Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Nhà máy khai thác nước trả nợ rừng

TRẦN HỮU 30/07/2019 10:39

Từ năm 2019, nhà máy sản xuất công nghiệp khai thác, sử dụng nguồn nước mặt hoặc nước ngầm đều phải có trách nhiệm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ.

Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn thuộc Công ty CP Than - điện Nông Sơn hầu như lấy toàn bộ nguồn nước mặt từ sông Thu Bồn là đơn vị chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm nay. Ảnh: T.H
Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn thuộc Công ty CP Than - điện Nông Sơn hầu như lấy toàn bộ nguồn nước mặt từ sông Thu Bồn là đơn vị chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm nay. Ảnh: T.H

Thời gian qua, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh góp phần vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, giảm bớt áp lực đối với nguồn ngân sách nhà nước. Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, đây được xem là nguồn tài chính bền vững phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng; đồng thời nâng cao trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của những tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ rừng và các cộng đồng dân cư sinh sống tại các địa phương.

Nhà máy sản xuất gạch thuộc Công ty TNHH Prime Đại Lộc thuộc Cụm công nghiệp Đại Quang (Đại Lộc), theo giấy phép đăng ký khai thác nước được cơ quan có thẩm quyền cấp, sử dụng 375m3nước mặt lẫn nước ngầm/ngày đêm. Sau một thời gian thực hiện thí điểm, đến nay nhà máy này chính thức chi trả DVMTR theo đơn giá quy định. Tương tự, nhà máy nhiệt điện Nông Sơn thuộc Công ty CP Than - điện Nông Sơn hầu như lấy toàn bộ nguồn nước mặt từ sông Thu Bồn phục vụ cho quy trình làm mát thiết bị máy móc từ dây chuyền sản xuất, nước cho mục đích sinh hoạt.

Từ năm 2012 đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã ký kết hợp đồng, thu ủy thác tiền DVMTR đối với 34 cơ sở sử dụng DVMTR (trong đó có 26 cơ sở sản xuất thủy điện, 7 cơ sở sản xuất cung ứng nước sinh hoạt và 1 cơ sở kinh doanh du lịch). Ngày 10.5.2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ký Quyết định số 1351 phê duyệt danh sách gồm 44 cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh.

Theo giấy phép khai thác nguồn nước mặt do Sở Tài nguyên - môi trường cấp, nhà máy này khai thác hơn 171 nghìn mét khối nước/ngày đêm. Nguồn nước lấy từ sông đưa vào làm mát động cơ máy móc trong dây chuyền sản xuất, sau đó cho chảy trực tiếp ra sông bằng hệ thống đường ống xây dựng riêng, chỉ giữ lại cho nhà máy một khối lượng nước ít ỏi. Theo doanh nghiệp này, với đơn giá doanh nghiệp đề xuất 40 đồng/m3, thì ước tính mỗi năm công ty bỏ ra từ 2 - 3 tỷ đồng chi phí DVMTR. Tuy nhiên, công ty sẵn sàng hợp tác với Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng thống nhất cách tính toán dựa vào việc sử dụng nguồn nước thực tế của nhà máy chứ không theo con số đã đăng ký trong giấy phép khai thác (hiện công suất sử dụng nước của nhà máy chỉ hơn một nửa so với con số ghi trong giấy phép).

Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng cho biết, để chính sách áp dụng đồng loạt trên địa bàn tỉnh, năm qua, đơn vị đã triển khai thí điểm một vài cơ sở sản xuất công nghiệp có khai thác nguồn nước lớn. Tuy vậy, qua kiểm tra, tổng lượng nước khai thác thực tế được các cơ sở theo dõi qua công suất máy bơm, bể chứa, hoặc đồng hồ đo nước thường thấp hơn lượng nước ghi trong giấy phép khai thác. Lúng túng của ngành chức năng hiện nay là lượng hóa được cơ sở nào gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, tiêu chí xác định.

Theo Sở NN&PTNT, sau khi Nghị định 156, ngày 16.11.2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 1537, ngày 4.3.2019 về việc hướng dẫn thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Để triển khai ký kết hợp đồng thu ủy thác tiền DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp, UBND tỉnh phê duyệt danh sách cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh là 44 đơn vị với tổng sản lượng nước sử dụng theo giấy phép đăng ký gần 193 nghìn mét khối/ngày đêm. Trong đó, cơ sở sử dụng nguồn nước mặt 7 đơn vị với công suất khai thác 183,6 nghìn mét khối nước/ngày đêm; cơ sở sử dụng nguồn nước ngầm 37 đơn vị hơn 9 nghìn mét khối/ngày đêm. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với 42/44 cơ sở.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Nhà máy khai thác nước trả nợ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO