Trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các – bon của rừng (gọi tắt là thí điểm C-PFES), thì Quảng Nam được đánh giá cao trong cách thức chi trả và quản lý, bảo quản tốt những cánh rừng có chủ.
Ông Huỳnh Đức, Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh thông tin, các hệ sinh thái rừng có tiềm năng rất lớn về hấp thụ và lưu giữ các-bon, vừa góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa có tiềm năng tạo ra nguồn thu đáng kể cho công tác bảo vệ rừng trong tương lai. Diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh là 680.602ha (rừng tự nhiên 464.310ha và rừng trồng 216.292ha. “Trong lúc Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp và Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam đang tiến hành các công việc chuẩn bị thí điểm dịch vụ C-PFES ở tầm quốc gia thì việc thí điểm tiếp cận C-PFES ở cấp tỉnh rất có ý nghĩa, giúp cán bộ lâm nghiệp hiểu biết những nội dung, phương pháp đối với thực hiện C-PFES trên bình diện quốc tế và trong nước” - ông Đức nói. Từ năm 2018 đến nay, chính quyền tỉnh, ngành nông nghiệp chủ động báo cáo Bộ NN&PTNT về tham gia thí điểm chi trả DVMTR đối với C-PFES. Tuy nhiên, trong số hàng chục cơ sở trên địa bàn tỉnh thuộc diện đối tượng chi trả DVMTR đối với C-PFES chỉ chọn 2 đơn vị doanh nghiệp thực hiện thí điểm.
Trên địa bàn tỉnh hiện đã thu ủy thác tiền DVMTR đối với 76 đơn vị sử dụng DVMTR. Trong đó có 27 đơn vị sản xuất thủy điện, 7 đơn vị sản xuất, cung ứng nước sạch, 1 đơn vị kinh doanh du lịch và 44 cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nước cho sản xuất công nghiệp. Như vậy, chính sách chi trả DVMTR tại Quảng Nam có 4 nhóm đối tượng thực hiện chi trả tiền DVMTR, bao gồm sản xuất thủy điện, nước sinh hoạt, nước công nghiệp và kinh doanh du lịch. Chính phủ đang thí điểm nhóm đối tượng dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các – bon của rừng.
Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, trong khi Công ty CP Tập đoàn Thai group chi nhánh Quảng Nam đề nghị cân nhắc việc chọn tham gia thí điểm, thì đối với Công ty CP Than - điện Nông Sơn đề nghị không tham gia thí điểm. Lúng túng của nhiều cán bộ lâm nghiệp là xác định khu rừng được chi trả DVMTR đối với C-PFES, do hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật; phương pháp lấy số liệu, dữ liệu… Ông Phan Quang Tĩnh, cán bộ Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh băn khoăn: “Vấn đề chúng tôi quan tâm là thu và chi trả C-PFES như thế nào cho phù hợp và công bằng với việc phát thải của các cơ sở công nghiệp; khả năng hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng trên phạm vi quốc gia, nhằm khuyến khích tham gia và huy động nguồn lực xã hội; xác định vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong triển khai thực hiện và quản lý C-PFES”.
Tại hội thảo kỹ thuật và kế hoạch triển khai thí điểm C-PFES (được thực hiện bởi dự án Trường Sơn xanh do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ tài trợ) vừa diễn ra tại TP.Đà Nẵng, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có quy định, quản lý và sử dụng tiền đối với C-PFES; kế hoạch triển khai thực hiện C-PFES cấp tỉnh. Quỹ Bảo vệ - phát triển tỉnh đề xuất, Bộ NN&PTNT cần có hướng dẫn kế hoạch triển khai thực hiện C-PFES cấp tỉnh, việc thực hiện thí điểm nên nghiên cứu để điều tiết từ các tỉnh có số tiền thu từ C-PFES cao sang các tỉnh có nguồn thu thấp nhưng lại có diện tích rừng lớn.