Chiến thắng Thượng Đức đã khai thông quốc lộ 14 nối với đường Trường Sơn. Từ căn cứ miền núi các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang thông xuống Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang về Đà Nẵng, tạo thế liên hoàn vùng giải phóng ở đồng bằng và căn cứ địa miền núi rộng lớn.
Sự khai thông này tạo điều kiện để quân ta triển khai các mũi tiến công vào Đà Nẵng. Lúc này, quân địch đang lúng túng đối phó ở khắp các chiến trường Khu 5, Tây Nguyên cũng như Đông Nam Bộ.
Khai thông quốc lộ 14
Ngày 6/6/1974, tại Sở chỉ huy Sư đoàn 304 ở khu vực Sông Bung (huyện Nam Giang), Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Sư đoàn 304 lên phương án tấn công Thượng Đức - một cụm cứ điểm kiên cố vững chắc ở phía tây nam căn cứ liên hợp hải lục không quân khổng lồ Đà Nẵng của địch.
Ngày 29/7/1974, Sư đoàn 304 nổ súng đánh vào Thượng Đức. Sau 10 ngày chiến đấu quyết liệt, ngày 7/8/1974, Sư đoàn 304 đã làm chủ hoàn toàn chi khu quân sự Thượng Đức, tiêu diệt Tiểu đoàn biệt động quân 79, san bằng hệ thống cứ điểm kiên cố án ngữ ở phía tây nam Đà Nẵng.
Chiến thắng Thượng Đức đã khai thông quốc lộ 14, nối với đường Trường Sơn. Sự khai thông này tạo điều kiện để quân ta triển khai các mũi tiến công vào Đà Nẵng.
Sau chiến thắng Thượng Đức “mạch máu” giao thông được củng cố và phát triển. Cùng với những con đường ở miền tây các huyện nối với trục đường 559, việc mở các nhánh tỏa xuống đồng bằng được khẩn trương thực hiện để xe cơ giới đưa hàng từ Trường Sơn về cơ sở.
Quân và dân các huyện miền núi Quảng Nam cùng bộ đội bạt núi san đồi, mở rộng mạng lưới đường thồ, đường ô tô nối từ đường Trường Sơn với miền tây qua Trao xuống bắc Hòa Vang, qua Khâm Đức, Hiệp Đức, Quế Sơn, Thăng Bình” (theo ấn phẩm “Mở đường” của Sở Giao thông vận tải Quảng Nam, xuất bản năm 2008).
Những chiến thắng dồn dập của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam cuối năm 1974 đầu năm 1975 làm cho quân địch suy sụp hẳn, thế và lực của ta mạnh lên gấp nhiều lần, tạo thời cơ chiến lược để Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng “quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975, 1976 và nếu có thời cơ thắng lợi thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
Từ đó, Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương mở đường, đa dạng hóa mạng lưới giao thông ngang dọc nối với đường Trường Sơn. Những con đường nhánh hình thành tạo nên hành lang tuyến khoét sâu vào vùng địch, ngày đêm mang những tin báo, mệnh lệnh chỉ huy của cấp trên cũng như vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường. Ngày đêm, quân và dân các huyện miền núi Quảng Nam, Đặc khu Quảng Đà khoét núi, mở đường.
Những con đường “Quyết thắng”
Cuối năm 1974, đầu năm 1975, ngoài hệ thống đường Đông Trường Sơn theo hướng Bắc - Nam và các tuyến đường ngang nối với đường Trường Sơn đã được khai thông từ trước, thì những con đường bí mật mang tên “Quyết Thắng”, “Thắng Lợi” đã được mở, kết nối từ đường Trường Sơn tiến xuống đồng bằng, ngày đêm vận chuyển vũ khí, đạn dược phục vụ chiến trường.
Ở địa bàn huyện Phước Sơn, trên Công trường 2/9, bộ đội, dân quân và thanh niên xung phong đã mở đường 16 nối từ đường mòn Trường Sơn xuống làng Hồi, thuộc xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn xuống huyện Hiệp Đức.
Từ Đông Giang, một đội thanh niên xung phong 10 - 15 người, theo chủ trương từng đợt, huy động dân công tham gia mở đường, kết quả đã làm được 25km đường. Ngoài ra còn phục vụ mở đường từ Prao đi Bến Hiên với 5.500 công.
Đáng lưu ý ngay từ cuối năm 1974, đầu năm 1975, Đảng bộ và nhân dân các huyện Đông Giang, Tây Giang đã tham gia mở đường Quyết thắng chạy từ Prao (đoạn nối với đường Trường Sơn) xuống đến Dốc Kiền để khi có điều kiện đưa xe, pháo và quân tiến công Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, còn tham gia làm 3 con đường nhánh, một đường từ Sông Kôn đi Ngật, Ka Dăng; một đường từ Sông Kôn đi xuống các xã Đại Đồng, Đại Quang của huyện Đại Lộc; một đường từ Sông Vàng đi xã Tư.
Trên địa bàn huyện Nam Giang, những ngày cuối năm 1974 đầu năm 1975, Ban Giao thông huyện tổ chức Đại đội Thanh niên xung phong và dân công với hơn 100 người, đồng thời hoàn thành con đường mang tên Thắng Lợi từ Thạnh Mỹ đi ngã ba Quế Sơn, xuống vùng Lộc Sơn (Đại Lộc). Đồng thời sửa chữa con đường 14 đoạn từ Thạnh Mỹ xuống Thượng Đức, để phục vụ cho bộ đội hành quân đưa vũ khí, xe pháo tấn công Đà Nẵng.
Không khí rầm rộ sôi nổi, nhất là hàng trăm thanh niên nam nữ các dân tộc đi dân công vận chuyển vũ khí, lương thực, từ binh trạm trên đường dây 559 về các chiến trường, túc trực ngày đêm ở những địa bàn cần thiết. Khi có lệnh gọi lên đường, họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì cách mạng cần.
Ngày 24/3/1975, sau khi ta giải phóng thị xã Tam Kỳ, quân địch ở Đà Nẵng hoang mang, rối loạn. Phối hợp với lực lượng vũ trang chính trị tại chỗ, lực lượng chủ lực của Quân khu 5 (Sư đoàn 2) đang tiến theo quốc lộ 1A vào trung tâm thành phố Đà Nẵng, Sư đoàn 304 đang đứng chân ở Thượng Đức thần tốc theo đường 14 tiến vào Đà Nẵng.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 29/3/1975, lá cờ mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới tung bay trên nóc Tòa thị chính, chính thức báo hiệu TP.Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng.