(QNO) - Thời điểm này trở đi, ve sầu bắt đầu sinh sôi và phát triển mạnh. Tại những vùng quê Đại Lộc, người làng í ới gọi nhau đi bắt ve sữa tại những vùng gò đồi, rẫy keo lá tràm. Mỗi đêm đi “săn” ve sữa, nhiều người có thu nhập tiền triệu.
Trời vừa nhập nhoạng tối, tốp 3, tốp 4 người dân trong làng Phú Phước (thôn Tây Lễ, xã Đại Thạnh) rủ nhau vào các rẫy keo lá tràm bắt đầu “săn” ve sầu sữa (hay còn gọi là nhộng ve sầu). Cảnh người xe nhộn nhịp, đông vui như ngày hội. Chúng tôi theo chân vợ chồng chị Võ Thị Linh để làm “thợ săn” bất đắc dĩ...
Chị Linh cho biết: “Vào mùa ve sinh sôi mạnh, từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5, cứ tầm khoảng 19 đến 20 giờ tối, vợ chồng tôi lại vào các rẫy keo để bắt ve. Ngày nào bắt được ít, tôi thường để gia đình ăn, còn hôm bắt được nhiều thì mang về rửa sạch, cho vào túi ny lon để bảo quản trong tủ lạnh, bán cho các quán nhậu, bởi đây là đặc sản. Mỗi cân ve sữa có bán giá 500 - 600 nghìn đồng, có thời điểm giá cao hơn.
Anh Thuận, chồng chị Linh cho biết, từ chỗ bắt ve để cải thiện bữa ăn gia đình, nay ve sữa lại được nhiều người ưa chuộng, tại các nhà hàng, quán nhậu…, sức tiêu thụ rất mạnh nên người dân đổ xô đi tìm ve.
Các “thợ săn” với những chiếc đèn pin nhỏ cầm trên tay hoặc gắn trên đầu, tản đến từng gốc cây keo hoặc cây rừng tìm ve sữa đang lột xác hoặc vừa lột xác xong, bụng đang ngậm sữa, có màu xanh non và cơ thể phủ một lớp phấn mỏng, chỉ cần bốc ve bỏ vào chai nước có pha muối loãng.
Là dân “tay mơ” nên chúng tôi khó khăn trong việc đi lại, tìm kiếm nhộng ve sầu, dễ bị vấp ngã, bị gai đâm rách da…, song với người bắt ve chuyên nghiệp, ai nấy nhanh nhẹn, chỉ cần lướt đèn pin qua các gốc cây hay ngọn lá, đã phát hiện được ve sầu bám trên đó.
Sẽ không có gì ngạc nhiên khi trong một rẫy keo có đến vài nhóm người cùng đi săn ve sầu, trong đó chúng tôi làm quen được với nhóm “thợ săn” của anh Tưởng Thọ (ngụ thôn Tây Lễ, Đại Thạnh). Anh Thọ cho biết, sau một ngày đi làm phụ hồ, về cơm nước xong là anh bắt đầu đi săn ve.
“Nay ve mới vào mùa nên còn ít, đến độ khoảng giữa tháng 4 trở đi, mỗi đêm cũng kiếm được khoảng 2 - 3kg ve sữa. Nếu chịu khó đi xa vào các rừng keo ở gần đập Khe Tân có thể thu hoạch gấp đôi. Với mức giá 1.000 - 2.000 đồng/con ve sầu thì thu nhập tiền triệu mỗi tối là bình thường” - anh Thọ nói.
Chị H.T.D. (45 tuổi, ngụ xã Đại Chánh) - một thương lái chuyên thu mua ve sầu cho biết: “Ve sữa có thể chế biến thành nhiều món như ram, ve xào sả ớt, ve chiên giòn… với đặc trưng thơm, béo, lạ miệng, món ăn này vừa phù hợp ăn chơi vừa là một món mồi nhậu đặc biệt. Có những ngày tôi thu gom được 30kg ve sầu nhưng vẫn không đủ để cung ứng”.
Tại xã Đại Hồng, chuyện cả làng rủ nhau đi bắt ve sầu mỗi đêm mùa hạ không còn là chuyện hiếm. Với người dân nơi đây, mỗi con ve bắt được sẽ được các đại lý, quán nhậu thu mua với giá dao động từ 1.000 - 1.500 đồng. Mỗi đêm, mỗi người chỉ cần bắt được tầm 500 con ve là đã có thu nhập hơn 500 nghìn đồng. Số ve bắt được, để bảo quản tốt, các "thợ săn" đóng bịch ny lon trữ đông trong tủ lạnh hoặc phải gom thêm của những “thợ săn” khác mới đủ hàng để giao. Không khó để có thể đặt mua ve sữa và người bán có thể ship hàng tới tận nơi theo yêu cầu.
“Nhộng ve sầu là món ăn hiện rất được các quán nhậu, nhà hàng trong và ngoài địa phương ưa chuộng. Nếu chịu khó, 2 vợ chồng chong đèn đi bắt ve mỗi đêm kiếm tiền triệu là bình thường. Tuy nhiên, do ban đêm, việc di chuyển khó khăn, các yếu tố như rắn rết, côn trùng… cũng là trở ngại không nhỏ nên cần hết sức cẩn thận” - chị Phan Thị Thanh Tâm (xã Đại Hồng) chia sẻ.
Được biết, ve sữa là con ve vừa lột xác, bắt đầu cho một vòng đời mới. Sau khi lột xác, mọc cánh, ve trưởng thành lại bay lên các cành cây kêu suốt mùa hè. "Thợ săn" thường canh giai đoạn chúng vừa chui lên từ lòng đất, bò lên thân cây, bụi cỏ, được gọi là ve sữa, bởi lúc này thịt ve mềm, béo ngậy.
Trước tình trạng nhiều người đổ xô đi "săn" ve sữa, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Đảng ủy xã Đại Hồng cho rằng, đến nay địa phương chưa tiếp cận được tài liệu khoa học nào nói kỹ về tác hại hay lợi ích lớn của con ve sầu đối với ngành nông nghiệp hay môi trường. Chỉ có thông tin là con ve có gây hại đến cây sao đen, cây cà phê... trong quá trình đẻ trứng, gây xì mủ thân cây, song ảnh hưởng không đáng kể.
Đến nay, ngành kiểm lâm, giới khoa học hay lực lượng chức năng cũng chưa có động thái cảnh báo hay nghiêm cấm gì về tình trạng săn bắt ve sữa. Loài côn trùng này cũng không nằm trong Sách đỏ hay danh mục loài bị nghiêm cấm săn bắt nên địa phương không có cơ sở để cảnh báo hay nghiêm cấm. Tuy vậy, việc săn bắt ve sữa về lâu dài và săn bắt với số lượng lớn, săn bắt hằng đêm, tập trung vào thời kỳ ve sinh trưởng và phát triển có thể sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến loài và đa dạng sinh học bởi loài côn trùng này có vòng đời sinh trưởng rất dài.