Đảm bảo an sinh xã hội, tạo cơ hội cho phụ nữ, xóa bỏ bạo lực gia đình, chống xâm hại trẻ em… là những mục tiêu bình đẳng giới mà thị xã Điện Bàn đang hướng tới.
Giữa tháng 11 vừa qua, Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn mở phiên xét xử sơ thẩm vụ bạo lực gia đình gây thương tích giữa ông Võ D. (SN 1972) và vợ là Trần Thị Thanh D. (SN 1979; trú phường Điện Ngọc).
Theo cáo trạng, khoảng 6 giờ ngày 5/12/2022, vợ chồng ông D. xảy ra mâu thuẫn, cự cãi nhau liên quan đến việc không có tiền đóng học thêm cho con. Quá trình cãi vã, ông Võ D. đấm vào vùng mắt trái của chị D. gây thương tích 38%. Kết quả, ông Võ D. bị tòa tuyên án 15 tháng tù giam.
Đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn thị xã thời gian qua liên quan đến bạo lực gia đình (BLGĐ) mà phụ nữ là nạn nhân. Thống kê trên địa bàn từ năm 2021 đến nay, trong số 259 vụ xét xử liên quan đến hôn nhân gia đình đã có 17 vụ bạo lực gia đình, 7 vụ xâm hại trẻ em.
Tuy vậy, số liệu thực tế các vụ bạo lực có thể nhiều hơn nhưng chưa được trình báo bởi nhiều nguyên nhân, đặc biệt không ít phụ nữ có tâm lý im lặng chịu đựng để gia đình êm ấm, kể cả mặc cảm xã hội…
Bà Nguyễn Thị Nam Hải - Chủ tịch Hội LHPN thị xã Điện Bàn khẳng định, bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em gái là nhiệm vụ trọng tâm được hội triển khai thực hiện thời gian qua.
Hàng năm, các cấp hội đều xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức tuyên truyền thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ; Luật Hôn nhân gia đình; Luật Trẻ em, gắn với “Tuyên truyền, vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Cùng với đó, nhiều mô hình hỗ trợ nhóm phụ nữ bị BLGĐ như “Ngôi nhà an toàn”, “Địa chỉ tin cậy”; xây dựng và nhân rộng các mô hình CLB gia đình hạnh phúc… cũng được xây dựng phát triển. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức về pháp luật cho phụ nữ…
Đến cuối tháng 11/2023, toàn thị xã có 2.607 phụ nữ nghèo, cận nghèo, 818 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó trẻ em gái là 403 em. Đây là nhóm đối tượng yếu thế cần được quan tâm giúp đỡ về mặt vật chất lẫn tinh thần, nhất là cần trang bị, tư vấn kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, những năm qua Thị ủy, UBND thị xã đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch chỉ đạo và tổ chức triển khai các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Trên cơ sở đó các cấp, ngành đã tập trung triển khai nhiều nội dung, giải pháp thực hiện hạn chế thấp nhất những vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trong cuộc sống hàng ngày.
“Với sự nỗ lực của các ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội, công tác phòng chống BLGĐ, xâm hại phụ nữ trẻ em có giảm hàng năm. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em vẫn còn tồn tại gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần, danh dự, nhân phẩm, tính mạng và đời sống của phụ nữ, trẻ em.
Đặc biệt, nguy cơ bạo lực trên môi trường mạng đang là vấn đề mà các các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa, cùng chung tay bảo vệ phụ nữ và trẻ em đảm bảo cuộc sống an toàn” - bà Hằng nói.