở nhóm ngành nào hoặc khu vực Hội An.

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners nhận định: “Hội An không nên tự giới hạn mình ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian khi gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO mà cần chủ động phát triển trong lĩnh vực phim ảnh, âm nhạc, thiết kế… Tôi nhìn thấy tiềm năng của các lĩnh vực này tiềm ẩn ở Hội An rất lớn, đó cũng là một hướng mở để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công nghiệp văn hóa ở Hội An”.

Sáng tạo vượt qua giới hạn

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho rằng, có nhiều giá trị văn hóa bản địa rất trừu tượng mà chỉ trong một hành trình tham quan ngắn ngủi thoáng qua, du khách khó lòng cảm nhận đầy đủ được giá trị của chúng. Có thể đề cập trường hợp của Mỹ Sơn, di sản này có chiều sâu văn hóa lớn để khai thác tạo ra giá trị gia tăng thông qua hoạt động văn hóa - nghệ thuật.

20250406_193011.jpg
Du lịch văn hóa là một thế mạnh của Quảng Nam. Trong ảnh: Trò chơi Bài chòi được tổ chức hằng đêm trong phố cổ Hội An lôi cuốn du khách trong, ngoài nước. Ảnh: QUỐC TUẤN

“Thay vì trình diễn văn nghệ theo kiểu lẻ tẻ với thời gian trình diễn ngắn như lâu nay, Mỹ Sơn có thể nghiên cứu một show diễn công phu kéo dài cả tiếng đồng hồ để truyền tải tinh hoa nghi lễ, văn hóa Champa qua hình tượng sân khấu hóa. Khi đó, nhiều du khách đến Mỹ Sơn có thể không hiểu nhiều về giá trị của cổ tháp nhưng đọng lại ấn tượng sâu sắc với di sản này thông qua tác phẩm nghệ thuật”, ông Sơn nhận định.

Kho tàng văn hóa vùng Tây Quảng Nam cũng là “của để dành” hiếm có cho việc phát triển công nghiệp văn hóa sau này. Theo bà Tạ Thị Tú Uyên - Giám đốc ban sản phẩm dịch vụ, Công ty Vietravel, chất liệu văn hóa ở Quảng Nam rất dồi dào để phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch. Tuy nhiên cũng cần cẩn trọng, có chiến lược lồng ghép, phát triển bài bản.

“Đơn cử như văn hóa Cơ Tu của đồng bào vùng cao vốn nguyên bản, nếu không có chiến lược khai thác phù hợp sẽ có nguy cơ bị biến tướng thành “sân khấu hóa” để chiều lòng du khách (như trình diễn nghi lễ không đúng ngữ cảnh, làm sản phẩm lưu niệm kém chất lượng bán cho khách...). Đây là những thách thức nghiêm trọng, bởi một khi văn hóa đặc trưng bị tổn thương thì tính bền vững của du lịch không còn”, bà Uyên chia sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi tìm “chỗ đứng” cho công nghiệp văn hóa Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO